.

Đến lượt FUTA Group muốn đầu tư đường cao tốc An Hữu- Cao Lãnh

Cập nhật: 22:30, 17/12/2021 (GMT+7)

Sau Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả (DEOCA Group), Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng Phương Trang thuộc Công ty cổ phần đầu tư Tập đoàn Phương Trang (FUTA Group) cũng vừa đề xuất đầu tư tuyến cao tốc An Hữu- Cao Lãnh nối tỉnh Tiền Giang với Đồng Tháp theo hình thức đối tác công tư (PPP).

FUTA Group muốn đầu tư cao tốc An Hữu- Cao Lãnh. Ảnh: dongthap.gov.vn
FUTA Group muốn đầu tư cao tốc An Hữu- Cao Lãnh. Ảnh: dongthap.gov.vn

Thông tin nêu trên được đưa ra tại buổi làm việc của UBND tỉnh Đồng Tháp với Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng Phương Trang, diễn ra chiều 16-12.

Tại buổi làm việc, ông Lưu Xuân Thuỷ, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng Phương Trang, cho biết đơn vị này đã nghiên cứu phương án giảm vốn ngân sách nhà nước khi thực hiện dự án theo hình thức PPP. “Nếu được UBND tỉnh chấp thuận về chủ trương, công ty sẽ lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi”, ông cho biết.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc An Hữu – Cao Lãnh với chiều dài khoảng 28 km, có quy mô 4 làn xe (ở giai đoạn 1), là đoạn tuyến nằm trong tuyến cao tốc Hồng Ngự -Trà Vinh. Dự án cao tốc An Hữu- Cao Lãnh được đề xuất đầu tư theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT (xây dựng- kinh doanh- chuyển giao) với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 6.944 tỉ đồng, trong đó, đề xuất ngân sách nhà nước hỗ trợ 50%, tức 3.472 tỉ đồng.

Tuyến cao tốc An Hữu- Cao Lãnh khi hoàn thiện sẽ kết nối các tuyến quốc lộ 1, cao tốc Bắc – Nam phía Đông (cao tốc TPHCM – Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ – Cà Mau), cao tốc Bắc- Nam phía Tây (đường N2 – Mỹ An – Cao Lãnh – Lộ Tẻ –Rạch Sỏi).

Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng Phương Trang cũng đề xuất UBND tỉnh Đồng Tháp thống nhất chủ trương cho đơn vị này nghiên cứu phương án cao tốc An Hữu- Cao Lãnh sẽ kéo dài và kết nối với đường tỉnh 856 (TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), tức kéo dài đoạn cuối tuyến thêm khoảng 4 km.

Trước đó, ông Trần Trí Quang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, đã có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải về việc bổ sung đoạn cuối tuyến dự án cao tốc An Hữu- Cao Lãnh trên địa bàn tỉnh.

Ông Quang cho rằng phương án tuyến ban đầu của dự án, điểm cuối tuyến dừng lại tại điểm giao cắt với tuyến Mỹ An- Cao Lãnh thuộc xã An Bình, huyện Cao Lãnh, tức điểm cuối tuyến chưa kết nối với TP Cao Lãnh, chưa phát huy hết hiệu quả của dự án mang lại.

Chính vì vậy, UBND tỉnh Đồng Tháp đề xuất điều chỉnh điểm cuối dự án kéo dài thêm khoảng 4 km, đến điểm giao với đường tỉnh 856. Trong đó, đoạn đề nghị kéo dài đóng vai trò là đoạn đường dẫn lên cao tốc.

Tuy nhiên, sau đó UBND tỉnh Đồng Tháp và Bộ Giao thông Vận tải đã thống nhất không nối dài tuyến cao tốc An Hữu- Cao Lãnh thêm 4 km.

Liên quan đến dự án này, trước đó Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả (DEOCA Group) cũng đã đề xuất đầu tư theo PPP hoặc đầu tư công kết hợp PPP.

Còn theo tìm hiểu của KTSG Online, chủ đầu tư giai đoạn chuẩn của dự án cao tốc An Hữu- Cao Lãnh là Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận và đơn vị này cũng đã trình Bộ Giao thông Vận tải thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.

(Theo thesaigontimes.vn)

.
.
.