Những khó khăn cần tháo gỡ
Hiện nay, việc kiểm soát phòng, chống dịch bệnh đối với phương tiện vận tải chở hàng hóa, nông sản ra vào địa bàn tỉnh Tiền Giang và các điểm tập kết hàng hóa không đúng quy định vẫn còn những khó khăn cần tháo gỡ.
KHÓ KIỂM TRA, KIỂM SOÁT PHƯƠNG TIỆN VẬN TẢI
Ghi nhận sau 20 ngày Tổng cục Đường bộ Việt Nam đưa vào thực hiện kê khai thông tin Giấy nhận diện phương tiện để nhận biết phương tiện vận tải hàng hóa thông qua mã QR Code “luồng xanh” (mã QR) bằng tự động trên phần mềm (không qua phê duyệt của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) các tỉnh, thành) nên việc lưu thông hàng hóa, nông sản trở nên thông suốt hơn; đồng thời, xóa bỏ cơ chế xin cho, ngăn ngừa tiêu cực trong việc cấp Giấy nhận diện phương tiện. Tuy nhiên, thực tế lại nảy sinh nhiều bất cập, gây khó khăn trong công tác kiểm tra, kiểm soát phương tiện của các địa phương…
Số lượng thương lái tập kết nông sản và hàng hóa tại điểm tập kết trung chuyển Lộc Mai (huyện Châu Thành) chưa nhiều. |
Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang Nguyễn Hồng Thanh cho biết, những hạn chế của phần mềm mới mà Tổng cục Đường bộ Việt Nam đưa vào thực hiện kê khai thông tin để nhận diện phương tiện vận tải hàng hóa thông qua mã QR Code “luồng xanh” (mã QR) như định dạng biển số phương tiện không thống nhất dẫn đến một phương tiện nộp hồ sơ nhiều lần gây khó khăn khi kiểm tra.
Bên cạnh đó, không kiểm tra phân loại được phương tiện nào được cấp Giấy nhận diện phương tiện trong trường hợp chủ phương tiện khai báo không đúng loại phương tiện (những phương tiện không thuộc diện cấp Giấy nhận diện phương tiện như xe con, xe khách, xe bán tải, xe cứu hộ… nhưng phần mềm vẫn tự động phê duyệt).
Ngoài ra, Sở GTVT tỉnh Tiền Giang còn gặp khó khăn khi chưa kiểm tra được phương tiện có thuộc đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô tại Tiền Giang hay không, bởi mặc dù phương tiện mang biển số xe “63” nhưng chuyển về đơn vị quản lý thì có thể thuộc Sở GTVT khác quản lý cấp phù hiệu.
Người ra vào điểm tập kết hàng hóa tại chợ Vĩnh Kim. |
Ngoài ra, công tác kiểm soát phát hiện hàng loạt sai phạm xe mã QR. Trung tá Lê Anh Tuấn, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông đường bộ, Phòng Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh Tiền Giang cho biết, qua kiểm soát phát hiện hàng loạt việc cấp mã QR cho phương tiện nhưng lại không ghi rõ họ tên, địa chỉ của lái xe và phụ xe, số lượng người trên xe, loại hàng hóa vận chuyển.
Nhiều tài xế lợi dụng mã QR để vận chuyển hàng cấm, hàng hóa không có hóa đơn chứng từ, hàng nhập lậu. Đặc biệt, lợi dụng kẻ hở “luồng xanh” (tự khai báo phụ xe) chở người từ vùng dịch về địa phương. Bên cạnh đó, lực lượng còn phát hiện hàng loạt phương tiện không rõ ràng điểm đến, lộ trình lưu thông bất hợp lý (ví dụ có trường hợp 53 lộ trình di chuyển) nhưng lại đúng quy định.
