.

Mô hình cánh đồng lớn tiếp tục... nhỏ dần

Cập nhật: 21:07, 29/03/2021 (GMT+7)

Mô hình cánh đồng lớn - được xem là hiệu quả nhất - ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tiếp tục… nhỏ dần.

Nông dân thu hoạch lúa trong mô hình cánh đồng lớn. Ảnh: Trung Chánh
Nông dân thu hoạch lúa trong mô hình cánh đồng lớn. Ảnh: Trung Chánh

Ông Lê Thanh Tùng - Phó cục trưởng Cục trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cho biết, vụ lúa đông xuân 2020-2021, diện tích thực hiện mô hình cánh đồng lớn ở ĐBSCL ước đạt 160.000ha, giảm 10.000ha so với vụ đông xuân 2019 - 2020.

Báo cáo của Cục trồng trọt cho thấy, mỗi héc-ta ruộng tham gia cánh đồng lớn ở ĐBSCL này có thể giúp giảm chi phí sản xuất từ 10-15% và giá trị sản lượng có thể tăng từ 20-25%, thu lãi thêm từ 2,5-7,5 triệu đồng trên mỗi héc-ta.

Lợi ích là thế, nhưng vì sao mô hình cánh đồng lớn lại ngày càng... thu hẹp dần? Theo lý giải của Cục trồng trọt, do sản lượng lúa thu hoạch tập trung, nông dân bán lúa tươi nên các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc chuẩn bị phương tiện vận chuyển, không đủ thiết bị phơi sấy và kho chứa.

Mặt khác, dù nông dân với doanh nghiệp có hợp đồng liên kết sản xuất và thu mua, nhưng vẫn xảy ra trường hợp công ty mua không kịp, cho nên, nông dân bán ra bên ngoài cho thương lái.

Theo ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương TP. Cần Thơ, cũng thừa nhận rằng khi doanh nghiệp thực hiện không đúng cam kết dẫn đến nông dân mất lòng tin hoặc khi giá thị trường lên cao hơn so với giá ký kết bao tiêu với doanh nghiệp, cho nên, nông dân "bẻ kèo". “Điều nay, đã dẫn đến mô hình cánh đồng lớn đổ vỡ”, ông nói.

Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ), cho rằng nguồn lực của doanh nghiệp thiếu chính là lý do khiến mô hình cánh đồng lớn không thể phát triển.

“Với diện tích bao tiêu lên đến hàng trăm, thậm chí hàng ngàn héc-ta, thì sản lượng thu hoạch cùng một lúc sẽ rất lớn, cho nên, cần phải có nguồn lực đầu tư về hệ thống nhà kho, máy sấy và các thiết bị liên quan”, ông Bình cho biết và nói rằng, dù Nhà nước có chính sách cho vay ưu đãi ở lĩnh vực này, nhưng thực tế tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng là rất khó khăn.

Trước đó, sau bài viết về mô hình cánh đồng lớn ở ĐBSCL ngày càng lụi tàn, Văn phòng Chính phủ đã có chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát thực trạng và tìm cách thúc đẩy sản xuất lúa sao cho bền vững, hiệu quả.

Theo đó, Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có giải pháp thúc đẩy sản xuất lúa bền vững, hiệu quả.

(Theo thesaigontimes.vn)

.
.
.