Đẩy nhanh tiến trình phục hồi kinh tế, phấn đấu đạt mức tăng trưởng 2,5-3%
Thủ tướng lưu ý Bộ Công thương và các địa phương phải kích cầu tiêu dùng mạnh hơn. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thúc đẩy tín dụng tăng trưởng, đồng thời kiềm chế nợ xấu. Mục tiêu là tiếp tục thực hiện mục tiêu kép thành công hơn nữa. Đẩy nhanh tiến trình phục hồi kinh tế, phấn đấu đạt mức tăng trưởng 2,5-3%.
Chính phủ họp thường kỳ tháng 10-2020. Ảnh: QUANG PHÚC |
Kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10-2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, nền kinh tế nước ra đã qua đáy trong quý II và đang phục hồi theo hình chữ V trong quý III. Tuy lũ lụt nghiêm trọng nhưng khả năng năm 2020 có thể đạt mức tăng trưởng 2-3%.
Hiện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá Việt Nam là nền kinh tế tăng trưởng dương duy nhất trong ASEAN với GDP năm 2020 và 2021 lần lượt đạt tăng trưởng 1,6% và 6,7%.
Với mức tăng này, quy mô GDP của Việt Nam năm 2020 ước tính đạt 340,6 tỷ USD, vượt Singapore (337,5 tỷ USD), Malaysia (336,3 tỷ USD), đứng thứ 4 ở khu vực Đông Nam Á. Ngân hàng Standard Chartered dự báo Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 3% trong năm 2020 và 7,8% vào năm 2021. Ngân hàng Thế giới dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 2,5-3% năm 2020.
Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý điều đó là để chúng ta có thêm niềm động viên chứ không được chủ quan, bởi dịch bệnh diễn biến phức tạp trên toàn cầu; còn nhiều rủi ro, thách thức từ bên ngoài như dịch bệnh, căng thẳng thương mại và công nghệ, bất ổn tài chính toàn cầu, còn trong nước là thiên tai, lũ lụt.
Thủ tướng lưu ý Bộ Công thương và các địa phương phải kích cầu tiêu dùng mạnh hơn. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thúc đẩy tín dụng tăng trưởng, đồng thời kiềm chế nợ xấu. Mục tiêu là tiếp tục thực hiện mục tiêu kép thành công hơn nữa. Đẩy nhanh tiến trình phục hồi kinh tế, phấn đấu đạt mức tăng trưởng 2,5-3%.
Về nhiệm vụ sắp tới, Thủ tướng chỉ đạo trước hết, các bộ, ngành, địa phương tập trung khắc phục nhanh nhất hậu quả thiên tai nặng nề tại các tỉnh miền Trung, nhanh chóng ổn định cuộc sống người dân, chạy đua với thời gian, cứu người là ưu tiên cao nhất, không để người dân bị đói, rét, "màn trời chiếu đất".
Cùng với đó, không được chủ quan, lơ là, để dịch bệnh bùng phát trở lại. Phải quản lý chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh ở các cửa khẩu, theo dõi y tế đối với người nhập cảnh.
Thủ tướng chỉ đạo thúc đẩy mạnh chương trình kích cầu du lịch nội địa 100 triệu dân. Tiếp tục khơi thông xuất khẩu vào các thị trường trọng điểm. Đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công gồm vốn ODA. Các địa phương trọng điểm, nhất là Hà Nội, TPHCM cần làm gương, cả về sản xuất, thu ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công.
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch - Đầu tư cùng với Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì thúc đẩy hơn nữa tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các gói hỗ trợ hiện nay, đồng thời cũng có thể nghiên cứu, sớm đề xuất gói hỗ trợ bổ sung đợt 2 phù hợp. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần bắt tay triển khai Nghị quyết 154 và Quyết định 32 hỗ trợ doanh nghiệp vay trả lương nhanh và hiệu quả.
“Tinh thần là càng khó khăn, chúng ta càng quyết tâm hơn nữa, ý chí hơn nữa để đưa đất nước tiến lên”, Thủ tướng nhấn mạnh. Tình cảm tương thân tương ái của nhân dân với miền Trung chính là phải tăng sức sản xuất, phải làm nhiều hơn nữa để bù đắp cho tổn thất, mất mát về cơ sở vật chất, đời sống của người dân miền Trung. Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành cần có kế hoạch tăng tốc 2 tháng cuối năm, chuẩn bị tốt nhất cho kế hoạch năm 2021.
Thủ tướng giao Bộ Giáo dục - Đào tạo chủ trì, chỉ đạo khẩn trương hoàn thành việc rà soát tiếp thu ý kiến, có điều chỉnh phù hợp với bộ sách giáo khoa lớp 1 với tinh thần minh bạch, rõ ràng; có giải pháp hỗ trợ tốt nhất cho học sinh, sinh viên các địa phương bị ảnh hưởng mưa lũ, bảo đảm duy trì chương trình, nội dung học tập.
(Theo sggp.org.vn)