BẤT CẬP ĐIỂM TẬP KẾT HÀNG HÓA
Trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc trung tâm TP. Mỹ Tho hay một số khu chợ phong tỏa, tạm dừng hoạt động thì xuất hiện hàng loạt điểm tập kết hàng hóa mới dọc các tuyến đường, quốc lộ, kể cả bãi đất trống… ở các vùng ven để tiện việc kinh doanh tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
Qua ghi nhận thực tế trên đường tỉnh 866, đường dẫn vào tuyến cao tốc Trung Lương - TP. Hồ Chí Minh (thuộc địa bàn huyện Châu Thành) cho thấy, có các điểm tập kết rau, củ, quả diễn ra việc giao nhận hàng hóa không đảm bảo quy định về khoảng cách, lái xe không ngồi trên cabin hoặc khu vực riêng, không có sự giám sát của địa phương.
Tại các điểm tập kết hàng hóa trên Quốc lộ 50 (đoạn từ đầu ngã 3 giao đường Đinh Bộ Lĩnh đến ngã 3 giao Quốc lộ 1, thuộc địa bàn TP. Mỹ Tho) các hoạt động giao nhận hàng diễn ra nhộn nhịp. Công tác đảm bảo phòng, chống dịch ở các điểm tập kết này diễn ra khá lỏng lẻo. Sự chủ quan này là mối nguy tiềm tàng về dịch bệnh, bởi nếu dịch bệnh xảy ra ở những nơi tập kết, trao đổi hàng hóa thì sẽ rất khó kiểm soát.
Sở GTVT tỉnh Tiền Giang đang xây dựng kế hoạch phục hồi và phát triển vận tải trên địa bàn tỉnh dựa trên cơ sở các kịch bản phục hồi phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, xây dựng những tiêu chí cần thiết làm cơ sở phục hồi từng bước các loại hình vận tải nhằm mục tiêu vừa phát triển kinh tế, vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh. Chủ động điều chỉnh, cập nhật mở rộng phạm vi các tuyến đường bộ để lưu thông vận tải và kết nối giao thông với hệ thống quốc lộ, cao tốc, đường địa phương các tỉnh, thành phố lân cận trên phần mềm của Tổng cục Đường bộ Việt Nam để tạo điều kiện cho các đơn vị vận tải, cá nhân đăng ký “luồng xanh”. |
Trước tình hình trên, đồng chí Nguyễn Hồng Thanh cho biết, hiện Sở GTVT đang hỗ trợ các huyện, thị, thành của tỉnh khảo sát hình thành các điểm giao nhận hàng hóa và kiểm dịch y tế phù hợp nhằm tạo thuận lợi lưu thông hàng hóa, nông sản tại các địa phương; đồng thời, hạn chế lây lan dịch bệnh qua phương tiện và người lái xe.
Cụ thể, tỉnh Tiền Giang đã thiết lập 2 điểm tập kết hàng hóa, nông sản tại điểm trung chuyển Lộc Mai (gần Trạm thu phí Thân Cửu Nghĩa, đường cao tốc Trung Lương - TP. Hồ Chí Minh, thuộc xã Tam Hiệp) và chợ Vĩnh Kim (bến xe cũ) trên địa bàn huyện Châu Thành. Tài xế, người ra vào 2 điểm tập kết hàng hóa này buộc phải test nhanh Covid-19. Đồng thời, từ ngày 15-9, tất cả phương tiện thu mua, vận chuyển, tiêu thụ hàng hóa thiết yếu từ các tỉnh, thành khác vào huyện Châu Thành buộc phải vào 2 điểm tập kết trên, trừ trường hợp người sử dụng phương tiện, người giao nhận hàng hóa đã được xét nghiệm, khử khuẩn tại điểm tập kết cho phép đến giao nhận hàng tại một điểm…
Có thể nói, để kiểm soát tốt tình hình cũng như hạn chế phát sinh dịch bệnh trong quá trình vận chuyển, bốc dỡ hàng hóa trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, thiết nghĩ các địa phương cần sớm vào cuộc chấn chỉnh các điểm tập kết hàng hóa không đúng quy định và có phương án kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ hơn đối với người cũng như phương tiện ra vào các điểm tập kết hàng hóa.
HOÀNG LONG