.

Ngành Nông nghiệp bước tiếp chặng đường mới

Cập nhật: 10:44, 13/11/2020 (GMT+7)

Trong chặng đường 75 năm truyền thống vẻ vang của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
(NN-PTNT) Việt Nam, ngành NN-PTNT Tiền Giang cũng đã và đang mang lại rất nhiều thành tựu quan trọng, góp phần to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Một trong những điểm nhấn quan trọng là nhiều chương trình, dự án đã được triển khai, nhất là trong giai đoạn sau ngày miền Nam giải phóng, đã giúp cho ngành NN-PTNT Tiền Giang vượt qua khó khăn, thách thức, vươn lên so với các tỉnh, thành trong vùng.

Dự án ngọt hóa Gò Công đã làm thay đổi diện mạo các huyện phía Đông của tỉnh (trong ảnh: Nông dân xã Thạnh Trị, huyện Gò Công Tây thu hoạch lúa đông xuân năm 2020).                     Ảnh: MINH THÀNH
Dự án ngọt hóa Gò Công đã làm thay đổi diện mạo các huyện phía Đông của tỉnh (trong ảnh: Nông dân xã Thạnh Trị, huyện Gò Công Tây thu hoạch lúa đông xuân năm 2020). Ảnh: MINH THÀNH

VƯỢT QUA KHÓ KHĂN

Với xuất phát điểm thấp vào buổi đầu, ngành NN-PTNT Tiền Giang gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, sau ngày miền Nam giải phóng, hậu quả của chiến tranh để lại nặng nề, trong đó sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng không nhỏ.

Những người gắn bó nhiều năm với ngành NN-PTNT Tiền Giang chia sẻ với chúng tôi rằng, giai đoạn này đồng ruộng hoang hóa, sản xuất nông nghiệp theo truyền thống, phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên; chưa kể trình độ dân trí trong giai đoạn này còn thấp, việc áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất cũng hạn chế nên trồng lúa chỉ được từ 1 - 2 vụ/năm, năng suất chỉ đạt khoảng 2,6 tấn/ha.

Con số thống kê của ngành Nông nghiệp vào năm 1976 cho thấy, diện tích gieo sạ lúa cả năm toàn tỉnh trên 170 ngàn ha nhưng sản lượng chỉ đạt gần 450 ngàn tấn… Trong khi đó, sản xuất cây ăn trái, rau màu còn mang tính manh mún, chăn nuôi nhỏ lẻ. Từ thực tế như thế, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ I đã xác định, Tiền Giang là một tỉnh có thế mạnh nông nghiệp, nên phải đi lên từ nông nghiệp và phải dựa vào nội lực là chủ yếu, khai thác tối đa sức dân, phát huy khả năng lao động sáng tạo của mọi tầng lớp nhân dân.

Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Văn Mẫn thăm mô hình sản xuất hiệu quả.              Ảnh: Cao Thắng
Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Văn Mẫn thăm mô hình sản xuất hiệu quả. Ảnh: Cao Thắng

Thực tiễn đòi hỏi khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn trở nên bài toán cấp bách hơn bao giờ hết. Từ đó, nhiều chương trình, dự án liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp bắt đầu được tỉnh triển khai thực hiện. Một trong những điểm đáng chú ý là Chương trình Kinh tế vườn, Chương trình Lúa - gạo, Chương trình Phát triển thủy sản, Chương trình Thâm canh tăng vụ… đã được tập trung triển khai thực hiện dựa trên từng giai đoạn cụ thể và đạt nhiều thành tựu to lớn.

Nhờ đó, sau những khó khăn vào thời gian đầu giải phóng do chiến tranh tàn phá, điều kiện sản xuất không thuận lợi, đến năm 1986, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã cơ bản phục hồi và bắt đầu bước vào giai đoạn phát triển qua đẩy mạnh tăng vụ, tăng năng suất trong sản xuất lúa. Có thể khẳng định rằng, một trong những thành công nổi bật của ngành NN-PTNT trong giai đoạn này là sản xuất lúa tăng vụ, tăng năng suất và Tiền Giang đã tạo nên dấu ấn không thể quên là từ một tỉnh thiếu ăn đã vươn lên đạt mốc sản lượng 1 triệu tấn lương thực/năm.

Một khi đề cập đến những điểm nhấn của ngành Nông nghiệp Tiền Giang thì không thể không nói đến Dự án Ngọt hóa Gò Công và công cuộc khai hoang Đồng Tháp Mười. Đây là 2 cuộc cách mạng lớn, có bước đột phá trong nông nghiệp của tỉnh. Trên thực tế, 2 dự án này đã manh nha, ấp ủ từ sau giải phóng, được chuẩn bị kỹ, tập trung và có chiến dịch hẳn hoi.

