.
"VƯƠNG QUỐC TRÁI CÂY" - KHÔNG THỂ CHỈ LÀ HƯ DANH!

Bài cuối - Góp phần mang lại sự giàu có, thịnh vượng cho nông dân

Cập nhật: 10:00, 03/04/2021 (GMT+7)

Bài 1: Tiềm năng… còn bỏ ngỏ?

Bài 2 - Tận dụng thời cơ, giảm thiểu "giải cứu"

Đánh giá trên nhiều phương diện, dư địa của ngành hàng trái cây vẫn còn rất lớn. Tuy nhiên, để “vương quốc trái cây” - không chỉ là hư danh chắc chắn còn nhiều việc phải làm, cả đối với nông dân và doanh nghiệp.

“Vương quốc trái cây” cần hướng đến mục tiêu góp phần mang lại sự giàu có, thịnh vượng cho nông nghiệp - nông dân - nông thôn Tiền Giang.

NHÌN VÀO “DƯ ĐỊA” ĐI TỚI

Nhìn trên bình diện tổng thể, đánh giá chung của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cho thấy, những năm vừa qua, ngành hàng trái cây của Việt Nam có sự phát triển rất nhanh, bền vững và trở thành nông sản xuất khẩu chủ lực, đứng đầu là các nông sản thuộc lĩnh vực trồng trọt.

Theo đó, năm 2020 dù tác động lớn của dịch bệnh nhưng xuất khẩu trái cây đạt xấp xỉ 3,6 tỷ USD. Đây là con số rất ấn tượng. Dựa trên tình hình thực tế và dự báo, trong thời gian tới tiềm năng phát triển trái cây còn rất nhiều “dư địa”, cả về điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, khí hậu và kinh nghiệm canh tác của nông dân đã được nâng lên, đặc biệt là thị trường tiêu thụ trong nước và trên thế giới.

 “Vương quốc trái cây”  phải góp phần mang lại sự giàu có, thịnh vượng cho nông dân.
“Vương quốc trái cây” phải góp phần mang lại sự giàu có, thịnh vượng cho nông dân.

Còn nếu nhìn vào giao dịch thương mại trên thế giới, vào năm 2004 tổng giá trị thương mại trái cây của thế giới chỉ vào khoảng 111 tỷ USD, đến những năm gần đây đã đạt trên 230 tỷ USD. Điều này đã mở ra cơ hội rất lớn cho trái cây Việt Nam. Ngay cả thị trường trong nước, với gần 100 triệu dân và xu thế người dân ngày càng sử dụng nhiều rau quả hơn, giảm lượng tinh bột, cũng sẽ là cơ hội tốt để ngành hàng trái cây phát triển.

Còn nếu nhìn về khía cạnh tác động của hội nhập, theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) Trần Thanh Hải, với Hiệp định EVFTA, rau quả là một trong những mặt hàng nông sản được hưởng lợi nhiều nhất, bởi 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các sản phẩm chế biến từ rau quả được xóa bỏ.

Đáng chú ý, việc giảm thuế theo EVFTA sẽ giúp trái cây Việt Nam có lợi thế rất lớn để tiến vào thị trường châu Âu. Hiện EU là thị trường nhập khẩu rau quả lớn thứ tư của Việt Nam. Đặc biệt, sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, nhu cầu tiêu thụ trái cây của người dân châu Âu tăng cao trở lại, xuất khẩu trái cây sang thị trường này dự báo sẽ tăng trưởng đột biến. Thực tế vừa qua cũng minh chứng rằng, chính ngành Nông nghiệp, trọng điểm là rau quả xuất khẩu trở thành “trụ đỡ” chính cho nền kinh tế khi dịch bệnh Covid-19 lây lan trên diện rộng toàn thế giới.

Tất nhiên, ngành hàng trái cây nói riêng và nông nghiệp nói chung vừa qua cũng bộc lộ khá nhiều hạn chế, nhất là khi thị trường thế giới có biến động lớn. Những đợt “giải cứu” thanh long, bưởi và một số loại nông sản khác cũng đã được nhiều tỉnh, thành triển khai nhưng đời sống nông dân vẫn không ổn định. Điều này cũng xuất phát từ thực tế hiện nay là quy mô sản xuất trái cây của Việt Nam nói chung còn rất manh mún, nhỏ lẻ vì thế phải tổ chức lại sản xuất từ cơ sở; khuyến khích tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này nhằm tạo ra chuỗi liên kết sản xuất mang tính bền chặt hơn. Qua các đợt “giải cứu” này, các sở, ngành tỉnh cũng đã tìm giải pháp để có hướng đi mới cho ngành Nông nghiệp, trọng điểm là trái cây.

