.
NỖ LỰC PHỤC HỒI KINH TẾ SAU ĐẠI DỊCH:

Bài cuối: Tháo gỡ khó khăn, sẵn sàng thích ứng

Cập nhật: 08:43, 15/07/2020 (GMT+7)

Bài 1: Doanh nghiệp bắt đầu "thấm đòn"

Nhiều lĩnh vực đang tập trung vực dậy sau tác động của đại dịch Covid-19, ngoài các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực may mặc, thủy sản xuất khẩu… còn có nhóm ngành du lịch, dịch vụ.

Giảm giá, kích cầu du lịch, mở các tour tuyến mới nhằm thu hút khách du lịch là nhóm các giải pháp được các doanh nghiệp kinh doanh du lịch thực hiện.

Ngành Du lịch đang thực hiện nhiều giải pháp vực dậy sau tác động  của Covid-19.
Ngành Du lịch đang thực hiện nhiều giải pháp vực dậy sau tác động của Covid-19.

KÍCH CẦU DU LỊCH

Du lịch, dịch vụ được đánh giá là nhóm ngành chịu tác động nặng nề nhất do đại dịch Covid-19. Chính vì vậy, vực dậy nhóm ngành này là việc cần làm. Đề cập đến những giải pháp trong thời gian tới, Giám đốc Trung tâm Phát triển du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh Tiền Giang Nguyễn Vũ Khanh cho biết, trước tác động của Covid-19, trong thời gian tới Trung tâm tiếp tục phát động chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” đến các doanh nghiệp du lịch.

Đồng thời, nhằm kích cầu và hỗ trợ các hộ kinh doanh quà lưu niệm, các văn phòng kinh doanh du lịch, Trung tâm tiếp tục xin chủ trương giảm giá cho thuê mặt bằng ở Trung tâm từ 20% - 30% đến hết năm 2020.

Ông Nguyễn Văn Thân nhấn mạnh, EVFTA mang lại cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp khi đến thời điểm này, EU xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 42% dòng thuế của hàng hóa Việt Nam vào EU.

“Nền kinh tế của Việt Nam có điều kiện và cơ hội thu hút thêm các khoản đầu tư khi Hiệp định EVFTA và Hiệp định về bảo hộ đầu tư (EVIPA) đi vào thực thi. Như chúng ta biết, Hiệp định EVFTA đã được ký kết cùng lúc với Hiệp định EVIPA, khi cả 2 hiệp định này đi vào thực thi, các doanh nghiệp nước ngoài từ các nước EU, theo các cam kết về mở cửa thị trường của Việt Nam, sẽ có điều kiện thuận lợi hơn khi đầu tư tại Việt Nam, qua đó cũng tạo điều kiện thu hút đầu tư vào Việt Nam, tạo thêm cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam, cho người lao động Việt Nam khi hợp tác, làm ăn với các nhà đầu tư nước ngoài” - ông Nguyễn Văn Thân cho biết.

Bên cạnh đó, Trung tâm tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp kinh doanh du lịch tổ chức phục vụ khách du lịch qua bến của Trung tâm đảm bảo an toàn tuyệt đối; phối hợp với Phòng Quản lý du lịch (Sở VH-TT&DL) tham gia, tổ chức các sự kiện trong Lễ hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch lần thứ 2 năm 2020; phối hợp với các đơn vị, địa phương khảo sát, trao đổi xây dựng tour tuyến mới với đại diện Công ty Du lịch Saigon Tourist. Trung tâm cũng sẽ phối hợp với Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh và các doanh nghiệp du lịch trong tỉnh Tiền Giang triển khai các gói kích cầu du lịch nhằm thu hút lượng khách du lịch đến Tiền Giang.

Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Tiền Giang Võ Phạm Tân cho rằng, thời gian qua, ngành VH-TT&DL đã cùng các sở, ngành hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong lĩnh vực du lịch gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Theo đó, ngành VH-TT&DL đã tổ chức 2 cuộc họp trên địa bàn TP. Mỹ Tho và huyện Cái Bè để lắng nghe, chia sẻ những khó khăn của doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoạt động du lịch. Sở đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp trong lĩnh vực VH-TT&DL. Hiện  nay, Sở
VH-TT&DL đang phối hợp với các sở, ngành liên quan, ngân hàng để kịp thời giải quyết khó khăn theo các gói chính sách hỗ trợ của Trung ương.

