.

Tiền Giang: Đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu

Cập nhật: 13:29, 13/08/2021 (GMT+7)

Đảm bảo hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân trên địa bàn tỉnh Tiền Giang trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp là yêu cầu đặt ra đối với các sở, ngành và địa phương. Phương án ứng phó theo từng cấp độ dịch bệnh được Sở Công thương Tiền Giang tính toán xây dựng dựa trên những tình huống cụ thể.

XÁC ĐỊNH TỪNG TÌNH HUỐNG

Theo đó, Sở Công thương Tiền Giang đã có một số tình huống được tính toán để ứng phó với dịch Covid-19. Tình huống đầu tiên là nhiều khu vực bị phong tỏa, nhiều hộ cách ly; đơn vị cung ứng tại khu vực khó đáp ứng đủ, kịp thời. Hiện có trên 50 chợ ngưng hoạt động, các hợp tác xã ngưng bán lẻ, một số cửa hàng bách hóa xanh... tạm ngưng hoạt động. Dựa theo tình huống này, Sở Công thương đã tính đến 3 phương án là tổ chức các điểm bán hàng, tổ chức chuyến hàng lưu động phục vụ nhu cầu và đi chợ hộ.

Điểm bán hàng hóa thiết yếu do Sở Công thương tổ chức.                                                                                                                                                                   Ảnh: Cao Thắng
Điểm bán hàng hóa thiết yếu do Sở Công thương Tiền Giang tổ chức. Ảnh: Cao Thắng

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, vừa qua Sở Công thương Tiền Giang đã tổ chức Điểm bán hàng hóa thiết yếu trên một số địa bàn nhằm phục vụ người dân trong thời gian thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, Sở Công thương trực tiếp lấy hàng hóa của các đơn vị cung ứng, vận chuyển hàng hóa đến bán tại các Điểm bán hàng hóa thiết yếu, bán theo giá bán sỉ của đơn vị cung cấp, thu tiền, quyết toán với đơn vị cung cấp. Cục Quản lý thị trường trực tiếp tham gia Điểm bán hàng, bố trí xe chở công chức, viên chức đi và về mỗi ngày; tổ chức kiểm tra, kiểm soát chất lượng, giá cả, niêm yết và nguồn gốc hàng hóa bán tại các Điểm bán hàng.

Đánh giá kết quả tổ chức, Quyền Giám đốc Sở Công thương Tiền Giang Đặng Văn Tuấn cho biết, việc tổ chức Điểm bán hàng hóa thiết yếu được Sở Công thương phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện đã phát huy tốt hiệu quả, cung cấp lượng lớn hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân (với khoảng 800 suất hàng hóa) với giá sỉ, góp phần bình ổn thị trường. Trong quá trình tổ chức Điểm bán hàng đã thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, thực hiện quy định 5K của Bộ Y tế.

Sau 2 đợt bán hàng hóa thiết yếu tại xã Phước Trung (huyện Gò Công Đông) và xã Phú Tân (huyện Tân Phú Đông), các mặt hàng lương thực, thực phẩm, rau củ quả bán ra, với tổng số khoảng 10 tấn và số tiền hơn 166 triệu đồng, gồm: 500 kg gạo; 820 thùng mì gói; dầu ăn, nước mắm, nước tương, đường, bột ngọt, hạt nêm; cà rốt, khoai tây, củ hành tây; bầu, bí, mướp, củ su, trứng gà, trứng vịt… Theo kế hoạch, Sở Công thương Tiền Giang sẽ tiếp tục tổ chức Điểm bán hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh.

Sở Công thương Tiền Giang cũng tính toán đến phương án đi chợ hộ nếu dịch tiếp tục diễn biến phức tạp với cách thức thực hiện là Phòng Kinh tế, Phòng Kinh tế và Hạ tầng các địa phương phối hợp với đơn vị quản lý chợ, tổ tự quản, UBND xã tổng hợp nhu cầu hàng hóa của từng hộ gia đình, đặt hàng qua điện thoại, qua thương mại điện tử trực tiếp với các đơn vị cung ứng, trên cơ sở đó, các đơn vị cung ứng sẽ giao hàng theo nhu cầu. Ngoài ra, địa phương có thể tổ chức các đội, nhóm tình nguyện mua hoặc đặt hàng hộ cho các hộ gia đình, người dân khu phong tỏa. Các đơn vị cung ứng chuẩn bị nhân lực, nguồn hàng, ổn định giá phục vụ…

DỰ BÁO ĐÚNG TÌNH HÌNH

Diễn biến dịch Covid-19 hiện còn phức tạp. Do đó, việc dự báo đúng tình hình sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, trước mắt phục vụ cho hơn 1,7 triệu dân Tiền Giang, ít nhất trong 15 ngày là điều quan trọng. Theo tính toán của Sở Công thương, nhu cầu tiêu thụ gạo bình quân 1 người/15 ngày là 3,2kg, nhu cầu tiêu thụ gạo của toàn tỉnh trong 15 ngày bình quân gần 5.562 tấn. Trong khi đó, sản lượng lúa dự kiến thu hoạch từ tháng 8 đến 12-2021 đạt khoảng 275.227 tấn, tương đương 165.136 tấn gạo.

