Các định hướng phát triển phải hướng tới người dân
(ABO) Sáng 31-8, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức Hội nghị trực tuyến Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2021 vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tiền Giang. |
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, về nhiệm vụ xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, ĐBSCL phải đầu tư cho được các hồ chứa nước.
Đây là nhiệm vụ vô cùng quan trọng của ĐBSCL nếu không muốn thiếu nước, hạn, mặn. ĐBSCL phải đầu tư chống xói lở, sạt lở bờ sông, bờ biển. Đây là vấn đề vô cùng quan trọng.
Trong quá trình lập quy hoạch, các địa phương phải bám sát, kế thừa, phát huy thành tựu đạt được trong giai đoạn 2016 - 2020; bám sát vào các định hướng phát triển đã được đề cập tại các văn kiện Đại hội Đảng bộ; phối hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với văn hóa, con người, môi trường.
Các định hướng phát triển phải hướng tới người dân, đặc biệt ĐBSCL hiện đang là vùng trũng của rất nhiều chỉ tiêu.
Về phát triển nông nghiệp, nhất là các tỉnh ĐBSCL phải tiếp cận theo hướng hiệu quả cao, gắn với thị trường, chế biến.
Về lập kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2021, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng yêu cầu các địa phương bám vào các chỉ đạo, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ KH&ĐT để lập kế hoạch; ưu tiên các dự án lớn, dự án tạo động lực và có tính lan tỏa cao.
ĐBSCL phải tập trung các dự án hồ chứa nước, giao thông, phòng, chống xâm nhập mặn, ứng phó biến đổi khí hậu.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang Trần Văn Dũng phát biểu tại hội nghị. |
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng yêu cầu các địa phương phải chuẩn bị tốt từ khâu đề xuất, lập dự án để khi thông qua sẽ triển khai được ngay.
Về nguồn vốn vay ODA, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, nguồn vốn này không còn ưu đãi như trước đây.
Do đó, các địa phương cân nhắc những dự án nào thật sự cần thiết mới sử dụng.
Các địa phương không thể chỉ trông vào ngân sách nhà nước mà phải huy động từ các nguồn lực khác; đẩy mạnh kêu gọi các nhà đầu tư, lập các dự án khả thi…
Tại hội nghị, các địa phương đã báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công trong năm 2020; định hướng xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025; đề xuất, kiến nghị Trung ương tháo gỡ các vướng mắc liên quan.
Riêng tại Tiền Giang, theo Ủy ban nhân dân tỉnh, nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt theo Quyết định 840/QĐ-TTg ngày 16-6-2020.
Đồng thời, tỉnh đã tổ chức họp thẩm định dự toán nhiệm vụ quy hoạch, hiện đang hoàn chỉnh và lấy ý kiến thẩm định của Sở Tài chính trước khi trình Ban Chỉ đạo xem xét để trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
Về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, trên cơ sở Chỉ thị 18/CT-TTg và đề cương của Bộ KH&ĐT, Sở KH&ĐT đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành chỉ thị và triển khai thực hiện.
Đến nay, kế hoạch đã hoàn thành và trình Ủy ban nhân dân tỉnh dự thảo báo cáo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 và chương trình hành động thực hiện kế hoạch, tỉnh đã gửi Bộ KH&ĐT theo đúng thời gian quy định.
Về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, đến nay, Sở KH&ĐT đã hoàn thành trình Ủy ban nhân dân tỉnh và gửi Bộ KH&ĐT.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang Trần Văn Dũng cho biết, tỉnh đặt mục tiêu xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 với quyết tâm rất cao căn cứ vào nền tảng, tiềm năng, lợi thế của tỉnh và Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, ĐBSCL.
Tuy nhiên, các tiêu chí để xây dựng các công trình kết nối hạ tầng giữa các vùng còn chưa rõ ràng (do tỉnh nằm ở 2 vùng), cụ thể là việc quy hoạch trục đường kết nối TP. Hồ Chí Minh - Long An - Tiền Giang.
Tỉnh mong muốn gắn kết với các tỉnh ĐBSCL và các tuyến Quốc lộ 50, Quốc lộ 30, Quốc lộ 60, dự kiến trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới sẽ đầu tư.
Do đó, Bộ KH&ĐT cần có tiêu chí hướng dẫn để các tỉnh xây dựng kế hoạch, dự án đảm bảo tính khả thi, triển khai đạt hiệu quả cao, phát triển trong vùng.
Phần còn lại, với nỗ lực của tỉnh, Tiền Giang sẽ đầu tư cơ sở hạ tầng để phát triển cơ cấu kinh tế địa phương, tập trung đầu tư những vùng thúc đẩy phát triển, tạo sự lan tỏa cao nhất.
Tỉnh đề nghị Tổng cục Thống kê có hướng dẫn chi tiết, cụ thể, đồng bộ trong cách tính số liệu để phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh.
Ngoài ra, Tiền Giang kiến nghị Bộ KH&ĐT ủng hộ bố trí vốn để nâng cấp tuyến đê biển, xử lý các điểm sạt lở trọng yếu trên địa bàn tỉnh.
M. THÀNH