.
"VƯƠNG QUỐC TRÁI CÂY" - KHÔNG THỂ CHỈ LÀ Hư DANH!

Bài 2 - Tận dụng thời cơ, giảm thiểu "giải cứu"

Cập nhật: 19:21, 31/03/2021 (GMT+7)

Bài 1: Tiềm năng… còn bỏ ngỏ?

Dù có gam màu khá tươi sáng, nhưng kim ngạch xuất khẩu trái cây (chính ngạch) hằng năm thường cũng chỉ xấp xỉ 1% tổng kim ngạch toàn tỉnh, với sản lượng trái cây đưa vào chế biến xuất khẩu chưa tới 2% tổng sản lượng thu hoạch.

Từ đó, đi tìm lời giải hiệu quả để góp phần giảm bớt việc phải “giải cứu” trái cây mỗi khi gặp khó cũng như việc xuất tiểu ngạch đầy rủi ro là hết sức bức bách.

BÀI TOÁN “XUẤT TƯƠI CHÍNH NGẠCH”

Đặt ra vấn đề thì đơn giản nhưng để một loại trái cây của Việt Nam nói chung, Tiền Giang nói riêng có mặt ở các thị trường lớn theo đường “xuất tươi chính ngạch” là cả một chặng đường dài, đôi khi mất đến cả chục năm. Trái vú sữa là một minh chứng. Sự kiện lô trái vú sữa Việt Nam đầu tiên chính thức xuất sang thị trường Hoa Kỳ vào cuối năm 2017 đã mở ra một triển vọng rất lớn không chỉ riêng trái vú sữa, mà còn đối với nhiều loại trái cây khác.

Tận dụng cơ hội để trái cây “xuất tươi chính ngạch” ngày càng nhiều hơn.
Tận dụng cơ hội để trái cây “xuất tươi chính ngạch” ngày càng nhiều hơn.

Tuy nhiên, để xuất khẩu được lô vú sữa này các bộ, ngành, địa phương phải mất chặng đường khoảng 10 năm. Đề cập về chặng đường chuẩn bị cho lô trái vú sữa Việt Nam xuất khẩu đầu tiên vào thị trường Hoa Kỳ, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Trần Thanh Nam cho rằng, Bộ NN-PTNT và các bộ, ngành đã không ngừng nỗ lực, từng bước tháo gỡ các rào cản kỹ thuật để mở cửa thị trường khó tính này. Sau khoảng 10 năm đàm phán, trái vú sữa Việt Nam mới chính thức được cấp phép xuất sang thị trường Hoa Kỳ. Việt Nam và Hoa Kỳ cũng đã thống nhất về việc kiểm soát các đối tượng kiểm dịch trên trái vú sữa, trong đó đặc biệt là ruồi, rệp…

Ngoài ra, cũng như các loại quả tươi khác của Việt Nam, trái vú sữa xuất khẩu sang Hoa Kỳ phải được chiếu xạ; đơn vị kiểm dịch phải được kiểm soát từ khu vực vườn trồng, bao gói đến khâu kiểm dịch và tuân thủ đúng quy định mà hai bên thống nhất.

Trước trái vú sữa, Việt Nam đã xuất khẩu được 4 loại quả tươi sang thị trường Hoa Kỳ là thanh long, chôm chôm, vải, nhãn và tới đây sẽ có nhiều loại trái cây của Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường này. Tất nhiên, một khi được xuất khẩu sang thị trường lớn theo đường chính ngạch, cơ hội mở ra cũng lớn và bền vững hơn.

Đánh giá về tiềm năng của thị trường Hoa Kỳ, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam nhận định, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu rau quả lớn thứ 3 của Việt Nam. Đây là thị trường tiềm năng đối với trái cây Việt Nam, nhất là đối với trái vú sữa nhưng lại là thị trường rất khó tính. Đến thời điểm hiện nay, Việt Nam là nước đầu tiên và duy nhất được phép xuất khẩu trái vú sữa tươi vào thị trường Hoa Kỳ. Tiền Giang cũng là một trong những tỉnh có rất nhiều cố gắng, nỗ lực cho việc đưa trái vú sữa đến với thị trường Hoa Kỳ.

Còn đánh giá về sự kiện Hoa Kỳ cấp phép nhập khẩu trái vú sữa của Việt Nam, tại sự kiện công bố lô vú sữa Việt Nam đầu tiên xuất sang thị trường Hoa Kỳ, Tùy viên Nông nghiệp cao cấp của Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TP. Hồ Chí Minh Gerald Smith nhấn mạnh, trái vú sữa chính thức đã được chào đón tại thị trường Hoa Kỳ cùng với những loại trái cây khác như thanh long, nhãn, vải, chôm chôm. “Chính phủ Hoa Kỳ và Chính phủ Việt Nam tiếp tục nỗ lực tạo thêm những cơ hội thương mại 2 chiều cho trái cây tươi, nhằm giúp người tiêu dùng ở 2 quốc gia có cơ hội mua nhiều loại trái cây tươi hơn với giá rẻ hơn”- ông Gerald Smith cho biết.

Dưới góc nhìn khác, cái khó trong xuất khẩu chính ngạch trái cây còn là vấn đề vận chuyển, bởi chi phí khá cao. Về lý thuyết, để trái cây giữ nguyên chất lượng khi vào đến siêu thị nước ngoài, vận chuyển tối ưu nhất là bằng đường hàng không kèm theo “chuẩn” bảo quản lạnh; còn vận chuyển bằng đường thủy thì khả năng lô hàng bị hư hao, giảm chất lượng, dễ dẫn tới mất giá, thậm chí bị trả hàng.

