.

Mở rộng thị trường, thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch Covid-19

Cập nhật: 16:52, 14/05/2021 (GMT+7)

(ABO) Ngày 14-5, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương; hiệp hội ngành hàng; cộng đồng doanh nghiệp tổ chức Hội nghị trực tuyến thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch Covid-19.

Dự hội nghị tại điểm cầu Tiền Giang có đồng chí Phạm Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tiền Giang
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tiền Giang

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, 4 tháng đầu năm 2021, cùng với những điều kiện thuận lợi về thời tiết, khí hậu, sản xuất nông - lâm - thủy sản đang dần hồi phục, thị trường tiêu thụ đối với nhiều mặt hàng được khơi thông, mở rộng với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 17,15 tỷ USD, tăng 24,2% so với năm 2020 và tăng ở các nhóm ngành hàng chính, nhiều thị trường xuất khẩu trọng điểm.

Từ đầu năm 2021 đến nay, trước ảnh hưởng của các đợt dịch bệnh Covid-19, Bộ NN&PTNT chỉ đạo và phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp chủ động, sáng tạo, linh hoạt điều chỉnh sản xuất, phương thức kinh doanh để vừa thúc đẩy tiêu thụ nông sản, vừa bảo đảm phòng tránh dịch bệnh Covid-19 theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.

Đồng thời, tích cực phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương theo dõi, bám sát tình hình giá cả, lưu thông hàng hóa, kịp thời chỉ đạo triển khai các biện pháp, kế hoạch để vừa đẩy mạnh sản xuất bảo đảm nguồn cung hàng hóa trong nước, vừa thúc đẩy mở rộng thị trường xuất khẩu ở thị trường truyền thống và cả thị trường mới, nhiều tiềm năng; trong đó, đặc biệt quan tâm việc xuất khẩu, lưu thông hàng hóa nông sản qua cửa khẩu biên giới Việt - Trung.

Theo số liệu thống kê, trong 4 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nông sản ước đạt 4,003 tỷ USD, chiếm 23,3% thị phần và tăng trưởng 35,8% so với năm 2020.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, mặc dù tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi 2 đợt bùng phát dịch Covid-19 (tháng 1-2021 và đợt dịch hiện nay) nhưng ngành Nông nghiệp vẫn đạt kết quả tốt về sản xuất, tăng trưởng xuất khẩu đạt khá.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề nghị các đại biểu tập trung trao đổi thảo luận nhằm đưa ra các giải pháp tốt nhất để bảo đảm cân đối cung cầu thị trường nông sản, thúc đẩy tiêu thụ các nông sản, giảm thiểu thiệt hại về kinh tế cho doanh nghiệp, nông dân trước tác động của dịch Covid-19.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tiền Giang
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tiền Giang.

Tại Tiền Giang, tính đến tháng 5-2021, ước sản lượng xuất khẩu thủy sản giảm 1,5%, sản lượng xuất khẩu rau, quả giảm 36,71% và sản lượng xuất khẩu gạo giảm 76,68% so với cùng kỳ; hiện có khoảng 18% cơ sở sản xuất - kinh doanh nông sản ngưng hoạt động do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19.

Phát biểu tại điểm cầu Tiền Giang, đồng chí Phạm Văn Trọng nêu một số giải pháp trọng tâm để mở rộng thị trường và thúc đẩy tiêu thụ nông sản của tỉnh, như: Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, điện tử để giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến; đào tạo nâng cao năng lực kinh doanh online, năng lực xuất khẩu trong điều kiện dịch bệnh Covid-19.

Đồng chí Phạm Văn Trọng phát biểu tại điểm cầu Tiền Giang.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; đẩy mạnh công tác xúc tiến mời gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; triển khai thực hiện Quyết định số 174/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Thúc đẩy xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đến năm 2030; trong đó, phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 30% sản phẩm nông sản qua chế biến. Cùng với đó, tiếp tục rà soát, lựa chọn nông sản đặc trưng của tỉnh để đăng ký chứng nhận chỉ dẫn địa lý, tập trung phát triển sản phẩm OCOP.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang kiến nghị: Bộ NN&PTNT hỗ trợ một số nội dung, thúc đẩy tiêu thụ nông sản, như: Đẩy mạnh đầu tư phát triển hệ thống logistics trong lĩnh vực nông sản (từ sản xuất, sơ chế, chế biến và xuất khẩu) để hình thành các Trung tâm logistics nông sản tại các khu vực. Quan tâm xây dựng nhãn hiệu, phát triển thương hiệu cho nông sản cấp quốc gia và quốc tế. Tiếp tục thúc đẩy mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản cùng với việc nâng cao năng lực chế biến, đáp ứng yêu cầu kiểm soát chất lượng, dịch bệnh của thị trường xuất khẩu.

LÝ OANH

 

 

 

 

.
.
.