.

Tiếp tục nhân rộng mô hình chợ an toàn thực phẩm

Cập nhật: 22:29, 29/09/2020 (GMT+7)

(ABO) Trên địa bàn tỉnh Tiền Giang hiện có 173 chợ (5 chợ hạng 1, 21 chợ hạng 2 và 145 chợ hạng 3), đa số là chợ nông thôn. Việc xây dựng chợ bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt được tỉnh đặt ra từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, việc triển khai mô hình chợ ATTP vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, Sở Công thương đã đề ra nhiều giải pháp nhằm nhân rộng mô hình này trong thời gian tới.

Năm 2018, theo Quyết định của Bộ Công thương về việc hướng dẫn xây dựng mô hình chợ thí điểm bảo đảm ATTP, Sở Công thương đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan nghiên cứu xây dựng 3 mô hình chợ ATTP, đó là: Chợ Thành Công, huyện Gò Công Tây; chợ Phú Kiết, huyện Chợ Gạo và chợ Thới Sơn, TP. Mỹ Tho. Năm 2020, Sở Công thương đã đề xuất và được UBND tỉnh Tiền Giang chấp thuận chủ trương xây dựng mô hình chợ bảo đảm ATTP tại chợ Hưng Thạnh, huyện Tân Phước.

CHÚ TRỌNG CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN

Xác định công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATTP hết sức quan trọng trong việc nâng cao ý thức và kiến thức cho các tổ chức, cá nhân trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, thời gian qua Sở Công thương đã phối hợp với các sở, ban, ngành tuyên truyền, cung cấp thông tin, kiến thức liên quan ATTP đến các cơ sở sản xuất, tiểu thương kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng; tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền kiến thức về ATTP.

Các quầy hàng kinh doanh thực phẩm trong chợ Thành Công đã được cải tạo, nâng cấp theo Tiêu chuẩn quốc gia về chợ kinh doanh thực phẩm.
Tiểu thương buôn bán thực phẩm tại chợ Thành Công, huyện Gò Công Tây.

Trong năm 2019, Sở Công thương đã phát hành 6.000 tờ các quy định, hướng dẫn về an toàn vệ sinh thực phẩm. Nội dung tờ rơi gồm các nội dung về chính sách, quy định, các hướng dẫn phương pháp sản xuất, bảo quản thực phẩm theo hướng an toàn. Đồng thời, tổ chức 6 đợt tuyên truyền và 6 lớp tập huấn về kiến thức ATTP tại các chợ với 1.200 đại biểu tham dự.

Theo đó, nội dung tuyên truyền là giới thiệu tóm tắt các văn bản pháp luật hiện hành về lĩnh vực ATTP thuộc 3 ngành Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương; hướng dẫn thực hiện các điều kiện đảm bảo ATTP đối với các hộ sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại các chợ trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Việc tuyên truyền thực hiện dưới nhiều hình thức như tuyên truyền trực tiếp cho đối tượng là các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại các chợ (phát tài liệu và tờ rơi), tuyên truyền trên loa phát thanh tại chợ (Bản tin “Việc chấp hành các quy định pháp luật về ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại chợ”).

Về công tác tuyên truyền, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) xã Thới Sơn Nguyễn Văn Phong cho biết, UBND xã đã chủ động mời tất cả các hộ mua bán ở các điểm tự phát để tuyên truyền, vận động, di dời vào chợ mua bán. Thời gian đầu vận động, xã gặp nhiều khó khăn, do tâm lý người dân e ngại vào chợ sẽ khó buôn bán. Tuy nhiên, UBND xã đã tích cực dùng nhiều biện pháp như rà soát, lập danh sách các hộ mua bán ở tất cả các lĩnh vực để kiểm soát, tuyên truyền các hộ tiểu thương di dời vào chợ.

