.

"Bệ đỡ" giúp khôi phục sản xuất sau hạn, mặn

Cập nhật: 15:46, 13/11/2020 (GMT+7)

(ABO) Nhiều chương trình tín dụng của ngành Ngân hàng đã và đang được triển khai giúp người dân vượt qua khó khăn, khôi phục lại sản xuất sau hạn, mặn, đã phát huy tác dụng.

Gia hạn nợ, giảm lãi suất, cho vay mới là những giải pháp ngành Ngân hàng đang triển khai thực hiện đối với khách hàng gặp khó khăn do hạn, mặn.

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Tiền Giang, trước thực trạng xâm nhập mặn và nắng nóng gay gắt kéo dài nhiều tháng liền, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống và hoạt động sản xuất và sinh hoạt hằng ngày của người dân trong những tháng đầu năm 2020, thực hiện chỉ đạo của NHNN Việt Nam, ngày 20-3-2020 NHNN Chi nhánh Tiền Giang đã ban hành Văn bản 142/TG-THNS chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh thực hiện các giải pháp theo Công văn số 1835/NHNN-TD ngày 18-3-2020 để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khôi phục và ổn định sản xuất, kinh doanh.

Các gói tín dụng đã giúp người dân vượt qua khó khăn.
Các gói tín dụng đã giúp người dân vượt qua khó khăn.

Các gói giải pháp do NHNN triển khai thực hiện nhằm hỗ trợ tín dụng để người dân khôi phục sản xuất sau hạn, mặn đã phát huy tác dụng tích cực. Theo Giám đốc NHNN Chi nhánh Tiền Giang Nguyễn Thị Đậm, tính đến cuối tháng 8-2020, tổng dư nợ bị ảnh hưởng do hạn, mặn toàn tỉnh hơn 148 tỷ đồng, đã được hỗ trợ thông qua các biện pháp như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ với dư nợ được cơ cấu 343 triệu đồng; miễn, giảm lãi vay, với dư nợ được miễn giảm lãi 21,6 tỷ đồng và cho vay mới với doanh số cho vay lũy kế đạt 653 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, các chương trình tín dụng chính sách cũng đã được triển khai hiệu quả. Theo đó, tính đến cuối tháng 8-2020, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 2.729 tỷ đồng, tăng 171 tỷ đồng so với đầu năm 2020, với tỷ lệ tăng hơn 6,6%. Những gói tín dụng chính sách này cũng đã góp phần rất lớn giúp người dân ổn định cuộc sống, vượt qua khó khăn, nhất là sau đợt hạn, mặn khốc liệt trong những tháng đầu năm 2020.

Người dân bắt đầu khôi phục vườn cây ăn trái sau hạn, mặn.
Người dân bắt đầu khôi phục vườn cây ăn trái sau hạn, mặn.

Trước đó, tại Hội nghị trực tuyến của NHNN Việt Nam bàn về các giải pháp cấp bách, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn với thành phần tham dự gồm lãnh đạo tỉnh Tiền Giang, các sở, ngành và Chi nhánh NHNN 5 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long bị thiệt hại nặng nề (Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang, Cà Mau), Công đoàn NHNN Việt Nam cũng đã hỗ trợ 3 tỷ đồng trích từ 1 ngày lương của cán bộ, công chức giúp bà con ở huyện ven biển của tỉnh (Gò Công Tây, Gò Công Đông, Tân Phú Đông) giảm bớt khó khăn về nước sinh hoạt.

Trước đó, đợt hạn, mặn mang tính lịch sử diễn ra vào cuối năm 2019 và những tháng đầu năm 2020 đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sản xuất của người dân, đặc biệt là ảnh hưởng nặng nề đối với vùng chuyên canh cây ăn trái. Theo con số thống kê của ngành Nông nghiệp tại Hội nghị tổng kết công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện các giải pháp ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô 2019 - 2020 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang được Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang tổ chức gần đây cho thấy, toàn tỉnh hiện có 79.138 ha cây ăn trái, sản lượng thu hoạch 495.154 tấn. Do ảnh hưởng của mặn làm thiếu nguồn nước tưới nên đã gây thiệt hại cho nhiều diện tích cây ăn trái.

Theo số liệu thống kê của các huyện, thị, thành, tổng diện tích thiệt hại cây ăn trái do hạn, mặn trên 2.297 ha; trong đó tỷ lệ thiệt hại từ 30% - 70% là 2.196 ha, thiệt hại >70% trên 100 ha. Theo đánh giá chung của ngành Nông nghiệp, mặc dù các ngành, các cấp của tỉnh đã có sự chủ động phòng ngừa, ứng phó trước diễn biến hạn, xâm nhập mặn mùa khô năm 2019 - 2020 từ rất sớm như: Đầu tư các hệ thống công trình thủy lợi, trang bị các hệ thống bơm tát, xây dựng các kế hoạch, phương án, kịch bản ứng phó cụ thể dựa trên kịch bản mặn lịch sử năm 2016… nhưng tình hình thiệt hại về sản xuất nông nghiệp và cây ăn trái do hạn, xâm nhập mặn gây ra năm 2020 vẫn cao hơn so với năm 2016.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do mặn từ sông Hàm Luông đổ qua sông Tiền ảnh hưởng đến các khu vực vườn cây ăn trái sớm hơn năm 2016 khoảng 2 tháng và độ mặn cao hơn năm 2016 là 5,2 g/l, trong khi công năng hệ thống công trình thủy lợi khu vực này chủ yếu ngăn lũ và ngăn triều cường nên không thể phát huy được nhiệm vụ ngăn mặn dẫn đến mặn rò rỉ vào kinh nội đồng gây nhiễm mặn nguồn nước. Đặc biệt đối với cây ăn trái rất mẫn cảm với mặn (độ mặn ≤1 g/l) nên khi rễ cây tiếp cận nguồn nước nhiễm mặn làm cây bị chết hoặc giảm năng suất...

Ngoài cây ăn trái, hạn, mặn cũng đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất lúa, rau màu, nước sinh hoạt của rất nhiều hộ dân. Với các gói tín dụng đã được ngành Ngân hàng triển khai sẽ phần nào giúp người dân vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất trong thời gian tới...

T.T

.
.
.