.

Chuẩn bị nhân lực sẵn sàng phục hồi hoạt động

Cập nhật: 10:42, 30/09/2021 (GMT+7)

 

a
Đóng gói gạo xuất khẩu tại Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ). Ảnh: VŨ SINH

Dịch Covid-19 hiện đã và đang từng bước được kiểm soát tại các tỉnh, thành phố phía nam. Trong điều kiện đó, các doanh nghiệp nông nghiệp cũng tập trung mọi nguồn lực, chuẩn bị tốt nhất cho việc phục hồi sản xuất với kịch bản thích ứng an toàn và linh hoạt.

Thời gian qua, do dịch Covid-19 bùng phát mạnh nên 19 tỉnh, thành phố phía nam phải thực hiện giãn cách xã hội, kéo theo việc sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp nông nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chính vì vậy, việc các địa phương có kế hoạch mở cửa trở lại nền kinh tế đã tạo ra sự phấn chấn cho các doanh nghiệp với hy vọng sớm khôi phục lại chuỗi sản xuất và cung ứng trong lĩnh vực nông nghiệp.

Sẵn sàng trở lại sản xuất

Ông Nguyễn Lâm Viên - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vinamit cho biết: Khi các tỉnh, thành phố phía nam có chủ trương mở cửa từng bước nền kinh tế thì chúng tôi xác định an toàn là yếu tố quan trọng nhất để phục hồi sản xuất. Chỉ khi mỗi cá nhân an toàn thì cả doanh nghiệp mới an toàn. Từ nhiều tháng nay, công ty đã hỗ trợ công nhân các sản phẩm ăn, uống có giá trị dinh dưỡng cao để bảo đảm sức khỏe, tăng cường sức đề kháng trong mùa dịch. Đồng thời, dồn kế hoạch sản xuất về nhà máy ở các tỉnh để vừa tận dụng nguồn nhân lực địa phương, vừa giúp nhân viên ổn định công việc nhưng vẫn sinh hoạt cùng gia đình tại quê nhà.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến, phân phối, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt liên quan đến lĩnh vực thủy sản - ngành hàng chịu tác động nặng nề trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, Công ty cổ phần RYNAN Technologies Vietnam cũng sớm có giải pháp thích ứng Covid-19. Ông Nguyễn Thanh Mỹ - Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cho biết: Hiện chúng tôi đã có hệ thống giám sát tự động đo thân nhiệt dùng tia laser hồng ngoại kết hợp phần mềm chấm công và nhận diện khuôn mặt đặt tại cửa ra vào công ty để phát hiện người có triệu chứng nóng sốt hơn 38°C. Bên trong phân xưởng làm việc cũng lắp đặt một hệ thống như thế. Nếu phát hiện, hệ thống sẽ báo ngay đến bộ phận bảo vệ và y tế của công ty tiến hành cách ly, xét nghiệm nhanh để kịp thời ứng phó. Đồng thời, công ty cũng xây dựng mô hình “2 xanh, 1 sạch” (nhà xưởng xanh, chỗ ở xanh, nhân viên sạch). Từ đó nâng cao ý thức phòng, chống dịch cho công nhân. “Đã đến lúc chúng ta phải chấp nhận Covid-19 trở thành một “thành viên mới” trong gia đình doanh nghiệp, để có giải pháp thích ứng phù hợp. Đối với việc thực hiện “ba tại chỗ” cũng vậy, rất tốn kém, nhưng không thực hiện thì còn tốn kém hơn nữa do các hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ hoàn toàn” - ông Nguyễn Thanh Mỹ nêu quan điểm.

Trong khi đó, để nâng cao sức khỏe lao động trong mùa dịch, Tập đoàn Lộc Trời tập trung cung cấp các suất ăn đầy đủ dưỡng chất cho công nhân. Trong thời gian thực hiện sản xuất “ba tại chỗ”, Tập đoàn Lộc Trời cũng sắp xếp các hình thức sinh hoạt ngoài giờ như trồng rau, câu cá vào buổi tối trong khuôn viên nhà máy, đáp ứng nhu cầu thư giãn sau giờ làm việc và có phòng xông hơi khử độc phục vụ cán bộ, nhân viên. Đối với sản xuất, khu vực làm việc ở các nhà máy đều được phân chia thành các tiểu khu và tạo lối đi riêng cho từng khu nhằm hạn chế tiếp xúc, bảo đảm an toàn.