PHẢI ĐI CÙNG NHAU

“Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì phải đi cùng nhau” - slogan này sẽ luôn đúng trong nhiều trường hợp, trong đó có lĩnh vực ngành hàng trái cây. Thiết nghĩ trong thời gian tới, giữa các doanh nghiệp ngành hàng trái cây của Tiền Giang nói riêng và cả nước nói chung cần liên kết lại, gắn kết với nông dân để hợp tác kết nối cung - cầu cả trong và ngoài nước, thậm chí cần thiết thì tổ chức các “chuyên cơ” cho trái cây tiến thẳng đến các thị trường mà người dân “sẵn sàng chi trả” như: Mỹ, Nhật Bản, các nước EU…

Chúng tôi xin nêu lại trải nghiệm trong một chuyến đi Nhật Bản mà người viết đã tận mắt chứng kiến lãnh đạo TP. Bắc Giang đặt trên tay 3 trái vải thiều đã “úa màu” mua tại cửa hàng ăn với giá quy ra lên tới 10 USD hay 2 trái thanh long ruột trắng tại siêu thị Mỹ “vừa nhỏ, vừa chua, vừa xuống sắc” bán tới 10 USD mà ở Việt Nam chắc không bao giờ mua. Rõ ràng, chi phí có cao, nhưng nếu khéo tính toán, hợp lực để cùng giảm phí vận chuyển, trái cây đặc sản của Tiền Giang hoàn toàn có thể mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh một số nước dự kiến sẽ triển khai các gói kích thích kinh tế hậu Covid-19. Và nếu tranh thủ tốt, đây sẽ là cơ hội giúp trái cây Tiền Giang “hội nhập” sâu hơn trên thị trường thế giới…

Để bảo quản trái cây tươi, nhất là tránh hư hỏng trong quá trình lưu kho, vận chuyển dài ngày, hiện thị trường đã xuất hiện nhiều giải pháp kỹ thuật, thiết nghĩ doanh nghiệp cũng nên nghiên cứu. Bên cạnh đó, việc mời gọi các dự án đầu tư chế biến trái cây có quy mô lớn ngay tại các vùng nguyên liệu tập trung cũng là giải pháp quan trọng, vừa tận dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ, tiết kiệm chi phí sản xuất. Nhưng đồng thời, gắn với việc này, Nhà nước cần tăng đầu tư hạ tầng, “đồng bộ hóa”, trước hết là hạ tầng gắn giữa doanh nghiệp, vùng nguyên liệu (chuyên canh cây ăn trái) kết nối đến tận kho chứa và nơi xuống hàng để ra nước ngoài, giúp hàng hóa “đi thẳng” từ nơi sản xuất tới tận “mạn tàu”…

Ngoài ra, một số giải pháp đã và đang làm, cần quan tâm thực hiện tốt hơn nữa, như: Vận dụng phù hợp các cơ chế chính sách của Trung ương ban hành, kết hợp với cơ chế, chính sách của tỉnh để có sức hấp dẫn các nhà đầu tư, nhất là vấn đề giao đất, cho thuê đất, hỗ trợ doanh nghiệp về mặt bằng, xây dựng vùng nguyên liệu, xúc tiến thương mại, đào tạo lao động; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ phục vụ sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm trái cây của tỉnh…

Ở góc nhìn khác, hiện Việt Nam có 9 loại trái được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc gồm: Thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm và măng cụt, các doanh nghiệp Tiền Giang cần chủ động hoạch định kế hoạch “hậu Covid-19” để xuất theo con đường chính ngạch, hạn chế tối đa rủi ro, nhất là rủi ro bị lật kèo hoặc liên quan vấn đề thanh toán…

Ở góc nhìn tổng thể hơn, phát biểu tại Hội nghị Thúc đẩy phát triển sản xuất, xuất khẩu trái cây được tổ chức tại Tiền Giang gần đây, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng, để tiếp tục phát triển ngành hàng trái cây Việt Nam nhanh, hiệu quả và bền vững hơn, trong thời gian tới Bộ NN-PTNT, địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp cần tập trung làm tốt một số vấn đề như rà soát lại về quy mô, diện tích, sản lượng của từng loại trái cây đối với từng vùng, miền, địa phương để làm sao khai thác tốt nhất tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, vùng cũng như nhu cầu của thị trường.

Việc rà soát phải dựa trên căn cứ điều kiện tự nhiên, đất đai, khí hậu, kể cả kinh nghiệm canh tác của người dân đối với từng loại cây ăn trái. Bên cạnh đó, các ngành, địa phương cũng cần tính toán nhu cầu tiêu thụ của thị trường thế giới và trong nước để tránh tình trạng cung không gặp cầu. Bước đầu, Bộ NN-PTNT sẽ tập trung cho khoảng 15 loại trái cây chủ lực, có nhiều tiềm năng để phát triển. Vấn đề quan trọng nữa là tiếp tục nghiên cứu, mở cửa thị trường, đặc biệt là tập trung vào thị trường quan tâm đến trái cây nhiệt đới. Đây là thế mạnh của Việt Nam. Ngoài thị trường xuất khẩu cũng cần quan tâm đến thị trường tiêu thụ trong nước theo hướng bài bản, căn cơ hơn.

Với những gì đã và đang diễn ra đối với ngành hàng trái cây, cùng với những giải pháp trong thời gian tới, tin rằng “vương quốc trái cây” Tiền Giang hẳn nhiên sẽ không chỉ là danh xưng cho vui, mà thực sự phát huy thế mạnh, đem lại sự giàu có, thịnh vượng cho nông nghiệp - nông dân - nông thôn Tiền Giang, góp phần vào mục tiêu đến năm 2025, Tiền Giang hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới…

T.T - P.Q.A

.
.
.