.

Tiền Giang: Trong khó khăn, mở ra cơ hội mới

Cập nhật: 10:10, 27/09/2021 (GMT+7)

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, lây lan nhanh, đã tác động không nhỏ đến tình hình sản xuất, lưu thông, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản của tỉnh Tiền Giang, nhất là tại các khu vực, địa phương áp dụng giãn cách xã hội. Nhiều mặt hàng nông sản tồn đọng, giá giảm sâu, một số hàng hóa và chuỗi sản xuất đứt gãy ảnh hưởng không nhỏ tới nguồn cung trong thời gian qua. Tuy nhiên, trong giai đoạn khó khăn cũng mở ra nhiều cơ hội kinh doanh mới.

NHIỀU THÁCH THỨC

Sức càn quét dữ dội của SARS-CoV-2 thời gian qua đã để lại nhiều hệ lụy, đáng kể nhất là tác động đến tình hình sản xuất, tiêu thụ nông sản của nhiều tỉnh, thành phía Nam, trong đó có Tiền Giang. Nhận định chung về vấn đề này, Quyền Giám đốc Sở Công thương Đặng Văn Tuấn cho biết, nhiều mặt hàng nông sản vẫn còn gặp khó khăn, kể cả xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. Qua khảo sát, nông sản ngoài tiêu thụ nội địa, phần lớn xuất khẩu qua thị phần Trung Quốc… nhưng kể từ khi bắt đầu xảy ra dịch bệnh, việc đi lại khó khăn, lượng tiêu thụ trên thị trường cũng giảm, nên chắc chắn giá sẽ không cao.

Thay đổi phương thức kinh doanh để phù hợp với diễn biến của thị trường là mục tiêu nhiều doanh nghiệp đang hướng đến.
Thay đổi phương thức kinh doanh để phù hợp với diễn biến của thị trường là mục tiêu nhiều doanh nghiệp đang hướng đến.

Mặt khác, trong điều kiện kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh, tùy thuộc từng chủng loại nông sản mà việc di chuyển giữa các vùng của người nông dân và thương lái gặp khó khăn khác nhau. Chẳng hạn như, trên địa bàn huyện Châu Thành và Chợ Gạo vừa qua, có những thời điểm các tiểu thương, thương lái, đội thu hoạch nông sản dừa bị nhiễm Covid-19 khiến nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh càng thắt chặt công tác quản lý, do đó đầu ra nông sản tiếp tục gặp khó.

Đặc biệt, đối với đơn vị sản xuất, hộ sản xuất nhỏ lẻ phải thông qua thương lái đi thu gom hàng thì khó càng thêm khó. Đồng thời, trong tình hình hiện nay, việc thương lái đi lại khó khăn, chi phí tăng cao thì việc giá thu mua nông sản của nông dân thấp cũng là điều tất yếu.

Khó khăn không chỉ với người nông dân mà còn đối với các cơ sở kinh doanh. Chuỗi cung ứng hàng hóa trong thời gian dịch bệnh diễn ra cũng bị ảnh hưởng rất lớn. Anh Nguyễn Thành Trung, đại diện cơ sở thu mua Song Toàn Phát cho biết, cơ sở của anh thu mua mít và thanh long trên địa bàn các tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp, Long An và Tiền Giang, nên việc thực hiện liên kết và tiêu thụ trái cây xuất khẩu ở các địa phương trong thời điểm thực hiện giãn cách xã hội gặp rất nhiều khó khăn.

Thực tế vừa qua cho thấy, nhu cầu của khách hàng nước ngoài đang tăng, sản lượng trái cây của các tỉnh miền Tây cũng rất lớn, nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu qua biên giới lại vướng ở khâu thu mua, sơ chế, vận chuyển. Cụ thể, để có thể duy trì hoạt động trong gần 2 tháng qua, cơ sở tạm đóng kho thu mua thanh long ở huyện Chợ Gạo, bố trí cơ sở sản xuất, kinh doanh tại huyện Cai Lậy bằng phương thức “3 tại chỗ” theo quy định nhưng cũng duy trì được 40% công suất hoạt động.

Bên cạnh đó, thương lái thu mua tận vườn còn phải tuân thủ thời gian giới hạn ra đường, thực hiện việc xét nghiệm Covid-19… khiến sản lượng trái cây thu mua tập kết về kho không kịp cho những chuyến hàng tiêu thụ của cơ sở.

