.

Hợp tác xã Sơ ri Gò Công Đông: Liên kết sản xuất, không lo đầu ra

Cập nhật: 08:32, 12/10/2021 (GMT+7)

Nhờ liên kết được với doanh nghiệp chế biến các sản phẩm từ trái sơ ri nên nhiều năm qua, Hợp tác xã (HTX) Sơ ri Gò Công Đông (xã Tân Đông, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) luôn ổn định sản xuất, đảm bảo đầu ra cho thành viên.

Ông Nguyễn Văn Trường thu hoạch sơ ri.
Ông Nguyễn Văn Trường thu hoạch sơ ri.

HTX Sơ ri Gò Công Đông được thành lập vào năm 2014 (tiền thân là Tổ hợp tác sơ ri), với chỉ 7 thành viên. Song nhờ liên kết được với doanh nghiệp tiêu thụ trái sơ ri, tạo đầu ra ổn định, nên nhiều nông dân trên địa bàn huyện đã tình nguyện tham gia vào HTX.

Ông Nguyễn Tấn Thủ (xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông) tham gia HTX Sơ ri Gò Công Đông từ lúc mới thành lập. Với 3 công đất trồng sơ ri, nhờ tạo được đầu ra nên nguồn thu nhập cho gia đình ổn định.

Ông Thủ chia sẻ, nhờ có đầu ra nên thu nhập từ trồng sơ ri ổn định hơn so với sản xuất rau màu. 3 công sơ ri, mỗi năm thu hoạch từ 6 - 7 lần, mỗi đợt ông thu lãi khoảng 10 triệu đồng. Ngoài việc tạo đầu ra ổn định, HTX còn cung cấp phân bón, thuốc bảo vệ thực vật với giá gốc, giúp thành viên giảm chi phí, yên tâm sản xuất.

Cách nay khoảng 5 năm, ông Nguyễn Văn Trường (ấp Ông Gồng, xã Tân Đông) chuyển sang trồng sơ ri và tham gia vào HTX Sơ ri Gò Công Đông. Hiện gia đình ông Trường trồng được 2,5 công sơ ri, đang cho trái ổn định. Từ khi chuyển sang trồng sơ ri, cuộc sống gia đình ông sung túc hơn do thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng lúa.

“Trồng sơ ri không tốn công nhiều như trồng lúa, chỉ cực lúc trái chín rộ, phải thuê nhân công để thu hoạch. Mỗi đợt thu hoạch được khoảng 2 tấn, tôi thu được hơn 10 triệu đồng. Mấy tháng nay, dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến việc tiêu thụ nông sản, nhưng trái sơ ri vẫn bán được, như vậy là ổn định quá rồi” - ông Trường cho biết thêm.

Theo ông Huỳnh Văn Linh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX, cây sơ ri phát triển tốt và thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu nên được nhiều người dân vùng Gò Công lựa chọn để trồng. Tuy nhiên, khoảng giai đoạn năm 2010 - 2011, đầu ra của loại trái cây này khá bấp bênh nên nhiều người dân đã phá bỏ vườn sơ ri. Sau khi thành lập, HTX đã liên kết với Công ty TNHH Một thành viên Nichirei Suco Việt Nam (huyện Gò Công Đông) trong việc tiêu thụ trái sơ ri.

Theo đó, HTX và doanh nghiệp thu mua trái sơ ri đã ký kết hợp đồng tiêu thụ đảm bảo lợi nhuận cho nông dân. Hiện nay, HTX sản xuất trái sơ ri theo hướng sạch. Quy trình canh tác được thực hiện theo hướng dẫn từ bộ phận kỹ thuật của đơn vị thu mua. Thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng đảm bảo an toàn sinh học nên chất lượng trái sơ ri luôn được đảm bảo.

Những tháng qua, dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn, nhưng việc tiêu thụ trái sơ ri của HTX không bị ảnh hưởng. Việc thu mua vẫn diễn ra bình thường, giá ổn định, do đó đầu ra luôn được đảm bảo. Trung bình mỗi ngày, HTX thu mua của thành viên khoảng 700 kg sơ ri để cung ứng cho đối tác. Ông Huỳnh Văn Linh cho biết: “Thành viên thu hoạch bao nhiêu sơ ri mang lại HTX cũng thu mua hết, nửa kg cũng bán được. Hiện nông dân không phải lo đầu ra”.

Hiện HTX Sơ ri Gò Công Đông có khoảng 130 thành viên, tại 4 xã trên địa bàn huyện Gò Công Đông. Do nhận thấy lợi ích khi tham gia vào HTX nên hiện có rất nhiều nông dân trồng sơ ri trên địa bàn huyện nộp đơn xin tham gia.

Theo ông Huỳnh Văn Linh, những năm qua, giá sơ ri liên tục duy trì ổn định, đầu ra trái sơ ri được đảm bảo khi tham gia vào HTX, nên nhiều người dân trên địa bàn đã chuyển sang trồng sơ ri. Từ đó, diện tích sơ ri trên địa bàn đã tăng dần trở lại.

Dự kiến, trong thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục phát triển lên khoảng 300 thành viên. Ngoài ra, hiện HTX đang xây dựng vùng sản xuất sơ ri theo chuẩn VietGAP với diện tích khoảng 10 ha để phục vụ cho nhu cầu đa dạng thị trường khi cần thiết.

TRỌNG ĐẠT

.
.
.