.

Để cây thanh long phát triển bền vững

Cập nhật: 09:39, 22/02/2021 (GMT+7)

Thanh long là loại trái cây xuất khẩu chủ lực của Việt Nam (kim ngạch năm 2019 đạt 1,25 tỷ USD, năm 2020 còn 1,121 tỷ USD). Trong tháng 1-2021 xuất khẩu thanh long vẫn không thuận lợi, giới thương mại và người sản xuất không khỏi băn khoăn cho trái thanh long Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trước những thách thức về thị trường xuất khẩu.

Những năm gần đây, diện tích thanh long ở ĐBSCL tăng khá nhanh, hiện đã lên đến gần 23.000 ha, cung ứng cho thị trường khoảng 535 ngàn tấn/năm. Trên phạm vi cả nước, diện tích trồng thanh long đã đạt 60.400 ha, sản lượng cung cấp cho thị trường khoảng 1,24 triệu tấn/năm (năm 2019), cao gấp 1,6 lần về diện tích và 2 lần về sản lượng so với 5 năm trước.

THÁCH THỨC TỪ XUẤT KHẨU

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu thanh long lớn nhất của Việt Nam, chiếm phần lớn kim ngạch xuất khẩu thanh long của Việt Nam trong những năm qua. Thế nhưng, thị trường này cũng có những biến động về nhu cầu và giá cả thanh long ngay cả khi nước này chưa trồng hoặc diện tích thanh long còn ít. Trong năm 2020, sản lượng thanh long của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc giảm sút. Giá thanh long trong hạ tuần tháng 2-2020 ở Tiền Giang, Long An, Bình Thuận giảm sâu, chỉ còn 3.000 - 5.000 đồng/kg tại vườn.

Thanh long là cây trồng chủ lực của Tiền Giang.                                                                                                                                                                                                             Ảnh: CAO LẬP ĐỨC
Thanh long là cây trồng chủ lực của Tiền Giang. Ảnh: CAO LẬP ĐỨC

Cuối năm 2020 và đầu năm 2021, giá thanh long vẫn trong tình trạng thấp, giá tại vườn ở ĐBSCL vào cuối tháng 1-2021 phần lớn chỉ đạt 7.000 - 8.500 đồng/kg. Dịch bệnh Covid-19 đã tác động mạnh đến cầu thị trường thanh long ở Trung Quốc. Ngoài ra, thanh long được nước này trồng và cung cấp cho thị trường cũng là nguyên nhân cần quan tâm. Thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu của Bộ Công thương, diện tích trồng thanh long ở Trung Quốc tăng rất nhanh và hiện đã đạt khoảng 35.500 ha.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc xuất khẩu thanh long của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc sẽ ảnh hưởng theo chiều hướng xấu do nước này tự sản xuất và cung ứng cho nhu cầu tiêu dùng thanh long của một bộ phận người dân, dẫn đến thị phần cho trái thanh long Việt Nam tại thị trường này sẽ giảm xuống. Đây sẽ là thách thức không nhỏ đối với trái thanh long của Việt Nam trong thời gian tới. Nếu không có những giải pháp căn cơ, ngành hàng thanh long sẽ hạn chế đà tăng trưởng.

Trong điều kiện diện tích trồng thanh long ở Trung Quốc tăng nhanh, sản lượng thanh long sản xuất từ các trang trại ở Trung Quốc cung ứng cho thị trường nội tiêu ngày càng tăng, sự cạnh tranh giữa thanh long sản xuất trong nước và nhập từ Việt Nam sẽ diễn ra. Hậu quả của sự canh tranh này là giá thanh long nhập khẩu sẽ giảm do sản lượng thanh long nhập từ nước ngoài vào nước này vẫn duy trì ở mức cao. Mặt khác, để bảo vệ người trồng thanh long trong nước, Trung Quốc áp dụng biện pháp hạn chế nhập khẩu thông qua việc dựng lên các hàng rào phi thuế quan, tức là tăng cường kiểm tra chất lượng, truy xuất nguồn gốc ...

NHẬN ĐỊNH VÀ GIẢI PHÁP

Thanh long là loại trái rất quen thuộc ở nhiều nước châu Á, nhưng được xem là loại trái cây lạ và quý ở không ít thị trường trên thế giới. Việc sản xuất thanh long ở các nước có điều kiện tự nhiên không thuận lợi như nhiệt độ thấp, ngày ngắn, cường độ ánh sáng thiếu… là điều kiện cho thanh long của Việt Nam và các nước xuất khẩu thanh long nhắm tới.

Ảnh: LẬP ĐỨC
Ảnh: LẬP ĐỨC

Trong thực tế, thanh long của Việt Nam đã xuất khẩu đến nhiều thị trường trên thế giới, bao gồm châu Á, châu Âu, châu Mỹ… Trong những năm gần đây, thanh long của Việt Nam được phép xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Úc… và từng bước mở rộng thị phần ở các thị tường này. Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) mở ra cơ hội và triển vọng cho nhiều loại hàng hóa, trong đó có các sản phẩm rau, quả.

EVFTA có hiệu lực tạo ra sự ổn định kinh tế quan trọng của các lĩnh vực, tạo ra các điều kiện pháp lý và kỹ thuật, các điều kiện thị trường. Điều đó cho thấy trái thanh long của Việt Nam có thể vươn xa hơn trên thị trường quốc tế. Hay nói cách khác, xuất khẩu thanh long vẫn có thể duy trì và mở rộng nếu đáp ứng tiêu chuẩn nhập khẩu của các thị trường này.

Ảnh: HÀ ANH
Ảnh: HÀ ANH

Sự gia tăng nhanh về diện tích trồng thanh long trong nước và cả khu vực các tỉnh ĐBSCL khiến sản lượng cung ứng cho thị trường tăng theo, áp lực thị trường tiêu thụ đối với trái thanh long của Việt Nam nói chung và của ĐBSCL nói riêng đang ngày một tăng. Giải pháp quan trọng cho ổn định ngành hàng ở ĐBSCL nói riêng trong thời gian tới là cần phải quy hoạch vùng trồng, hạn chế sự mở rộng diện tích nếu không quản lý tốt chất lượng và an toàn thực phẩm cũng như thực hiện tốt khâu truy xuất nguồn gốc.

Bên cạnh đó là đẩy mạnh áp dụng các biện pháp canh tác theo hướng an toàn thực phẩm, tiến tới phổ biến quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP) trong sản xuất thanh long, kiểm soát nguồn cung theo hướng rải vụ và phân phối sản lượng thanh long cung ứng cho thị trường. Sản xuất thanh long hữu cơ cần được khuyến khích để đáp ứng nhu cầu thị trường cao cấp. Đồng thời, đa dạng giống thanh long có chất lượng trái ngon, kháng bệnh đốm nâu…

Cùng với đó là xây dựng được những doanh nghiệp kinh doanh trái cây có uy tín và có tên tuổi trên thị trường quốc tế. Mỗi doanh nghiệp cần xây dựng cho mình vùng nguyên liệu trái cây đủ lớn, chất lượng cao, sản xuất theo hướng an toàn thực phẩm và kiểm soát tốt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trong trái…

Các địa phương trồng thanh long ở ĐBSCL cần xây dựng kế hoạch, chương trình, đề án và các dự án cụ thể để đẩy mạnh thực hiện Hiệp định EVFTA, tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh trái thanh long đến với người tiêu dùng nước ngoài góp phần mở rộng và đa dạng thị trường tiêu thụ thanh long.

HỮU TIẾN

.
.
.