Tíền Giang: Tín hiệu lạc quan về tiêu thụ nông sản
Mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn đang diễn biến phức tạp nhưng tín hiệu vui là nhiều loại nông sản, trái cây có dấu hiệu quay đầu tăng giá, nông dân khá phấn khởi.
Việc đầu mối ở các thị trường lớn như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương… dần mở cửa trở lại đã góp phần thúc đẩy tiêu thụ lượng lớn hàng nóa nông sản của Tiền Giang.
GIÁ NHÍCH LÊN
Có thể nói, từ khi dịch bệnh diễn ra đến nay, các mặt hàng nông sản đa phần đều rớt giá do các tỉnh, thành thực hiện chủ trương giãn cách xã hội, việc vận chuyển hàng hóa gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, việc tháo dỡ dần các rào cản, tạo “luồng xanh” vận chuyển nông sản, chợ đầu mối ở các thị trường lớn như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương… hoạt động trở lại, giúp cho nhiều mặt hàng nông sản tăng giá, tạo tín hiệu vui cho nông dân vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Ghi nhận thực tế trên địa bàn huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang những ngày gần đây cho thấy, giá ớt đang tăng cao, nông dân ai nấy đều phấn khởi. Ông Nguyễn Văn Cường, xã Bình Ninh cho biết: “Tôi có 3 công ớt, đợt này vừa thu hoạch 3,3 tấn, giá bán dao động từ 25.000 - 30.000 đồng/kg. Được giá như vậy là mừng lắm rồi, bù lại hái mấy đợt trước, bán chỉ được từ 13.000 - 15.000 đồng/kg”. Còn bà Nguyễn Thị Tú, cùng ngụ xã Bình Ninh so sánh: “Ớt có năng suất tốt nhưng rớt giá, bù lại đợt này giá cao chắc 2 công ớt Chánh Tông 04 của gia đình cũng lời được hơn chục triệu đồng”.
Giá ớt đang nhích dần lên, nông dân phấn khởi. |
Khai thông được khâu vận chuyển đã giúp các thương lái, doanh nghiệp khởi động lại hoạt động thu mua, với số lượng tăng cao. Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Ngọc Phát, chủ cơ sở thu mua Bảy Phát (huyện Chợ Gạo) cho biết: Hiện tại, ớt Chỉ Thiên được các tiểu thương, doanh nghiệp thu mua của nông dân khá nhiều, không chỉ phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu dưới dạng trái tươi, mà còn chế biến nhiều sản phẩm để đáp ứng nhu cầu trong và ngoài nước.
Chỉ Thiên là loại ớt được các tiểu thương và doanh nghiệp hiện rất ưa chuộng, bởi trái nhỏ, dài, khi chín có màu đỏ đẹp, bắt mắt, ăn rất cay. Các bạn hàng đi lại tại các chợ đầu mối (Vũng Tàu, Bà Rịa, Hố Nai...) hoạt động trở lại, hy vọng chúng tôi sẽ thu mua giá cao hơn nữa để giúp người nông dân trong mùa dịch này.
Thực tế thời gian gần đây cho thấy, nhiều loại nông sản khác cũng có mức giá tương đối cao. Ghi nhận thời điểm hiện tại, các mặt hàng trái cây như ổi, mít Thái đang được giá. Hiện nay, giá mít Thái được mua từ 14.000 - 34.000 đồng/kg tùy loại; ổi có giá từ 8.000 - 15.000 đồng/kg, trong đó ổi Nữ Hoàng giá khá cao.
Anh Nguyễn Thành Trung, đại diện cơ sở thu mua Song Toàn Phát (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) cho biết, hiện giá mít mua xô tại cơ sở tầm 20.000 đồng/kg. Với mức giá này, nhiều nông dân trồng mít phấn khởi vì giá đã có tăng lên so với trước đây giá mít thấp kéo dài trong thời gian dịch bệnh vừa qua.