CƠ HỘI MỚI

Trước thực tế hiện nay, có thể nói, bức tranh về tình hình doanh nghiệp trên thị trường, nhất là trên lĩnh vực tiêu thụ nông sản, cũng phản ánh rõ nét các tác động dịch bệnh, với đầy đủ “gam màu” khác nhau, có tiêu cực và cả tích cực. Theo đó, đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã có nguồn hàng ổn định, có mối liên kết tiêu thụ chặt chẽ, dịch bệnh tạo ra thách thức lớn nhưng cũng mở ra thời cơ mới. Bên cạnh hàng loạt cơ sở đóng cửa, tạm dừng hoạt động do không gánh nổi chi phí và những ảnh hưởng dịch bệnh, thì nhiều đơn vị đã và đang phát huy hiệu quả, khẳng định uy tín và năng lực của mình.

Qua đó, có những đơn vị “nhanh tay” chuyển đổi mô hình, phương thức sản xuất, kinh doanh, góp phần cung ứng kịp thời cho các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện ích… thông qua các túi combo phục vụ cho người dân trong và ngoài khu phong tỏa, giúp ổn định thị trường tiêu thụ cũng như đầu ra nông sản của người nông dân.

Chia sẻ về phương thức kinh doanh trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Giám đốc Công ty TNHH MTV Rau củ quả Minh Long Lê Hữu Trang cho biết, đơn vị nắm lấy thời cơ, dời cơ sở và kho thu mua ra khỏi TP. Mỹ Tho, chấp nhận trả thêm chi phí cho nhân viên về ăn, ở, test nhanh trong những ngày giãn cách xã hội nhằm thích ứng tình hình mới trong 3 tháng qua. Nhờ đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty không những ổn định mà còn vượt mức yêu cầu đặt ra. Bình quân mỗi ngày công ty tiêu thụ dao động từ 10 - 20 tấn, giao đi các thị trường như TP. Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai, Bến Tre…

Tuy đang trong mùa dịch nhưng đối tác mới tìm đến Minh Long khá nhiều, đơn hàng tăng gấp đôi. Đây là tín hiệu vui của công ty cũng như giúp người dân trong vấn đề tiêu thụ nông sản. Không dừng lại ở phương diện trên, công ty còn phối hợp Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Tiền Giang vận chuyển trên 25 tấn nông sản theo yêu cầu, góp phần cung ứng nông sản cho người dân gặp khó khăn.

Thay đổi phương thức kinh doanh phù hợp với diễn biến thị trường là điều mà các doanh nghiệp cần phải tính toán hướng đến. Anh Lê Hữu Trang cho biết thêm, có thể nói, để biến thách thức thành cơ hội cần có sự thay đổi về tư duy kinh doanh, bởi hiện có rất nhiều mặt hàng nông sản có thể tiêu thụ rất tốt qua các kênh bán hàng online.

Qua hình thức kinh doanh này nhiều doanh nghiệp có thể phục vụ người tiêu dùng ngay trong mùa dịch diễn biến phức tạp. “Để phù hợp với tình hình thực tế và xu hướng vận động của thị trường, công ty đang định hướng phát triển theo phương thức đặt hàng gói combo “nông sản sạch” đến tận tay hộ gia đình, người tiêu dùng qua đường hotline. Gói combo đảm bảo cung cấp nông sản sạch, đủ dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe cũng như cam kết của công ty chúng tôi với Tổ Công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn” - anh Trang khẳng định.

Đánh giá một cách tổng quát hơn và nhìn từ thực tiễn, Quyền Giám đốc Sở Công thương Đặng Văn Tuấn cho rằng, việc sản xuất theo thời vụ, phụ thuộc thương lái, sản xuất ra chưa biết bán ai, nhu cầu thị trường thế nào, đang bộc lộ nhiều khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ nông sản. Tất nhiên, sản xuất theo chuỗi liên kết, bao tiêu sản phẩm và thị trường xuất khẩu là giải pháp không mới nhưng vẫn phát huy tốt hiệu quả.

Thực tế cho thấy, chủ động tạo ra lượng hàng hóa lớn, chất lượng đồng đều kết hợp với lực lượng kết nối chuyên nghiệp sẽ tạo ra phương thức làm ăn bài bản, góp phần xây dựng tính ổn định thị trường, đảm bảo cung và cầu hàng hóa. “Trong khả năng cho phép, Sở Công thương và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương cố gắng kết nối với nhiều đơn vị, điểm thu mua ở những thị trường lớn nhằm góp phần giải quyết bớt khó khăn cho người nông dân do tác động của dịch bệnh như hiện nay” - đồng chí Đặng Văn Tuấn cho biết thêm.

A.P - T.L

.
.
.