Đến nay hiệu quả mang lại đã rõ, Đồng Tháp Mười từ một vùng đất hoang hóa đã khoác lên mình dáng vóc của vùng quê trù phú, vùng đất khó ngày nào giờ thành những vùng chuyên canh màu mỡ. Còn Dự án Ngọt hóa Gò Công đã làm thay đổi diện mạo của các huyện phía Đông của tỉnh. Đây là 2 dự án không đơn thuần là làm kinh tế, mà còn mang tính xã hội cao, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội…

HƯỚNG VÀO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ

Vượt qua khó khăn ban đầu, ngành NN-PTNT Tiền Giang đang bước trên chặng đường mới, hướng vào chất lượng, hiệu quả và bền vững hơn. Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp ra đời cũng hướng vào nền tảng này.

Theo đánh giá chung của ngành NN-PTNT, kết quả cơ bản đạt được sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp là sản lượng của ngành phát triển vững chắc trong điều kiện còn nhiều khó khăn đối với phát triển nông nghiệp, hạn hán bất lợi, tình trạng xâm nhập mặn ngày càng phức tạp, kéo dài; dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, kể cả chi phí đầu tư cho nông nghiệp ngày càng tăng cao.

Tuy nhiên, dù còn nhiều khó khăn đan xen nhưng tốc độ tăng trưởng của khu vực nông nghiệp và thủy sản Tiền Giang qua các năm gần đây đều có tăng trưởng dương, trở thành nền tảng ổn định để góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tân Phước từ một vùng đất hoang hóa đã khoác lên mình dáng vóc của vùng quê trù phú.
Tân Phước từ một vùng đất hoang hóa đã khoác lên mình dáng vóc của vùng quê trù phú.

Đi cùng lịch sử 75 năm truyền thống của ngành NN-PTNT Việt Nam, nhất là 45 năm kể từ ngày miền Nam giải phóng, đến nay ngành NN-PTNT Tiền Giang đã khoác lên mình chiếc áo mới. Đánh giá của ngành NN-PTNT Tiền Giang gần đây cho thấy, một trong những điểm đáng chú ý là từng chuyên ngành, lĩnh vực, sản phẩm có lợi thế và thị trường thuận lợi đã tăng nhanh về diện tích, tổng đàn, năng suất, sản lượng, chất lượng và đóng góp vào tăng trưởng chung của tỉnh, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 là 3,7%/năm.

Chưa kể, tỷ trọng khu vực nông, lâm, ngư nghiệp chuyển dịch đúng hướng theo xu hướng giảm dần trong cơ cấu kinh tế toàn tỉnh, nếu như năm 2015 chiếm gần 46%, đến năm 2020 chỉ còn hơn 37%. Một trong những điểm cũng đáng chú ý là trong cơ cấu nội bộ ngành Nông nghiệp, ngành Trồng trọt chiếm tỷ trọng cao nhất và trong nội bộ ngành Trồng trọt đã chuyển dịch theo hướng giảm dần diện tích cây lúa.

Nhờ đó, trên địa bàn tỉnh cũng đã hình thành một số vùng chuyên canh có diện tích khá lớn như: 13.000 ha sầu riêng, 15.000 ha khóm, 9.200 ha thanh long, gần 5.000 ha bưởi; vùng chuyên canh rau với diện tích gieo trồng 50.000 ha; vùng lúa chất lượng cao khoảng 35.000 ha, vùng lúa thơm đặc sản khoảng 20.000 ha... Chưa kể, lợi nhuận trên 1 ha cây ăn trái cao gấp từ 2 đến 16 lần so với cây lúa, 1 ha rau luân canh cao gấp 2 đến 5 lần so với lúa, góp phần đáng kể nâng cao thu nhập cho nông dân.

Trong những năm tới, trước những dự báo tình hình cùng với những khó khăn, thách thức, để giá trị tăng thêm ngành nông, lâm, ngư nghiệp đạt khoảng 49.376 tỷ đồng (chiếm khoảng 29,7% tổng GRDP của tỉnh), tốc độ tăng bình quân trong 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 là 3,5%/năm, một số vấn đề cũng được đặt ra trong chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, xây dựng nền nông nghiệp bền vững, hiệu quả.

Để đạt được mục tiêu đề ra, Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Văn Mẫn cho rằng, cần tiếp tục cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng tiếp cận đa ngành, bền vững có giá trị gia tăng cao và năng lực cạnh tranh cao, trong đó trọng tâm là phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh trong điều kiện biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp sẽ cùng với các ngành, địa phương định hướng nhân dân trong việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi ở từng vùng phù hợp với biến đổi khí hậu, kiểm soát dịch bệnh, hạn chế rủi ro, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống nông dân.

Ngoài ra, ngành Nông nghiệp tiếp tục duy trì và phát triển vùng chuyên canh hàng hóa chất lượng cao, quy mô lớn đạt tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc; kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến; đồng thời, tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại theo hướng chủ động, thông minh, thích ứng biển đổi khí hậu, giảm nhẹ thiệt hại khi có thiên tai…

T.T

.
.
.