.

Nông nghiệp là thước đo sự bền vững của quốc gia

Cập nhật: 14:30, 11/10/2021 (GMT+7)

Sau khủng hoảng tài chính năm 2008 và suy giảm kinh tế trong các năm 2011-2012, một lần nữa, nông nghiệp Việt Nam lại trở thành một “trụ đỡ” quan trọng của nền kinh tế trong đại dịch Covid-19. PV Báo SGGP có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan để hiểu sâu hơn về vị trí, vai trò của ngành nông nghiệp cũng như những góc nhìn, khái niệm mới mẻ cho vấn đề nông nghiệp - nông dân - nông thôn ở nước ta.

a
Nông dân ở ĐBSCL ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để giảm công lao động, giảm giá thành, tăng năng suất. Ảnh: HUỲNH LỢI

Cần thay đổi cách nhìn về nông nghiệp

PHÓNG VIÊN: Thưa Bộ trưởng, một lần nữa nông nghiệp Việt Nam lại được nhắc tới vai trò là “trụ đỡ”, “bệ đỡ” quan trọng của kinh tế - xã hội trong đại dịch. Không chỉ đảm bảo đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu cho gần 100 triệu người, mà nông nghiệp còn trở thành khu vực duy nhất có tăng trưởng dương trong 3 trụ cột công nghiệp - nông nghiệp - xây dựng và dịch vụ. Bộ trưởng nghĩ sao về điều này?

Bộ trưởng LÊ MINH HOAN: Bối cảnh vô cùng khó khăn do đại dịch Covid-19 khiến kinh tế đất nước rơi vào giai đoạn khủng hoảng nhất trong nhiều năm. Tuy nhiên, trước nhiều thách thức, ngành nông nghiệp tiếp tục là “trụ đỡ” của nền kinh tế. Lũy kế 9 tháng năm 2021, tốc độ tăng trưởng đạt 2,74%.

Riêng trong quý 3, mặc dù dịch bệnh diễn ra trên diện rộng tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam, nhưng giá trị gia tăng của ngành vẫn tăng 1,04% so với quý 3-2020. Nguồn cung lương thực, thực phẩm vẫn đảm bảo và góp phần vào an sinh xã hội ở các đô thị lớn trong điều kiện giãn cách xã hội. Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt trên 35,5 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ và dự báo có thể vượt mục tiêu cả năm.

a
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan


Vừa rồi họp Hội nghị Trung ương, rất nhiều đồng chí đến bắt tay tôi, chúc mừng ngành nông nghiệp là trụ đỡ của kinh tế - xã hội trong đại dịch Covid-19. Tôi cũng có viết một bài báo đầy hứng khởi về nội dung này.

Tuy nhiên, sau đó, tôi cũng ngồi nghiền ngẫm, suy nghĩ lại xem khái niệm “trụ đỡ” đã thực sự toát lên hết vai trò, vị trí của ngành nông nghiệp chưa. Nếu cho rằng kinh tế khủng hoảng thì nông nghiệp sẽ làm trụ đỡ thế thì khi kinh tế bình thường, vai trò, vị trí nông nghiệp ở đâu? Trước đây, chúng ta vẫn có câu: “sĩ - nông - công - thương” để xếp thứ tự 1 - 2 - 3 - 4. Tuy nhiên, từ xưa ông bà ta đã có câu “Nhất sĩ, nhì nông/Hết gạo chạy rông/Nhất nông nhì sĩ” để thấy vai trò rất quan trọng của nông nghiệp. Nếu chỉ xem xét nông nghiệp với vai trò trụ đỡ (thứ yếu) thì tôi cảm giác chưa đánh giá hết sức mạnh của nông nghiệp.

Khi tôi còn làm Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, mỗi lần hội nghị, chúng tôi thường mời lên phát biểu đầu tiên là đại diện Bộ KH-ĐT và Bộ Tài chính. Nhìn vào báo cáo, các vị thường kêu, trời ơi sao còn nông nghiệp nhiều quá. Tự nhiên nghe mà xuống… tinh thần! Tại sao chúng ta không nhìn nông nghiệp như một sức kéo để tạo một điểm tựa cho sự phát triển bền vững khi thế giới cũng đang tư duy vậy?

Trong cuốn “Phẩm cách quốc gia” của Nhật Bản đang bán tới mấy triệu bản, họ định nghĩa rằng, phẩm cách quốc gia là đào tạo nhân tài, có nhiều sáng kiến cho thế giới và “ruộng vườn đẹp đẽ”. Tôi thấy lạ khi họ đưa cái khái niệm “ruộng vườn đẹp đẽ” lên thành phẩm cách quốc gia. Điều này khiến chúng ta phải có cách nhìn nhận lại về nông nghiệp.

Trong bài phát biểu tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, Bộ trưởng báo cáo rằng, khi các đô thị lớn thực hiện giãn cách xã hội, nhiều lực lượng lao động cùng lúc trở về quê, nhất thời tạo ra áp lực dịch chuyển, nhưng cũng cho thấy vai trò hậu phương quan trọng của nông thôn. Tại sao?

