Tìm cách "hạ nhiệt" giá thức ăn chăn nuôi
Đóng gói sản phẩm tại nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi của Công ty De Heus. |
Từ tháng 11/2020 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi (TĂCN) liên tục tăng trong khi giá một số sản phẩm chăn nuôi có dấu hiệu giảm sâu, khiến người chăn nuôi lao đao. Vậy giải pháp nào để có thể “hạ nhiệt” giá TĂCN, gỡ khó cho các hộ chăn nuôi, đồng thời góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển trong thời gian tới?
Các doanh nghiệp sản xuất TĂCN gồm Công ty TNHH thức ăn chăn nuôi Kyodo Sojitz (KSF), Công ty TNHH CJ Vina Agri, Công ty De Heus... đã tăng giá TĂCN từ tháng 8/2021. Các chuyên gia chăn nuôi cho rằng, nguyên nhân chính khiến giá TĂCN tăng mạnh là bởi sản xuất phụ thuộc phần lớn vào nguyên liệu nhập khẩu từ các quốc gia khác. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nguồn nguyên liệu TĂCN này hiện giờ cũng khan hiếm.
Ngoài ra, các chi phí liên quan như phí vận chuyển quốc tế, phí kho bãi tại cảng nhập, phí vận chuyển (phí logistics) trong quá trình phân phối lưu thông trong nước cũng tăng. Trên thế giới, bình quân chi phí logistics chiếm khoảng 5% giá thành TĂCN, còn ở nước ta là hơn 10%, bởi hệ thống hạ tầng kho bãi tại cảng chưa đáp ứng được, việc vận chuyển chủ yếu bằng đường bộ, đường sắt cho nên công suất thấp, phí lại cao, trong khi vận chuyển bằng đường biển tiết kiệm chi phí lại không được quan tâm nhiều.
Thực tế, chúng ta chưa chủ động được nguồn nguyên liệu TĂCN trong nước. Mỗi năm, Việt Nam phải nhập khoảng 9,5 triệu tấn ngô, bốn triệu tấn khô dầu đậu tương, gần hai triệu tấn lúa mì và cám các loại... Đơn cử như ngô của nước ta nhiều năm qua năng suất chỉ đạt từ 5 đến 6 tấn/ha, trong khi ngô của Mỹ năng suất là hơn 10 tấn/ha, chất lượng tốt hơn, giá hợp lý hơn.
Bên cạnh đó, vẫn còn số lượng lớn phụ phẩm nông nghiệp (rơm lúa, bã dứa, bã sắn, vỏ điều, vỏ cà-phê...) có thể sử dụng làm TĂCN đang bị lãng phí do công nghệ chế biến tại Việt Nam chủ yếu vẫn là thủ công. Chưa kể ngành sản xuất TĂCN còn một số bất cập cần khắc phục: Công nghệ sản xuất và quản lý TĂCN thiếu đồng bộ, tự động hóa chưa cao, nhất là ở các cơ sở sản xuất nhỏ. Có sự chênh lệch lớn giữa các nhà máy về trình độ quản lý và dây chuyền đầu tư; chi phí sản xuất TĂCN trong nước còn cao.
Nói về việc tăng giá TĂCN, Chi cục trưởng Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn phân tích, thời gian qua, giá TĂCN tăng liên tiếp, mỗi lần từ 300 đến 400 đồng/kg, một con lợn bán ra phải tốn thêm khoảng 400 nghìn đồng tiền cám. Nếu không chủ động được con giống, giá lợn hơi dự kiến tăng lên đến 70 nghìn đồng/kg, còn tự sản xuất được con giống thì giá cũng khoảng 60 nghìn đồng/kg mới là hòa vốn.
Với giá lợn hơi trên thị trường trong tuần đầu tháng 8 dao động ở mức từ 52 nghìn đến 56 nghìn đồng/kg thì nông dân chăn nuôi bị lỗ. Vì vậy, nếu không có giải pháp động viên bà con duy trì sản xuất, hạ giá thành thì nguồn cung thực phẩm tới đây có thể bị ảnh hưởng. Chia sẻ thêm, ông Nguyễn Hưng Thỉnh (Hợp tác xã Sản xuất và Kinh doanh sản phẩm nông nghiệp Phúc Thọ, Hà Nội) cho biết: Nghịch lý ở chỗ giá TĂCN tăng, giá lợn hơi thì cứ giảm, người chăn nuôi bị lỗ, song giá thịt lợn ở các chợ dân sinh, siêu thị vẫn cao, người tiêu dùng chịu thiệt, chỉ có khâu “trung gian” bao giờ cũng được hưởng lợi! (?)
Giá TĂCN tăng mạnh đã làm giảm sức cạnh tranh của một số sản phẩm chăn nuôi trên thị trường. Do vậy, có ý kiến đề xuất nên đưa loại hàng hóa vào diện bình ổn giá. Theo đó, các cơ quan hữu quan cần khẩn trương rà soát và điều chỉnh thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng đối với nguyên liệu chế biến TĂCN và TĂCN. Cùng với đó, theo Phó Cục trưởng Chăn nuôi Tống Xuân Chinh, nên đẩy mạnh các quy trình, công nghệ chế biến phụ phẩm trong ngành trồng trọt, thủy sản để sản xuất ra những sản phẩm thức ăn có thế mạnh trong nước.
Hiện nay, mỗi năm Việt Nam có khoảng 90 triệu tấn phụ phẩm trong nông nghiệp có thể làm TĂCN, vì vậy nên tận dụng triệt để nguồn nguyên liệu này, không để lãng phí. Cân đối giữa diện tích trồng lúa và diện tích trồng ngô, nguồn nguyên liệu chính để làm TĂCN. Có biện pháp hữu hiệu giảm giá thành ngô thương phẩm, thông qua hai yếu tố chính là chi phí canh tác và năng suất để có thể chủ động nguồn nguyên liệu trong nước.
Người chăn nuôi tiếp tục liên kết sản xuất theo chuỗi với các doanh nghiệp sản xuất TĂCN để thu hẹp các khâu “trung gian” nhằm giảm giá TĂCN. Nếu làm đồng bộ, có hiệu quả thì ngành chăn nuôi sẽ nâng cao sức cạnh tranh, dần dần khắc phục việc phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu và TĂCN nhập khẩu từ các nước và có “đất” phát triển tốt.
(Theo nhandan)