Bên cạnh đó, xã còn vận động các hộ mua bán làm cam kết không buôn bán ở những điểm tự phát. Đến nay, đã có 2/3 hộ tiểu thương chủ động đăng ký, người dân cũng dần nâng cao ý thức hơn. Ngoài ra, UBND xã Thới Sơn còn phối hợp với Phòng Kinh tế (TP. Mỹ Tho), Sở Công thương tổ chức tập huấn, tuyên truyền ý nghĩa về các tiêu chuẩn của chợ ATTP đến các hộ tiểu thương, để các tiểu thương nắm rõ nội dung các tiêu chí mà nghiêm túc thực hiện…

NHÂN RỘNG MÔ HÌNH CHỢ ATTP

Do ý thức được tầm quan trọng của công tác bảo đảm ATTP nên nhiều hộ kinh doanh thực phẩm tại chợ tự đầu tư trang thiết bị như: Tủ, bàn, quầy, thùng đựng rác… đảm bảo hợp vệ sinh. Bước đầu đã hình thành mối liên kết giữa các hộ kinh doanh trong chợ với các cơ sở sản xuất, chăn nuôi trên địa bàn để tạo nguồn cung thực phẩm có nguồn gốc, thực phẩm sạch, an toàn, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm luôn được duy trì và thực hiện tốt, đặc biệt là ATTP đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trong chợ.

Việc tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật và nội quy chợ về ATTP tại các chợ trên địa bàn có chuyển biến tích cực, cả trong nhận thức, trách nhiệm của thương nhân và trong công tác quản lý hoạt động của chợ, từng bước góp phần để công tác bảo đảm ATTP đi vào nền nếp.

Mặc dù qua 2 năm triển khai thực hiện, được tỉnh quan tâm đầu tư, nâng cấp, mở rộng chợ để phục vụ tốt nhất quá trình kinh doanh của thương nhân tại chợ, tuy nhiên, đồng chí Đặng Văn Tuấn, Quyền Giám đốc Sở Công thương, các chợ vẫn chưa đáp ứng theo quy định, tiêu chuẩn Quốc gia về chợ kinh doanh thực phẩm. Còn chợ xuống cấp làm ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ kinh doanh và nguy cơ ảnh hưởng đến chế biến hàng hóa, nhất là dịch vụ ăn uống tại chợ. Hạ tầng tại chợ chưa đồng bộ và đầy đủ, nhiều chợ chưa có hệ thống xử lý nước thải, không có kho bảo quản thực phẩm, nhà vệ sinh tại chợ chưa được đảm bảo sạch sẽ. 

Trong giai đoạn tiếp theo, Sở Công thương đặt ra 4 nhóm giải pháp để công tác bảo đảm ATTP tại các chợ nông thôn nâng cao hiệu quả, khuyến khích, hỗ trợ đối với các chủ thể tham gia mô hình chợ thí điểm đảm bảo ATTP; tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về ATTP; kết nối cung cầu nguồn thực phẩm an toàn; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan quản lý có liên quan về công tác bảo đảm ATTP tại các chợ, nhằm hướng tới mục tiêu các thành phần kinh tế sản xuất, kinh doanh thực phẩm đều được tiếp cận thông tin và nâng cao nhận thức về việc tuân thủ đảm bảo vệ sinh ATTP cho mình và người tiêu dùng. 

Để nhân rộng mô hình chợ ATTP trong thời gian tới, Sở Công thương đã phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức khảo sát một số chợ nông thôn trên địa bàn các huyện: Về hiện trạng chợ, điểm dự kiến xây dựng chợ, làm cơ sở đề xuất bố trí kinh phí xây mới hoặc nâng cấp, sửa chữa.

Sở Công thương sẽ cùng với sở, ngành và địa phương để thống nhất chọn chợ, hình thức đầu tư (đầu tư mới, nâng cấp, sửa chữa) trước khi trình UBND tỉnh xem xét; đề nghị UBND cấp huyện quan tâm thực hiện mô hình chợ ATTP đối với chợ được UBND tỉnh chấp thuận bố trí kinh phí đầu tư, nâng cấp, sửa chữa; đề nghị UBND cấp huyện đầu tư đồng bộ hệ thống xử lý nước thải của chợ và tiến hành xây dựng mô hình chợ ATTP đối với chợ đầu tư mới hoặc nâng cấp trên địa bàn…

LÝ OANH

 

 

 

.
.
.