Thứ Tư, 05/05/2021, 09:26 (GMT+7)
.

Chặng đường 70 năm vẻ vang của ngành Ngân hàng

Kỷ niệm 46 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước cũng là dịp ngành Ngân hàng tổ chức nhiều hoạt động để chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập ngành (6-5-1951 - 6-5-2021).

Đó là một hành trình với biết bao sự kiện, đầy vất vả gian nan nhưng cũng rất đỗi tự hào, góp phần không nhỏ vào thành công chung của đất nước.

NHỮNG DẤU MỐC

Ngày 6-5-1951, tại Chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 15/SL thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam - Mốc son đó được ấn định chính thức trở thành ngày truyền thống của ngành Ngân hàng Việt Nam. Ngày 26-10-1961, Ngân hàng Quốc gia Việt Nam được đổi tên thành Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam.

Sau khi đất nước thống nhất, năm 1975 chính sách và cơ chế quản lý kinh tế cũng như hệ thống tiền tệ, tín dụng ngân hàng được áp dụng thống nhất theo mô hình kinh tế - xã hội ở miền Bắc. Vào ngày 6-6-1975, Ngân hàng Quốc gia Việt Nam chi nhánh tỉnh Tiền Giang ra đời. Đồng chí Hứa Văn Giáo, Phó Chủ tịch UBND Cách mạng tỉnh Mỹ Tho, được cử làm Giám đốc chi nhánh.

 Lãnh đạo tỉnh làm việc với ngành Ngân hàng năm 2018.
Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang làm việc với ngành Ngân hàng năm 2018.

Năm 1978, sau khi thống nhất tiền tệ cả nước, hệ thống Ngân hàng Quốc gia Việt Nam tại miền Nam được đổi tên thành NHNN Việt Nam; có chi nhánh tại các tỉnh, thành. Chi nhánh NHNN Việt Nam tỉnh Tiền Giang có trụ sở tại TP. Mỹ Tho, 7 chi nhánh huyện, thị, và gần 100 Phòng giao dịch trực thuộc ngân hàng huyện được đặt hầu hết tại các xã trên địa bàn tỉnh.

Vào tháng 5-1990, Pháp lệnh Ngân hàng được ban hành, phân định rõ chức năng quản lý của NHNN và chức năng kinh doanh của các tổ chức tín dụng. Sự ra đời của Pháp lệnh Ngân hàng đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý, kinh doanh của các ngân hàng được rành mạch, ổn định và hiệu quả hơn. Trên cơ sở đó, tháng 2-1997, Luật NHNN Việt Nam và Luật Các tổ chức tín dụng ra đời và đến năm 2010, thêm một dấu mốc là việc Quốc hội khóa XII thông qua Luật NHNN (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vào ngày 16-6-2010, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2011.

2 luật này đã tạo nền tảng pháp lý mới, góp phần nâng cao vị thế, trách nhiệm, quyền hạn của NHNN trong việc hoạch định và thực thi chính sách tiền tệ quốc gia, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng, phù hợp với các điều ước quốc tế. Cùng với 2 luật ngân hàng, các quy định dưới luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng cũng được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới theo hướng đơn giản hóa, minh bạch thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng và các quan hệ giao dịch giữa tổ chức, cá nhân với NHNN.

Những ngày đầu thành lập, đội ngũ cán bộ của ngành chỉ có 47 người, đến nay tăng lên 2.665 người (trong đó nữ là 1.447 người, chiếm hơn 54%). Trình độ của cán bộ ngân hàng cũng được nâng lên đáng kể, trình độ thạc sĩ 256 người (chiếm 9,6%), đại học 1.886 người (chiếm 70,77%), cao đẳng 179 người (chiếm 6,72 %), trung cấp và nghiệp vụ chuyên môn khác là 329 người (chiếm 12,35%).

Đến cuối tháng 3-2021, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện là 75.978 tỷ đồng; huy động vốn chủ yếu ở khu vực dân cư, chiếm tỷ trọng hơn 86% tổng nguồn vốn huy động; tổng dư nợ cho vay trên địa bàn là 68.296 tỷ đồng, tăng hơn 6,2% so với cuối năm 2020; nợ xấu 829 tỷ đồng, tỷ lệ 1,21%, giảm 0,04% so với cuối năm 2020, tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp, nằm trong sự kiểm soát, có chuyển biến tích cực theo chiều hướng giảm.

KHÔNG NGỪNG LỚN MẠNH

Sau 46 năm nỗ lực và phấn đấu, quy mô hoạt động của hệ thống chi nhánh các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang được củng cố và phát triển lớn mạnh. Mạng lưới ngân hàng phát triển nhanh chóng.