“Việc nông sản của chúng ta phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, nên khi các cửa khẩu siết chặt thì lập tức nông sản bị ảnh hưởng. Trong mấy ngày qua, do tình hình dịch bệnh phức tạp nên chỉ có 2 cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh hoạt động làm cho đầu ra nông sản của nông dân và cả thương lái bị ảnh hưởng” - anh Trung chia sẻ thêm.
MỞ RỘNG NHIỀU KÊNH PHÂN PHỐI
Thông tin chúng tôi ghi nhận được, sau thời gian giảm giá do tác động của dịch Covid-19, nhiều loại nông sản trên địa bàn huyện Tân Phước đã có dấu hiệu tích cực hơn. Phó Chủ tịch xã Tân Hòa Đông (huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang) Bùi Kế Bính cho biết, giá khóm đang tăng trở lại, giá thương lái thu mua bình quân khoảng 4.000 đồng/kg và dự kiến sẽ tiếp tục tăng cao khi chợ Bình Điền (TP. Hồ Chí Minh) đã hoạt động trở lại.
Còn mặt hàng khoai mỡ, nhờ dự trữ được lâu, nên 3 tháng nay, thương lái vẫn giữ giá 20.000 đồng/kg. Gần một tháng nữa, người dân bắt đầu vụ thu hoạch rộ, với mức giá giữ như hiện tại hứa hẹn nông dân trồng khoai mỡ của xã Tân Hòa Đông nói riêng và huyện Tân Phước nói chung sẽ thu lãi lớn.
Đa dạng hóa các kênh tiêu thụ cũng là cách kích giá nhiều loại nông sản, nhất là trong giai đoạn khó khăn như hiện nay, trong đó đáng chú ý là kết nối với Tổ Công tác 970 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thông qua hình thức các combo vừa qua.
Mới đây, Tiền Giang được Tổ Công tác 970 giao đơn hàng 23.000 combo, với đơn giá 400.000 đồng cho mỗi combo, gồm nhiều mặt hàng như: Sữa tươi, rau quả, gà, vịt, tôm, cá… và đã kết nối Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Sạch Mỹ Phong thực hiện. Đơn hàng này rất phức tạp và khó, HTX thực hiện được là một nỗ lực rất lớn, khẳng định HTX Tiền Giang đáp ứng được tất cả các đơn hàng combo từ đơn giản đến phức tạp mà Tổ Công tác 970 đã đặt hàng từ trước đến nay.
Đến ngày 17-9, HTX Nông nghiệp Sạch Mỹ Phong đã thực hiện hoàn thành đơn hàng với Tổ Công tác 970, không chỉ góp phần tiêu thụ lượng lớn hàng hóa nông sản, mà còn khẳng định năng lực của HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.
Ngoài gói combo do HTX Nông nghiệp Sạch Mỹ Phong vừa thực hiện xong, theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang) Võ Văn Lập, trước đó đơn vị này cũng đã phối hợp với Tổ Công tác 970 hướng dẫn các HTX tạo combo chào hàng để cung ứng lương thực, thực phẩm cho TP. Hồ Chí Minh. Theo đó, đã hỗ trợ 3 HTX nông nghiệp và 2 công ty với 17 combo chào giá cho các đầu mối tại TP. Hồ Chí Minh, kết quả các HTX đã tiêu thụ được 26.859 combo.
Ngoài ra, đơn vị cũng đã giới thiệu kết nối cung cầu để tiêu thụ rau, củ, quả các loại cho bà con trong vùng cũng như kết nối cung cấp rau, củ, quả, thịt, cá hằng ngày theo dạng combo cho các “vùng xanh”, vùng giãn cách ở TP. Mỹ Tho, TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương… Việc kết nối thông qua nhiều kênh phân phối khác nhau đã góp phần tiêu thụ lượng lớn hàng hóa nông sản trong giai đoạn khó khăn do dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Thông qua nhiều kênh phân phối và những tín hiệu mới từ thị trường tiêu thụ đã cho thấy nhiều thông tin lạc quan hơn đối với tình hình tiêu thụ nông sản trong thời gian tới, góp phần khôi phục sản xuất nông nghiệp và ổn định đời sống người nông dân.
A.P - TUẤN LÂM