Điểm khó thứ hai là kiểm soát an toàn thực phẩm “trước giờ xuất bến”; đảm bảo các thông tin, tem nhãn về nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng sản phẩm, lượng tồn dư hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật. Chưa kể chúng ta hiện vẫn còn hạn chế trong khâu quản lý, quy hoạch vùng trồng do nông dân thường trồng nhỏ lẻ, manh mún và tự phát, rất khó trong khâu thực hiện các thủ tục đưa trái cây xuất ngoại… Và tất nhiên, để “xuất tươi chính ngạch” chắc chắn còn nhiều việc phải làm, cả đối với nông dân và doanh nghiệp.

DOANH NGHIỆP CẦN “HỘI NHẬP SÂU HƠN”

Sự kiện lô trái vú sữa Việt Nam đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, nếu được tận dụng và khai thác tốt, chắc chắn sẽ tiếp tục mở ra nhiều cơ hội cho các loại trái cây khác. Điều này, một phần còn đòi hỏi sự chuyển động và thích ứng của các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu trái cây. Ông Ôn Chí Cường, Giám đốc Công ty Alchon Trading LLC, đơn vị nhập khẩu lô trái vú sữa đầu tiên của Việt Nam để phân phối tại thị trường Hoa Kỳ thông tin, chỉ riêng mặt hàng thanh long, sản lượng tiêu thụ tại thị trường New York của công ty trong những năm gần đây đạt khoảng 1.000 tấn/năm.

Bên cạnh đó, công ty còn đang từng bước mở rộng thị phần trên khắp 50 tiểu bang của Hoa Kỳ. “Trái vú sữa rất quen thuộc với người Việt Nam nhưng lại là một mặt hàng rất đặc biệt đối với người phương Tây. Đây là cơ hội cho người tiêu dùng tại Hoa Kỳ được thưởng thức hương vị rất đặc trưng của trái vú sữa Việt Nam; đồng thời, cũng tạo bước ngoặt lớn trong việc xuất khẩu trái cây Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ. Tất nhiên, việc kết nối, hợp tác giữa các doanh nghiệp cung ứng trái cây của địa phương là một mắt xích quan trọng”- ông Ôn Chí Cường cho biết.

Nhìn ở khía cạnh địa phương, hiện Tiền Giang cũng có một số doanh nghiệp tham gia vào sân chơi xuất khẩu trái cây nhưng quy mô không lớn và tính “hội nhập” chưa cao. Đến nay, Việt Nam đã tham gia ký kết 15 hiệp định thương mại quốc tế, 2 hiệp định đang trong quá trình đàm phán. Bên cạnh đó, việc thực hiện Hiệp định Thương mại tự do (FTA) cũng giúp tạo cơ hội mới cho các doanh nghiệp trong nước nói chung và Tiền Giang nói riêng mở rộng sản xuất và xuất khẩu. Cơ hội này đã được tỉnh Tiền Giang nhanh chóng nắm bắt.

Theo đó, năm 2020, khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU), gọi tắt là EVFTA, bắt đầu có hiệu lực, Tiền Giang đã phối hợp với Bộ Công thương tổ chức Hội nghị trực tuyến SMEs (Doanh nghiệp nhỏ và vừa) hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cơ hội, thực thi hiệu quả EVFTA; phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến về triển khai kế hoạch thực thi EVFTA; tiếp đến là hỗ trợ doanh nghiệp tham dự Đoàn giao dịch thương mại tại Hà Lan và Vương quốc Bỉ kết hợp các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư tại CHLB Đức, tham dự các Đoàn giao dịch thương mại tại Hoa Kỳ, Nhật Bản, tham gia Diễn đàn “Doanh nghiệp ASEAN + 3 (Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ)”…, nhiều doanh nghiệp Tiền Giang nhờ vậy đã có thêm thông tin nghiên cứu, mở rộng thị trường.

Hoạt động của doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu trái cây cũng bắt đầu chuyển động và thích ứng với xu thế chung. Nhờ đó, trong năm 2019 xuất khẩu trái cây chính ngạch của tỉnh đạt 43 triệu USD, trong đó có các thị trường chính như: Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, với 9 doanh nghiệp và hợp tác xã tham gia. Hội nhập có lẽ cũng là một trong những yếu tố mà năm 2020, mặc dù gặp đại dịch Covid-19 nhưng ngành hàng rau quả vẫn xuất được 12.572 tấn, thu về gần 26 triệu USD, gấp 2 lần năm 2016.

Điều này cho thấy, đây cũng là một hướng đi khá ổn cho trái cây Tiền Giang. Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp, muốn tiêu thụ một lượng lớn trái cây của tỉnh thông qua con đường xuất khẩu, sẽ khó có thể đạt mục tiêu mong muốn nếu chỉ bằng việc chế biến; bởi số trái cây đưa vào chế biến xuất khẩu chỉ chiếm khoảng 2% sản lượng thu hoạch hằng năm, còn xuất tươi dạng tiểu ngạch lại rủi ro cao. Vậy chỉ còn con đường là “xuất trái cây tươi chính ngạch”, nhưng phải làm gì?

T.T - P.Q.A

(Còn tiếp)



 

.
.
.