Tìm cơ hội trong thách thức

Những tác động của dịch Covid-19 đối với doanh nghiệp trong thời gian vừa qua là vô cùng nặng nề. Báo cáo mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, tám tháng đầu năm 2021, có 85.508 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tăng 24,18% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, có 43.165 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tăng 25,89%; 30.147 doanh nghiệp tạm ngừng chờ giải thể, tăng gần 24,50%; và 12.196 doanh nghiệp đã giải thể, tăng 17,81%. Doanh nghiệp nông nghiệp cũng không nằm ngoài “guồng quay” đó. Tổng Giám đốc Công ty TNHH Cỏ May Phạm Minh Thiện nhìn nhận: Suốt thời gian giãn cách xã hội, doanh nghiệp như một “chiếc lò xo” bị nén lại, nên thời gian tới cần giải pháp để “bật dậy” thay vì chịu gãy luôn. Theo đó, trong số các loại hình kinh doanh, công ty chọn ra nhóm sản phẩm có nhu cầu cao nhất của thị trường thời điểm hiện tại để phát triển, lấp chỗ trống cho những phân khúc đang bị đứt gãy. Với Công ty TNHH Cỏ May, nhóm sản phẩm thức ăn thủy sản đã tăng thị phần đáng kể trong thời gian giãn cách. Để tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, hiện công ty đã lên phương án hoạt động theo mô hình “bong bóng”, có thể hiểu đơn giản là chia nhân viên thành các nhóm, hay còn gọi là các “bong bóng”, và trong quá trình lao động, sản xuất, những người này hoàn toàn không tiếp xúc với các đồng nghiệp bên ngoài “bong bóng” của họ. Công ty dự kiến chia bộ phận sản xuất thành ba ca độc lập, mỗi ca lại chia thành nhiều nhóm để hạn chế tiếp xúc.

Bên cạnh nỗ lực bền bỉ để “chớp” lấy khoảng trống thị trường mà Covid-19 vô tình tạo ra, một số doanh nghiệp cũng tìm thấy cơ hội phát triển ngay trong thách thức về nguồn nhân lực. Dù biết không dễ gì gọi lại đủ một lượng lớn lao động đã tạm nghỉ việc hoặc nghỉ hẳn để trở về quê nhà, ông Nguyễn Thanh Mỹ - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần RYNAN Technologies Vietnam lại có góc nhìn đầy hy vọng: Để hoạt động lại 100% công suất, công ty cần gọi lại khoảng 450 lao động. Đây là việc rất khó khăn nhưng chúng tôi xác định xu hướng dịch chuyển lao động sau dịch Covid-19 là tất yếu. Doanh nghiệp cần dựa vào đó để xây dựng lại chiến lược nhân sự trong bối cảnh dịch bệnh. Công ty chúng tôi đặt tại Trà Vinh, nên khi nhiều lao động từ Trà Vinh về quê hương và không trở lại thì ngược lại cũng có nhiều lao động từ các tỉnh khác trở về Trà Vinh và ở lại, trong đó có nhiều lao động về từ TP Hồ Chí Minh. Đây có thể là cơ hội để doanh nghiệp có thêm lượng lao động tay nghề cao; đồng thời cũng mở ra hướng phát triển cho doanh nghiệp trong việc tạo ra những sản phẩm mới từ những lao động lành nghề mới. Nên suy nghĩ một cách lạc quan thì Covid-19 cũng là cơ hội để doanh nghiệp sàng lọc lao động và làm mới hoạt động sản xuất của mình.

Có thể thấy, các doanh nghiệp hiện đều đã sẵn sàng tái khởi động và tăng tốc sản xuất. Tuy nhiên, để làm được điều này thì ngoài quyết tâm của doanh nghiệp, còn cần sự chung tay của chính quyền địa phương. Theo Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, các địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi, chủ động hơn cho doanh nghiệp trong công tác phòng, chống dịch để ổn định sản xuất; Nghiên cứu giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp thu hút lực lượng lao động quay trở lại làm việc. Điều quan trọng nữa là các quy định về phòng, chống dịch cũng như lộ trình nới lỏng giãn cách, mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế cần có sự phối hợp, thống nhất giữa các địa phương để doanh nghiệp lên phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp, hạn chế thấp nhất rủi ro về đi lại, vận chuyển, lưu thông hàng hóa. Về vấn đề vắc-xin cho lao động ngành nông nghiệp, Thứ trưởng Trần Thanh Nam yêu cầu các địa phương tập hợp sớm các đề xuất và có văn bản để gửi tới Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, nhằm kịp thời điều động nguồn cung.

Tất cả những điều đó là nhằm vực dậy năng lực sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp - một trong những nhân tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội ở mỗi địa phương.

Theo nhandan.vn

 

.
.
.