.

Giá thức ăn liên tục tăng, người chăn nuôi gặp khó

Cập nhật: 10:11, 31/03/2021 (GMT+7)

Chỉ trong vòng 5 tháng, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng 5 lần. Điều này khiến người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đứng ngồi không yên.

Thời điểm này, giá các loại gia súc, gia cầm (trừ thịt heo) trên địa bàn tỉnh Tiền Giang chỉ nằm ở mức trung bình, một số loại ở mức thấp khiến người chăn nuôi thua lỗ. Đã vậy, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng đẩy giá thành sản xuất tăng theo khiến người nuôi đã khó càng thêm khó.

THÊM ÁP LỰC

Chúng tôi tìm về “thủ phủ” nuôi heo ở xã Xuân Đông (huyện Chợ Gạo), lúc cao điểm, toàn xã có khoảng 50.000 con heo. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi (DTHCP) nên đàn heo của xã hiện chỉ còn hơn 6.000 con. Nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã “treo” chuồng, trong đó có một số hộ đã chuyển sang nuôi gà để duy trì kinh tế gia đình.

Dẫn chúng tôi đi thực tế tại các hộ chăn nuôi trên địa bàn xã, cán bộ thú y xã Xuân Đông cho biết, lúc cao điểm toàn xã có khoảng 800 hộ chăn nuôi heo, song hiện chỉ còn khoảng 200 hộ. Riêng chăn nuôi gà thịt phát triển mạnh trên địa bàn xã với khoảng 500 ngàn con.

Giá thức ăn tăng đang gây khó cho người chăn nuôi.
Giá thức ăn tăng đang gây khó cho người chăn nuôi.

Trước đây, gia đình ông Trần Văn Thương (ấp Tân Ninh, xã Xuân Đông) chủ yếu chăn nuôi heo. Do ảnh hưởng của DTHCP, hiện ông chỉ còn nuôi 4 con heo nái để gầy đàn lại. Để duy trì kinh tế gia đình, ông đã đầu tư nuôi gà tre lấy thịt. Hiện đàn gà của ông có 8.000 con. Tuy nhiên, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng khiến gia đình ông cũng như nhiều hộ chăn nuôi khác trên địa bàn gặp không ít khó khăn.

Ông Thương cho biết: “Gà tre nuôi khoảng 100 ngày là xuất chuồng. Với giá bán 70.000 đồng/kg như hiện tại, nếu nuôi đạt, 1.000 con gà sẽ cho lợi nhuận khoảng 8 triệu đồng. Song thức ăn tăng giá làm mất đi nguồn lợi nhuận của người chăn nuôi”. Cũng theo tính toán của ông Thương, với việc giá thức ăn tăng như thời gian qua, trung bình 1 con heo thịt đến lứa xuất chuồng, người nuôi phải tốn thêm khoảng 500 ngàn đồng.

Cũng tại ấp Tân Ninh, anh Lê Văn Nhơn nuôi khoảng 16.000 con gà tre lấy thịt. Theo anh Nhơn, năm vừa qua, phong trào nuôi gà phát triển mạnh ở địa bàn xã, trong khi đó giá gà ở mức thấp khiến người nuôi không có lãi, thậm chí thua lỗ. Trước đây, đàn gà của anh ăn thức ăn Cargill. Song, do từ cuối năm 2020 đến nay giá thức ăn tăng khoảng 4 - 5 lần làm chi phí đầu vào tăng cao, để giảm giá thành, anh Nhơn đã mua một máy ép và nguyên liệu như: Cám, bắp, đậu nành… để tự sản xuất thức ăn cho đàn gà. Anh dùng thức ăn tự sản xuất pha trộn với thức ăn Cargill để cho gà ăn.

Để giảm giá thành chăn nuôi, anh Nhơn đã mua nguyên liệu về để sản xuất thức ăn cung cấp thức ăn cho đàn gà.
Để giảm giá thành chăn nuôi, anh Nhơn đã mua nguyên liệu về để sản xuất thức ăn cung cấp cho đàn gà.

Chủ tịch Hội Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tiền Giang Nguyễn Minh Thuần cho biết, từ cuối năm 2020 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng. Thêm vào đó, giá các sản phẩm gia cầm đang ở mức thấp nên người nuôi bị thua lỗ. Riêng giá heo vẫn ở mức cao nên không thấy bị tác động nhiều từ giá thức ăn. Tuy nhiên, đối với những hộ không nuôi heo nái thì việc tái đàn cũng gặp khó do giá thành sản xuất quá cao cộng với việc tiềm ẩn nhiều rủi ro.

GIÁ SẼ TIẾP TỤC TĂNG

Có khoảng 35 năm trong nghề nuôi heo, ông Nguyễn Hữu Phước (xã Vĩnh Hựu, huyện Gò Công Tây) cho biết, từ trước Tết Nguyên đán 2021 đến nay, giá thức ăn cho heo liên tục tăng. Công ty sản xuất, kinh doanh thức ăn cho biết, nguyên liệu đầu vào tăng 30% dẫn đến công ty phải tăng giá bán. Khoảng 20 ngày nay, giá thức ăn tiếp tục tăng từ 10.000 - 12.000 đồng/bao 25 kg (tùy loại). “Hiện heo giống tại trại có giá khoảng 4 triệu/con 20 kg.

Trung bình, mỗi con heo đến lứa xuất chuồng phải tốn thêm 3 triệu đồng tiền thức ăn, tiêm phòng. Với giá heo từ 7 - 7,2 triệu đồng/tạ như hiện nay, người nuôi có nguy cơ thua lỗ nên không dám tái đàn. Do đó, muốn giảm giá thành, người nuôi phải tự tạo nguồn con giống, sau đó nuôi thành heo thương phẩm lúc đó mới có lãi cao” - ông Phước cho biết thêm.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Gạo, hiện đàn heo ở huyện khoảng 52.000 con, đàn gia cầm (kể cả chim cút) khoảng 8,2 triệu con (tăng hơn 2 triệu con so với cùng kỳ năm trước). Thời gian qua, qua nắm bắt thông tin, giá thức ăn tăng do giá nguyên liệu sản xuất tăng. Mặt khác, khi người chăn nuôi thua lỗ, nợ tiền các điểm cung cấp thức ăn nên các cửa hàng, đại lý thức ăn bán tăng giá để bù vào tiền lãi.

Còn theo anh Lê Văn Tùng, nhân viên kinh doanh Công ty TNHH JAPFA Comfeed Việt Nam trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, từ tháng 5-2020 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi tăng 6 lần, trong đó từ tháng 11-2020 đến nay tăng 5 lần. Trung bình, giá thức ăn dành cho heo tăng hơn 55.000 đồng/bao 25 kg, thức ăn cho gia cầm tăng hơn 40.000 đồng/bao 25 kg (mỗi lần tăng giá từ 5.000 - 10.000 đồng/bao tùy theo công ty). Nguyên nhân giá thức ăn tăng là do nguyên liệu nhập khẩu từ Mỹ, Argentina… ở mức cao.

Anh Tùng cho biết thêm, với giá bán các sản phẩm gia cầm và giá thức ăn như hiện nay, khả năng người nuôi bán, giảm đàn chiếm khoảng 30% - 40%. Riêng đối với gà thịt, khả năng người nuôi không tái đàn sẽ chiếm tỷ lệ cao. Trong 2 tháng tới, dự báo giá thức ăn chăn nuôi sẽ tiếp tục tăng và tăng cao hơn những lần trước.

TRỌNG ĐẠT
 

.
.
.