Bên cạnh đó, ngành VH-TT&DL cũng đã tham mưu UBND tỉnh Tiền Giang xây dựng kế hoạch kích cầu du lịch dựa trên các yếu tố tác động. Giải pháp kích cầu du lịch là tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp giải quyết khó khăn, hạn chế tối thiểu các doanh nghiệp phá sản. Đồng thời, sẽ tiếp tục mời gọi đầu tư, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các dự án để tạo ra những sản phẩm du lịch mới.

Vừa qua, ngành VH-TT&DL tỉnh Tiền Giang đã phối hợp với TP. Hồ Chí Minh tổ chức đoàn Famtrip để các doanh nghiệp lữ hành đến khảo sát, liên kết đưa khách tới Tiền Giang. Tới đây, tỉnh Tiền Giang sẽ tiếp các đoàn Famtrip của Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đến khảo sát, liên kết phát triển du lịch nội địa. Trước đây, các doanh nghiệp ở tỉnh Tiền Giang liên kết với các công ty lữ hành ở TP. Hồ Chí Minh để khai thác thị trường khách du lịch quốc tế. Qua đợt dịch bệnh này, các doanh nghiệp đã ngồi lại cùng bàn bạc để “đánh” vào mảng du lịch nội địa.

Trên cơ sở đó, ngành VH-TT&DL tỉnh Tiền Giang sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp tăng cường khai thác du lịch nội địa. Trong điều kiện chưa mở cửa đón khách quốc tế, các khu, điểm du lịch chỉ hoạt động 50% công suất. Do đó, ngành VH-TT&DL sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp công tác đào tạo, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng điểm đến.

CHUẨN BỊ THAM GIA SÂN CHƠI LỚN

Tác động của dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, trong thời gian tới các doanh nghiệp cần chuẩn bị cho sân chơi lớn hơn, nhất là khi giao thương với các nước chính thức được khai thông, đặc biệt là tận dụng các hiệp định thương mại vừa được ký kết. Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tiền Giang Trần Đỗ Liêm cho rằng, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ có hiệu lực và được thực hiện ngay vào ngày 1-8-2020. Hiệp định này sẽ gỡ toàn bộ khó khăn trong rào cản thương mại giữa Việt Nam và EU.

“Để phát triển kinh tế, trước tiên phải bán được sản phẩm. Hiện nay, Việt Nam có rất nhiều sản phẩm từ công nghệ cao do các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam đến những sản phẩm nông nghiệp chất lượng, sản phẩm phổ thông nhất đều có thể bán ở thị trường EU. Tuy nhiên, vừa qua một số sản phẩm không vào được thị trường EU do vướng hàng rào thuế quan rất cao. Có những mặt hàng được đánh thuế đến 46%, do đó hàng hóa của Việt Nam dù vào được thị trường này, nhưng không bán được do giá quá cao. Khi hiệp định mở ra, có mặt hàng ngay khi hiệp định có hiệu lực, thuế đã giảm từ 46% xuống 0% hoặc còn 1% - 2%. Trước đây, sở dĩ hàng hóa khó vào thị trường EU không phải do chất lượng, mà chủ yếu về giá, do thuế cao” - ông Trần Đỗ Liêm nhấn mạnh.

Ông Trần Đỗ Liêm cũng nhấn mạnh thêm, khi hàng hóa từ EU nhập vào Việt Nam sẽ được giảm thuế, người dân Việt Nam sẽ bán được hàng với giá cao, mua được hàng với giá thấp. Nhìn chung, doanh nghiệp Việt Nam bán hàng vào thị trường EU sẽ được lợi, người nhập hàng từ EU về nước để bán cũng có lợi và người dân Việt Nam cũng được hưởng lợi. Dệt may, da giày, hàng điện tử… là những sản phẩm Việt Nam đang có ưu thế và điều kiện đầy đủ để xuất sang EU.

Còn theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Văn Thân, Hiệp định EVFTA sẽ mang lại nhiều lợi ích. Trước hết, đối với người tiêu dùng, họ sẽ được đón nhận các sản phẩm rẻ hơn do được miễn thuế hải quan. Chất lượng cuộc sống của người dân được cải thiện, đặc biệt là tầng lớp trung lưu ở thành thị.

Đối với người lao động, Hiệp định EVFTA mang đến cơ hội việc làm. Khi EVFTA được thực thi, các công ty Việt Nam và các công ty nước ngoài có trụ sở tại Việt Nam sẽ có điều kiện mở rộng sản xuất, kinh doanh, theo đó nhu cầu về tuyển dụng lao động sẽ tăng cao trong thời gian tới, mang đến cho người lao động nhiều vị trí và công việc. Đối với doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, ngay sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực và đi vào thực thi, EU cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với hơn 85% dòng thuế, tương đương 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU.

 A. PHƯƠNG - M. THÀNH

.
.
.