.
XÃ LONG HƯNG:

Phát huy vai trò làm chủ của nông dân

Cập nhật: 15:29, 23/11/2020 (GMT+7)

Sau 80 năm cuộc khởi nghĩa Nam kỳ tháng 11-1940 ở tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang), nông dân xã Long Hưng, huyện Châu Thành thông qua chuyên đề thi đua “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi (NDSXKDG)” đã và đang phát huy vai trò làm chủ của mình trong sản xuất, kinh doanh, góp phần quan trọng đưa kinh tế - xã hội của xã nhà ngày càng phát triển.

CHỦ ĐỘNG TRONG SẢN XUẤT - KINH DOANH

Theo thống kê của Hội Nông dân xã Long Hưng, toàn xã hiện có 1.372 hộ đạt danh hiệu “NDSXKDG” 3 cấp, chiếm 88,4% so với tổng số hộ đăng ký; trong đó có 26 hộ đạt danh hiệu cấp tỉnh, 58 hộ đạt danh hiệu cấp huyện và 1.288 hộ đạt danh hiệu cấp xã. Những số liệu trên cho thấy, chuyên đề thi đua NDSXKDG trên địa bàn xã Long Hưng đã có bước phát triển sâu rộng và có sức lan tỏa trên diện rộng.

Ông Nguyễn Thành Chung ứng dụng kỹ thuật bao lưới trái mít nhằm hạn chế sâu bệnh và hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu.
Ông Nguyễn Thành Chung ứng dụng kỹ thuật bao lưới trái mít nhằm hạn chế sâu bệnh và hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Hưng Nguyễn Văn Sơn cho biết: “Triển khai thực hiện chuyên đề này, ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh. Nông dân ngày càng ứng dụng rộng rãi các tiến bộ của khoa học - kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản phẩm nông nghiệp, làm tăng thu nhập…”.

Long Hưng là một trong những xã có diện tích rau màu lớn của huyện Châu Thành, với trên 120 ha cây màu, tập trung ở các ấp: Long Thới, Long Bình A, Long Bình B, Long Thạnh A… với sản lượng 2.100 tấn, nhờ áp dụng các kỹ thuật canh tác trồng chuyên canh hay xen canh trên vườn cây ăn trái; tìm tòi trồng những giống mới cho năng suất, chất lượng cao với nhiều mô hình hiệu quả mang lại thu nhập từ 120 triệu đồng đến 125 triệu đồng/năm, tiêu biểu như các hộ: Nguyễn Hồng Thái, Trần Văn Thơ, Nguyễn Văn Hiếu…

Cùng với rau màu, xã Long Hưng còn có 750 ha diện tích cây ăn trái, với nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao: Dừa, vú sữa, bưởi, sapô…, cho sản lượng bình quân 620 tấn/năm, mang lại thu nhập cho nông dân từ 150 triệu đồng đến 170 triệu đồng/hộ/năm.

Cũng theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Hưng Nguyễn Văn Sơn, thông qua chuyên đề đã phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, giúp nhau xóa khó giảm nghèo. Các hộ đạt danh hiệu NDSXKDG hỗ trợ nhiều nông dân cách làm ăn, giúp đỡ vốn, cây, con giống…, góp phần nâng cao thu nhập của người dân đạt 50,44 triệu đồng/người/năm, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 1,92%. Chuyên đề còn góp phần xây dựng, củng cố tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, nâng cao vai trò, vị thế của Hội Nông dân trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

TÍCH CỰC THAM GIA XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

Chuyên đề thi đua NDSXKDG của xã Long Hưng luôn gắn kết với các họat động văn hóa, xã hội, nhất là trong các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới - đô thị văn minh”, gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh…; trong đó nông dân làm lực lượng nòng cốt trong xây dựng nông thôn mới.

Ông Đoàn Văn Hiếu tình nguyện hiến hơn 1.500 m2 đất để làm đường giao thông nông thôn.
Ông Đoàn Văn Hiếu tình nguyện hiến hơn 1.500 m2 đất để làm đường giao thông nông thôn.

Cụ thể, hội viên nông dân đã đóng góp trên 325 triệu đồng và hàng ngàn ngày công lao động xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn; trong đó, Hội phối hợp tham gia sửa chữa 4 công trình đường giao thông nông thôn dài 11.670 m và nạo vét 12 tuyến kinh nội đồng dài 7.443 m, góp phần làm cho bộ mặt nông thôn từng bước được đổi mới. Nhiều hộ nông dân còn tình nguyện hiến hàng ngàn m2 đất làm đường giao thông nông thôn.

Ông Đoàn Văn Hiếu, nông dân ấp Long Bình A chia sẻ: “Tôi đã tình nguyện hiến hơn 1.500 m2 để mở rộng tuyến đường ấp, tạo điều kiện trong việc đi lại và giao thương hàng hóa dễ dàng cho bà con, trong đó có gia đình tôi thụ hưởng…”.

CAO THẮNG

.
.
.