Nếu vào thời điểm 1975, toàn tỉnh có 8 đơn vị ngân hàng tỉnh, huyện, thị thì đến nay ngoài NHNN chi nhánh Tiền Giang, trên địa bàn có 29 chi nhánh ngân hàng cấp 1, 11 chi nhánh ngân hàng thương mại trực thuộc chi nhánh cấp 1; 94 phòng giao dịch; 16 quỹ tín dụng nhân dân; 2 chi nhánh Tổ chức tài chính vi mô (CEP); 1 phòng giao dịch Ngân hàng Phát triển; 1 chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội và 170 điểm giao dịch thuộc Ngân hàng Chính sách xã hội; 257 trụ máy ATM (trong đó có 2 máy CDM) và 794 máy POS đang hoạt động.

Một trong những dấu ấn trong chặng đường đã qua của ngành Ngân hàng là nguồn vốn huy động tăng trưởng liên tục, nếu như năm 1975 là 1,4 triệu đồng; năm 1990 là 37 tỷ đồng; năm 2000 là 824 tỷ đồng; năm 2010 là 13.859 tỷ đồng và đến cuối năm 2020, tổng nguồn vốn huy động đạt 76.051 tỷ đồng, đứng thứ 2 trong 12 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (không tính TP. Cần Thơ).

Dư nợ cho vay cũng tăng qua các năm, cụ thể: Nếu như năm 1975 là 16 triệu đồng; năm 1990 là 63 tỷ đồng; năm 2000 là 1.869 tỷ đồng và đến cuối năm 2020 là 64.093 tỷ đồng, đứng thứ 5 trong 12 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long; nợ xấu nội bảng đến cuối năm 2020 là 1,25%, luôn đảm bảo ngưỡng an toàn dưới 3%. Tỷ lệ các đơn vị thực hiện trả lương qua tài khoản cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước đạt hơn 97%.

Nhìn lại chặng đường 46 năm qua, ghi nhận những đóng góp to lớn trong hoạt động của ngành Ngân hàng, nhiều tập thể, cá nhân đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng những phần thưởng cao quý, cụ thể: Ngành Ngân hàng Tiền Giang đã vinh dự được đón nhận 14 Huân chương Lao động; trong đó 1 Huân chương Lao động hạng Nhất, 4 Huân chương Lao động hạng Nhì, 9 Huân chương Lao động hạng Ba. 5 Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ, 28 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 19 Cờ thi đua của Thống đốc...

Trong đó, NHNN chi nhánh tỉnh Tiền Giang được tặng 2 Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2015 cho cá nhân ông Phạm Đức Thịnh và năm 2017 cho tập thể Chi nhánh); 2 Cờ thi đua Chính phủ, 4 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 4 Cờ thi đua NHNN; 40 Bằng khen của Thống đốc; 4 Cờ thi đua UBND tỉnh cùng nhiều Bằng khen, Giấy khen của UBND tỉnh, bộ, ngành, các cấp cho tập thể và cán bộ công nhân viên NHNN tỉnh.

Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối trên địa bàn, NHNN chi nhánh tỉnh Tiền Giang đã bám sát các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành chính sách tiền tệ của NHNN Việt Nam và định hướng mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong từng giai đoạn.

Theo Giám đốc NHNN chi nhánh Tiền Giang Nguyễn Thị Đậm, hằng năm, NHNN chi nhánh Tiền Giang đã triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng đến các tổ chức tín dụng trên địa bàn và các đơn vị liên quan, nhất là triển khai thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu lại hệ thống các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn, chính sách tín dụng ưu đãi, tín dụng chính sách xã hội, chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, thanh toán không dùng tiền mặt; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát…

Năm 2021 là năm đầu tiên triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, cũng là năm đầu thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030), Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025), dù bối cảnh kinh tế thế giới còn rất nhiều diễn biến khó lường, bất lợi do tác động của thiên tai, dịch bệnh nhưng với nền tảng vững chắc đã đạt được thời gian qua, ngành Ngân hàng luôn tin tưởng và kỳ vọng sẽ có những bước phát triển mới ấn tượng trong thời gian tới.

Theo đó, ngành Ngân hàng sẽ tập trung vào các nhiệm vụ chủ yếu: Tăng trưởng tín dụng hiệu quả, an toàn; tập trung tín dụng cho các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, đáp ứng nhu cầu vốn hợp pháp của người dân, góp phần hạn chế tín dụng đen; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tiếp tục thực hiện quyết liệt và hiệu quả việc cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát; tiếp tục đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt đi đôi với việc đảm bảo an ninh, an toàn…

NHÓM PVKT

.
.
.