Phát triển vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn
Một vùng trồng thanh long theo tiêu chuẩn Global GAP ở xã Thạnh Tân (huyện Tân Phước). |
Hiện nay, ở một số địa phương, vùng nguyên liệu nông sản phục vụ chế biến và tiêu thụ còn nhỏ lẻ, không theo quy hoạch, thiếu sự liên kết... dẫn đến giá trị cây trồng thấp, sản phẩm không bảo đảm chất lượng phục vụ xuất khẩu. Vì vậy, việc xây dựng vùng nguyên liệu nông sản theo khu vực có tính liên kết sẽ giúp khắc phục được những hạn chế này.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) đang triển khai xây dựng đề án phát triển vùng nguyên liệu phục vụ chế biến và tiêu thụ nông, lâm sản giai đoạn 2021 - 2025. Dự kiến, đề án thực hiện thí điểm trên địa bàn 75 xã, ở 50 huyện của 11 tỉnh với diện tích 158.300 ha. Các đối tượng được tham gia và hưởng lợi trực tiếp là 17 doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nông sản, 250 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp và 185.000 hộ nông dân.
Vai trò của doanh nghiệp, hợp tác xã
Là doanh nghiệp có nhiều năm hoạt động tại tỉnh Sơn La, Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao đã và đang trở thành một trong những đầu tàu, dẫn dắt giúp địa phương phát triển vùng nguyên liệu theo hướng quy mô hàng hóa có sự liên kết. Qua việc liên kết, công ty luôn bảo đảm tiêu thụ hết nông sản với giá cả hợp lý, giúp nâng cao giá trị cây trồng cũng như thu nhập cho người dân.
Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, Giám đốc chi nhánh Sơn La Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ: “Để bảo đảm phát triển vùng nguyên liệu hiệu quả, tỉnh Sơn La đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ tạo điều kiện để công ty hoạt động sản xuất. Hiện tại, công ty đã tạo dựng vùng nguyên liệu xoài, nhãn, bưởi, dứa, ngô ngọt, chanh leo và rau các loại. Riêng vùng nguyên liệu chanh leo, dứa, công ty có khoảng 500 ha. Qua thống kê, vùng trồng chanh leo thu lãi từ 160 đến 200 triệu đồng/ha, dứa lãi 120 đến 150 triệu đồng/ha, vùng trồng rau thu lãi từ 150 đến 200 triệu đồng/ha/năm.
Để đáp ứng được gần 100 tấn sản phẩm phục vụ chế biến, ngoài tập trung phát triển vùng nguyên liệu, công ty còn liên kết các HTX, hộ dân để phát triển thêm 300 ha dứa và 200 ha rau các loại. Hiện nay, công ty đang triển khai xây dựng trung tâm chế biến rau quả tại địa bàn. Dự kiến, khi đi vào hoạt động trung tâm sẽ bao tiêu từ 500.000 tấn đến 700.000 tấn nông sản cho nông dân tỉnh Sơn La. Đồng thời, cam kết với nông dân tại các vùng nguyên liệu là lợi nhuận cao hơn cây trồng truyền thống”.
Công ty TNHH Vinh Hiển là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong việc tạo ra vùng nguyên liệu và thu mua lúa, gạo chất lượng cao ở vùng đất Gò Công (Tiền Giang). Trong những năm qua, doanh nghiệp đã đầu tư các loại máy móc hiện đại, mở rộng nhà xưởng, kho dự trữ và bảo quản. Hiện nay, doanh nghiệp đã liên kết và bao tiêu sản phẩm cho nông dân hơn 400 ha lúa cao sản, lúa chất lượng cao. Giám đốc Công ty TNHH Vinh Hiển Huỳnh Văn Danh cho biết: “Để tạo ra vùng nguyên liệu lúa đặc sản cho vùng đất Gò Công, doanh nghiệp chủ động liên kết với nông dân, HTX trong việc bao tiêu sản phẩm. Từ đó, nông dân có đầu ra ổn định hơn”.
HTX Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) có 100 xã viên, canh tác gần 100 ha thanh long các loại, trong đó có 30 ha đạt chứng nhận Global GAP. Hằng năm, HTX cam kết bao tiêu sản phẩm thanh long cho thành viên HTX và nông dân các xã lân cận cao hơn giá thị trường 20% đến 30% với sản lượng thu mua hơn 500 tấn, trong đó 80% sản lượng xuất khẩu đi nước ngoài. Giám đốc HTX Mỹ Tịnh An Võ Chí Thiện cho biết: “Để bảo đảm vùng nguyên liệu sản xuất hiệu quả và ổn định, cơ quan chức năng đã nâng cấp hệ thống điện giúp người dân xử lý thanh long nghịch vụ nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Đồng thời, các ngành chuyên môn thường xuyên hướng dẫn người dân sản xuất theo quy trình kỹ thuật tiên tiến, kết nối giữa người dân với HTX, doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm”.
