.

Tiền Giang: 20 sản phẩm được phân hạng sản phẩm OCOP đợt 2 năm 2021

Cập nhật: 14:50, 02/11/2021 (GMT+7)

(ABO) Ngày 2-11, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Tiền Giang (gọi tắt là Hội đồng) tổ chức họp đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP đợt 2 năm 2021. Cuộc họp do đồng chí Phạm Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng chủ trì.

Tại cuộc họp, các thành viên của Hội đồng đã đánh giá và phân hạng 21 sản phẩm của các chủ thể sản xuất ở huyện Gò Công Đông (3 sản phẩm), huyện Châu Thành (6 sản phẩm) và TP. Mỹ Tho (12 sản phẩm).

Kết quả, 10 sản phẩm được phân hạng OCOP 4 sao gồm: Yến chưng thượng hạng, Yến chưng đường phèn (nhãn vàng), Yến chưng đường phèn (nhãn đỏ), Yến chưng đường ăn kiêng (nhãn vàng), Yến chưng đường ăn kiêng (nhãn đỏ), Yến chưng đường phèn 18%, Yến chưng đường ăn kiêng 18%, Yến chưng dành cho trẻ em Kids 18%, Yến chưng dành cho trẻ em đặc biệt và cao cấp của chủ thể sản xuất Công ty TNHH TMDV Trí Sơn, TP. Mỹ Tho.

Đồng chí Phạm Văn Trọng phát biểu tại cuộc họp.
Đồng chí Phạm Văn Trọng phát biểu tại cuộc họp.

10 sản phẩn được phân hạng OCOP 3 sao gồm: Rượu đông trùng hạ thảo 29 độ, Rượu yến sâm 29 độ (chủ thể sản xuất Công ty TNHH TMDV Trí Sơn, TP. Mỹ Tho); mít Thái sấy thăng hoa, bánh flan sữa dê tươi, yaourt sữa dê tươi, yaourt sữa dê sấy, yaourt sữa dê trái cây sấy khô (sấy thăng hoa), bánh flan sữa dê sấy khô (chủ thể sản xuất Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Đông Nghi, huyện Châu Thành); cải ngồng (chủ thể sản xuất HTX Rau an toàn Bình Nghị, huyện Gò Công Đông); cải chua (chủ thể sản xuất Cơ sở sản xuất Cải chua Thanh Quí, huyện Gò Công Đông).

Còn lại là sản phẩm nước tương Tamari Nguyên Dương (chủ thể sản xuất Cơ sở sản xuất nước tương Thuần Chay, huyện Gò Công Đông) chưa được phân hạng và sẽ được Hội động tiếp tục đánh giá trong thời gian tới.

Các thành viên Hội đồng làm việc tại cuộc họp.
Các thành viên Hội đồng làm việc tại cuộc họp.

Phát biểu đại cuộc họp, đồng chí Phạm Văn Trọng đánh giá cao các chủ thể sản xuất đã tâm huyết thực hiện những ý tưởng sản xuất sản phẩm. Trong thời gian tới, các chủ thể sản xuất, cơ quan liên quan và Hội đồng tiếp tục nghiên cứu giải pháp để ngày càng có thêm nhiều sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP; góp ý để các chủ thể có thể tăng giá trị gia tăng của các sản phẩm, mở rộng hơn nữa vai trò vị trí giữa các HTX với các doanh nghiệp.

Các sản phẩm OCOP phải gắn liền với việc tiêu thụ nguồn nguyên liệu tại địa phương và đa dạng. Các sản phẩm OCOP hướng tới phục vụ nhiều thị trường, nhiều đối tượng. Các sở, ngành liên quan phải tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP theo tiêu chuẩn cố định, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường; đẩy mạnh quảng bá, tuyên truyền quảng cáo sản phẩm…

CAO THẮNG

.
.
.