Khi qua Hàn Quốc, tôi có tham khảo chương trình “Làng mới” đã được coi là di sản UNESCO của họ. Tại một huyện nông nghiệp nằm gần biên giới với Triều Tiên, tôi thấy họ treo câu khẩu hiệu bằng tiếng Hàn: “Nông nghiệp là sinh mạng, nông thôn là tương lai”. Tôi băn khoăn là một nước đứng thứ 12 thế giới về công nghiệp, tiềm lực kinh tế mà lại định vị khẩu hiệu như vậy. Điều này tạo cho tôi rất nhiều cảm xúc và suy nghĩ. Mấy ngày nay, từng dòng người rời thành phố về nông thôn và trên báo có đăng một câu theo tôi là có nhiều cảm xúc: Nông thôn chính là nơi đẩy người dân đi và hiện tại cũng là nơi mà họ đang trở về.

a
Nông dân ĐBSCL gieo sạ lúa bằng máy để giảm công lao động. Ảnh: HUỲNH LỢI

Trong bối cảnh hiện nay, vai trò của nông nghiệp - nông thôn càng khiến chúng ta phải tư duy lại. Trước đây, tôi thường nhìn nông nghiệp chỉ là một ngành kỹ thuật (chăn nuôi, trồng trọt), nhưng sau tôi lại nhìn với góc độ kinh tế. Sau này, tôi cũng không nhìn với góc độ kinh tế nữa mà ở góc độ xã hội.

Nông nghiệp - nông thôn không phải chỉ có những thứ đo lường được (như tăng trưởng GDP) mà có những thứ chúng ta không đo đếm nhưng chính nó đã kích hoạt GDP lên. Theo tôi, nếu công nghiệp - dịch vụ là thước đo sự thịnh vượng của một quốc gia thì nông nghiệp là thước đo sự bền vững của quốc gia đó. Nếu đô thị là thước đo sự văn minh thì nông thôn là thước đo những giá trị truyền thống của dân tộc.

Đưa nông dân gần lại công nhân, giới khoa học

Bộ trưởng nói rằng, trong bối cảnh mới, không nên giữ những cái nhìn mang tính “định kiến” về người nông dân. Vậy cần nhìn nhận như thế nào?

Lâu nay, cách hiểu của chúng ta về nông nghiệp - nông dân - nông thôn cũng chưa chính xác và phù hợp với tình hình, bối cảnh mới. Trên báo chí, tôi thấy nhiều khi chúng ta “bi kịch hóa nông nghiệp, bi lụy hóa nông thôn, bi thương hóa nông dân”. Nhiều khi viết về nông thôn là phải nghèo, với những cảnh từng đoàn người lũ lượt rời bỏ làng quê lên thành phố để kiếm sống.

Theo cách nghĩ của chúng ta thì nông dân là phải một nắng hai sương, làm nông nghiệp mới là nông dân. Trong các chương trình đại hội, lễ kỷ niệm thường tạo hình ảnh công nhân là phải “áo xanh”, còn nông dân là “áo nâu sòng”. Tức là mình đã định hình, cố định luôn trong tâm thức rồi. Nhưng khi tôi ra nước ngoài, vào một trang trại, gặp một người mà không biết ông là nông dân hay nhà khoa học. Tôi thấy ông cầm xẻng ra ngoài đồng, nhưng khi nói chuyện, tư duy của ông như của một nhà khoa học.

Theo tôi, cần phải định hình lại hình mẫu của người nông dân trong giai đoạn mới. Tôi đã đọc hết và đọc nhiều lần Nghị quyết số 26 về nông nghiệp - nông dân - nông thôn thì có từ chúng ta quên không đưa vào là nâng cao “dân trí” cho nông dân. Nhiều năm nay, hầu như chúng ta chỉ tập trung dạy nông dân cách trồng trọt, chăn nuôi thông qua các lớp dạy nghề ở nông thôn, chúng ta cũng đã làm được rất nhiều việc từ Nghị quyết số 26, nhưng còn thiếu việc nâng cao dân trí cho nông dân, đưa nông dân gần lại công nhân, giới khoa học.

Theo Bộ trưởng, có nên giữ chân người nông dân ở lại nông thôn không?

Nhiều năm qua, hàng triệu người dân (trong đó có nông dân) ở đồng bằng sông Cửu Long bỏ lên TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương hoặc người dân ở Nghệ An, Thanh Hóa kéo ra Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên… để làm trong các khu công nghiệp - dịch vụ. Và, những ngày này, họ lại đang rồng rắn kéo về quê. Điều này khiến tôi suy nghĩ về nguyên nhân của việc nhiều người nông dân phải bỏ ruộng, rời làng quê để lên các đô thị.

Theo tôi, có 2 lực tạo dòng người dịch chuyển từ nông thôn về đô thị là lực hút và lực đẩy. Lực hút là các đô thị có nhiều việc làm, tạo ra sinh kế, thu nhập cao hơn. Nhưng còn kèm theo lực đẩy là nếu ở lại nông thôn thì họ không biết làm gì, nên phải kéo lên đô thị. Nhìn về tương lai của nông nghiệp - nông dân - nông thôn, chúng ta phải tính toán những yếu tố nào là lực hút, lực đẩy để có quyết sách phù hợp.

Theo tôi, chỉ giữ chân được một phần, không thể giữ được hết nông dân ở lại làm nông nghiệp. Bởi vì nông thôn còn có nhiệm vụ là nguồn cung lao động cho khu vực đô thị và công nghiệp. Nếu muốn giữ chân lao động ở nông thôn thì phải tạo ra việc làm - dịch vụ đa ngành nghề ở nông thôn. Vừa rồi làm việc với các chuyên gia Trung Quốc thì tôi được biết từ mô hình “xí nghiệp hương trấn”, họ đã phát triển ra mô hình “phi nông nghiệp ở nông thôn”. Tức là ở nông thôn không có nghĩa là phải làm nghề nông mà có thể làm nhiều ngành nghề khác. Điều này buộc chúng ta phải thay đổi cách nhìn mới mẻ hơn về người nông dân, thay đổi các khái niệm trong bối cảnh mới.

Theo sggp.org.vn

 

.
.
.