Hình thành vùng nguyên liệu theo hướng liên kết
Theo Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Sơn La Hà Như Huệ, thời gian qua, Sơn La đã xây dựng những vùng nguyên liệu nông sản tập trung với quy mô lớn, có đầu ra ổn định. Đến nay, tỉnh đã phân bổ hơn 11 tỷ đồng hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX phát triển liên kết vùng nguyên liệu và chế biến. Cùng với đó, các huyện, thành phố cũng ban hành các chính sách hỗ trợ cho hoạt động này. Việc hình thành vùng trồng lớn giúp thay đổi phương thức sản xuất của người dân, tránh tình trạng được mùa, mất giá.
Bên cạnh đó, còn giúp hình thành hệ thống chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp, HTX với người nông dân. Nói về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Tiền Giang Trần Hoàng Nhật Nam cho rằng, việc hình thành các vùng nguyên liệu quy mô hàng hóa giúp tổ chức lại khâu sản xuất, chú trọng phát triển doanh nghiệp gắn với sản xuất theo chuỗi giá trị; đẩy mạnh ứng dụng quy trình sản xuất theo hướng công nghệ cao…Trên địa bàn đã hình thành những vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản nổi tiếng như xoài cát Hòa Lộc (huyện Cái Bè), sầu riêng Ngũ Hiệp (Cai Lậy), dứa Tân Lập (Tân Phước), thanh long (Chợ Gạo), vú sữa Lò Rèn, bưởi long Cổ Cò… Đến nay, tỉnh đã phát triển vùng nguyên liệu sản xuất và phục vụ xuất khẩu cây ăn quả các loại với hơn 83.000 ha, sản lượng 1,5 triệu tấn/năm, kim ngạch đạt khoảng 20 triệu USD/năm.
Tuy nhiên, do năng lực tài chính của các HTX, doanh nghiệp còn hạn chế, ảnh hưởng đến đầu tư về đất đai, giống, công nghệ… nên khó khăn khi mở rộng vùng nguyên liệu quy mô lớn có sự liên kết. Bên cạnh đó, ở nhiều nơi người dân sản xuất không theo quy hoạch, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn và không theo nhu cầu thị trường dẫn đến cung vượt cầu. Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao Nguyễn Thanh Tùng cho rằng, khó khăn lớn nhất khi thực hiện ở Sơn La vẫn là hệ thống đường giao thông dẫn đến các vùng nguyên liệu ít được đầu tư nên ảnh hưởng đến vận chuyển tiêu thụ sản phẩm; ở một số nơi, vùng nguyên liệu manh mún, nhỏ lẻ và không tập trung nên khó áp dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất...
Theo Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn Lê Đức Thịnh, đề án phát triển vùng nguyên liệu hứa hẹn sẽ hình thành các vùng nguyên liệu lớn, đủ tiêu chuẩn để tạo ra các sản phẩm có giá trị, chất lượng, có liên kết, góp phần nâng cao đời sống người dân thời gian tới. Dự kiến, đề án tập trung thực hiện ở năm vùng là: miền núi phía bắc với 14.000 ha trồng chanh leo, dừa, xoài; vùng duyên hải miền trung với 22.900 ha gỗ rừng trồng chứng chỉ bền vững; vùng Tây Nguyên phát triển cà-phê với 11.200 ha; lúa gạo ở vùng Tứ giác Long Xuyên với diện tích 50 nghìn ha và vùng Đồng Tháp Mười phát triển vùng cây ăn quả, diện tích 60.200 ha. Các địa điểm lựa chọn vùng dự án đều nằm trong quy hoạch vùng trồng, phát triển sản xuất nông nghiệp của địa phương.
Mặt khác, các bộ, ngành, địa phương cần tuyên truyền về định hướng, kế hoạch phát triển từng vùng nguyên liệu; có các chính sách hỗ trợ để người dân tham gia; phát triển các nhóm hộ hợp tác tự nguyện, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, hỗ trợ tiếp cận và áp dụng tiến bộ kỹ thuật, tạo sự liên kết chặt chẽ trong chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ; giảm bớt các khâu trung gian, từng bước gắn kết nông dân trong vùng liên kết với nhau thông qua các tổ hợp tác, HTX, câu lạc bộ để tập hợp sản phẩm với sản lượng lớn đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của doanh nghiệp. Ngoài ra, Nhà nước tập trung phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, bảo đảm lưu thông thuận lợi từ khu vực sản xuất đến thị trường tiêu thụ; khuyến khích Nhà nước và nhân dân cùng làm, phát triển, nâng cấp hệ thống điện; nạo vét các kênh mương dẫn tưới và tiêu thoát nước cho vùng trồng; ưu tiên hoạt động nghiên cứu khoa học đối với từng loại cây trồng…
Theo nhandan.vn