Ngoài ra, gạo tồn kho tại các doanh nghiệp xuất khẩu gạo khoảng 45.000 tấn, tồn kho tại các kho của chợ gạo Bà Đắc (huyện Cái Bè) và của người dân, do vậy sản lượng gạo sản xuất tại tỉnh sẽ dư so với nhu cầu tiêu dùng của toàn tỉnh. Mặt hàng này hiện được cung ứng bởi Công ty cổ phần Mỹ Tường, Công ty TNHH Việt Hưng, Công ty Lương thực Tiền Giang, Công ty TNHH Thanh Hồng, Công ty TNHH Nông Nghiệp và Thực phẩm Toàn Cầu, Công ty Kinhgreen, Công ty TNHH Vinh Hiển, các doanh nghiệp tại chợ gạo Bà Đắc; một số doanh nghiệp cung ứng hàng hóa thiết yếu, tiêu dùng lớn và người dân trên địa bàn tỉnh.

Đối với nhóm hàng thực phẩm tươi sống, như nhóm thịt gia súc, gia cầm nhu cầu tiêu thụ thịt thành phẩm 1 người/15 ngày bình quân 4 kg, nhu cầu toàn tỉnh trong 15 ngày là 5.990 tấn trong khi khả năng sản xuất thịt heo và thịt gia cầm của Tiền Giang trong tháng 8-2021 khoảng 9.934 tấn, nên có khả năng đáp ứng nhu cầu. Riêng đối với nhóm rau xanh các loại, nhu cầu tiêu thụ rau của 1 người cần 4,5kg/15 ngày, nhu cầu toàn tỉnh trong một tháng khoảng 7.978 tấn trong khi khả năng sản xuất trong tháng 8-2021 là 57.226 tấn, sản lượng thu hoạch dự kiến từ tháng 9 đến 12-2021 khoảng 256.000 tấn nên nguồn cung dư so với nhu cầu tiêu dùng.

Riêng đối với nhóm hàng công nghệ phẩm tiêu dùng (đường, sữa, nước mắm, nước tương, bột nêm, bột ngọt, mì gói, phở, cháo, dầu ăn; muối…), Sở Công thương Tiền Giang cho biết, hiện nay nguồn hàng đã có sẵn tại các cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh (siêu thị, hợp tác xã, công ty, cửa hàng bách hóa…). Các sản phẩm này hoàn toàn phải nhập từ các cơ sở chế biến trong nước (TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh Đồng Nai, Biên Hòa…) do vậy, khi nhu cầu tăng và diễn biến dịch bệnh xấu đi sẽ có kế hoạch dự trữ tăng khoảng 100% - 150% so với nhu cầu khi chưa có dịch. Các mặt hàng này được cung ứng chủ yếu bởi các đơn vị, nhà phân phối trên địa bàn tỉnh như: Siêu thị Go!Mỹ Tho, Co.opmart Mỹ Tho, Co.opmart Gò Công, Co.opmart Cai Lậy, hệ thống cửa hàng tiện ích, các chợ truyền thống và các cửa hàng bách hóa bán lẻ trên địa bàn tỉnh.

Để chủ động nguồn cung hàng hóa thiết yếu phòng khi dịch bệnh gia tăng, đồng chí Đặng Văn Tuấn cho biết, Sở Công thương đã làm việc với các siêu thị, hợp tác xã, công ty chuyên danh. Theo đó, Sở Công thương đề nghị các đơn vị, doanh nghiệp tăng năng lực kinh doanh gấp 8 - 10 lần, đồng thời sẵn sàng ưu tiên cung ứng hàng hóa vào các địa bàn bị phong tỏa  theo yêu cầu hoặc thông tin chỉ dẫn của Sở Công thương. Qua khảo sát và làm việc với một số doanh nghiệp đầu mối lớn trên địa bàn tỉnh cho thấy các đơn vị luôn sẵn sàng cung ứng đủ nhu cầu để phục vụ người dân khi có các tình huống dịch diễn ra.

A.PHƯƠNG

.
.
.