Sản xuất lúa khu vực Nam Bộ vượt qua khó khăn
Bà con nông dân tỉnh Sóc Trăng thu hoạch lúa hè thu. (Ảnh NGUYỄN PHONG) |
Mặc dù gặp nhiều khó khăn do hạn hán, xâm nhập mặn, ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng với sự chỉ đạo kịp thời của các bộ, ngành, địa phương nên năng suất, sản lượng lúa ở vùng Nam Bộ vẫn đạt kết quả tích cực.
Theo báo cáo của các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) vùng Nam Bộ, sản xuất lúa cả năm 2021 ước diện tích đạt 4.165 nghìn ha, giảm 58,7 nghìn ha, năng suất bình quân ước đạt 61,8 tạ/ha, tăng 2,1 tạ/ha và sản lượng ước đạt 25.734 nghìn tấn, tăng 515 nghìn tấn so với cùng kỳ năm 2020.
Cột mốc mới trong vụ đông xuân
Trong vụ đông xuân 2020 - 2021, toàn vùng Nam Bộ xuống giống gần 1,6 triệu ha dù diện tích giảm 27,9 nghìn ha nhưng năng suất đạt 71,7 tạ/ha, tăng 3,8 tạ/ha, sản lượng 11.450 nghìn tấn, tăng 418 nghìn tấn so với cùng kỳ năm trước.
Theo đánh giá của Cục Trồng trọt, đây là vụ đánh dấu cột mốc mới trong sản xuất lúa ở Nam Bộ khi năng suất tăng cao nhất trong mấy năm trở lại đây.
Để có được kết quả này là do Bộ NN và PTNT, các địa phương đã chủ động xây dựng lịch thời vụ xuống giống sớm nhằm né hạn, mặn. Đồng thời chủ động đưa những loại giống lúa có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất; khuyến khích bà con nông dân đẩy mạnh việc sản xuất lúa theo hướng có liên kết nhằm bảo đảm đầu ra cho sản phẩm…
Đến vụ sản xuất lúa hè thu, khu vực Nam Bộ gieo sạ 1.595 nghìn ha, giảm 15,2 nghìn ha, năng suất ước đạt 56,4 tạ/ha, tăng 1 tạ/ha và sản lượng 8.994 nghìn tấn, tăng 77,7 nghìn tấn so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vùng Đông Nam Bộ gieo sạ 85,6 nghìn ha, vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gieo sạ 1.509 nghìn ha. Điều đáng nói trong vụ sản xuất này gặp rất nhiều khó khăn do dịch Covid-19 nên giá lúa giảm, khó tiêu thụ, ảnh hưởng đến thu nhập của nhân dân.
Vụ thu đông 2021 các địa phương vùng ĐBSCL gieo sạ 714,6 nghìn ha, giảm 9,5 nghìn ha, năng suất ước đạt 56 tạ/ha, tăng 0,4 tạ/ha và sản lượng ước đạt 4.005 nghìn tấn, giảm 22 nghìn tấn. Vụ mùa ở khu vực Nam Bộ diện tích lúa gieo sạ 258,6 nghìn ha, năng suất ước đạt 49,7 tạ/ha, tăng 2,7 tạ/ha và sản lượng 1.286 nghìn tấn.
Giảm giống lúa gieo sạ
ĐBSCL là vùng trọng điểm sản xuất lúa của cả nước và đây cũng là nơi cung cấp lượng gạo chủ yếu phục vụ xuất khẩu. Tuy nhiên, việc sử dụng giống cho gieo sạ ở khu vực này cao hơn ở các vùng khác trên cả nước. Có thời điểm, một số nơi số lượng giống gieo sạ ở đây vào khoảng 150 kg/ha, trong khi ở phía bắc chỉ vài chục kg/ha.
Để khắc phục tình trạng này, từ năm 2016, Bộ NN và PTNT phát động chương trình giảm khối lượng hạt giống lúa gieo sạ/ha ở các địa phương ĐBSCL. Sau một thời gian triển khai, lượng giống gieo sạ hơn 150 kg/ha có chiều hướng giảm, xu hướng sử dụng giống từ 120 đến 130 kg/ha đang được triển khai nhiều tại các địa phương. Ngoài ra, nhiều mô hình giảm lượng giống gieo sạ xuống còn 80 kg/ha có kết quả tốt và đang được tuyên truyền nhân rộng trong sản xuất.
Qua đánh giá, việc thực hiện chương trình giảm giống lúa gieo sạ đã giảm chi phí về giống bình quân hơn 1,1 triệu đồng/ha (85 kg lúa giống), hiệu quả kinh tế cao hơn 5,6 triệu đồng/ha.
Theo Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN và PTNT) Nguyễn Như Cường, sản xuất lúa hè thu, thu đông ở Nam Bộ năm nay chịu nhiều tác động tiêu cực do thị trường tiêu thụ nông sản biến động và có thời điểm bị đứt gãy do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên lúa có lúc gặp khó khăn trong tiêu thụ.
Hơn nữa, giá vật tư phân bón và vận chuyển hàng hóa nông sản tăng đột biến; việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng tuy có hướng tích cực nhưng thiếu bền vững, do tác động nhiều yếu tố nhất là giá cả thị trường và đầu ra sản phẩm; liên kết chuỗi sản xuất chưa bền vững, gặp khó khăn trong bao tiêu sản phẩm đầu ra…
Vụ đông xuân 2021-2022, khu vực Nam Bộ gieo cấy khoảng 1,6 triệu ha lúa. Để bảo đảm kết quả tốt trong vụ sản xuất này, Cục Trồng trọt đề nghị các địa phương cần tập trung đẩy mạnh thực hiện đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; theo dõi chặt chẽ tình hình khí tượng thủy văn, diễn biến nguồn nước để chủ động bảo vệ sản xuất, hạn chế thiệt hại xảy ra.
Bên cạnh đó, có kế hoạch nạo vét kênh mương, kiểm tra, gia cố các tuyến đê bao, bờ bao, các cửa cống ngăn triều cường, mặn và có kế hoạch vận hành các cống ngăn triều kịp thời; chủ động ứng phó khi có hạn, mặn thiếu nước tưới xảy ra vào mùa khô.
Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa sang cây trồng khác hiệu quả cao hơn; nhân rộng các mô hình hiệu quả cao trong sản xuất như: cánh đồng lớn, “3 giảm 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, quản lý dịch hại bằng công nghệ sinh thái; ứng dụng và chuyển giao khoa học kỹ thuật góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất lúa.
(Theo nhandan.vn)