.

Hỗ trợ tiêu thụ nông sản nội địa để giảm áp lực cho xuất khẩu

Cập nhật: 09:45, 13/01/2022 (GMT+7)

Cục Xúc tiến thương mại chủ động đẩy mạnh các biện pháp xúc tiến thương mại, tăng cường kết nối tiêu thụ nông sản cho các địa phương; hỗ trợ thương nhân tiêu thụ nông sản qua kênh thương mại điện tử.

aaa
Công đoàn Hưng Yên tiêu thụ nông sản ùn tắc tại cửa khẩu Lạng Sơn. (Ảnh: Đinh Tuấn/TTXVN)

Nhằm tăng cường hỗ trợ tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước, giảm áp lực cho thị trường xuất khẩu, Bộ Công Thương vừa ban hành Chỉ thị số 14/CT-BCT yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp khẩn trương thực hiện các giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nội địa.

Đẩy mạnh kết nối

Chỉ thị 14/CT-BCT nêu rõ, Vụ Thị trường trong nước có trách nhiệm phối hợp Cục Xúc tiến thương mại và các đơn vị đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản của các địa phương tại thị trường trong nước thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu.

Bên cạnh đó, tăng cường ứng dụng thương mại điện tử trong tiêu thụ nông sản để giảm áp lực cho thị trường xuất khẩu hiện đang gặp khó khăn do chính sách điều tiết cửa khẩu của một số nước có biên giới với Việt Nam.

Ngoài ra, Vụ Thị trường trong nước còn có trách nhiệm làm đầu mối, phối hợp các đơn vị của bộ chỉ đạo, hỗ trợ hệ thống phân phối tăng lượng tiêu thụ nông sản an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh trong hệ thống.

Đồng thời, phối hợp Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đẩy mạnh triển khai các hoạt động kết nối thương mại điện tử, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, hợp tác xã ứng dụng thương mại điện tử để phân phối và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa nông sản…

Cũng tại Chỉ thị 14/CT-BCT, Cục Xúc tiến thương mại chủ động đẩy mạnh các biện pháp xúc tiến thương mại, tăng cường kết nối tiêu thụ nông sản cho các địa phương; hỗ trợ thương nhân đẩy mạnh tiêu thụ nông sản qua kênh thương mại điện tử.

Đặc biệt, ưu tiên, bố trí nguồn kinh phí xúc tiến thương mại hàng năm cho các ngành hàng nông, thủy sản tại Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia của Chính phủ.

Hỗ trợ tư vấn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hiệp hội ngành hàng trong việc xây dựng, phát triển và quản trị thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận của các sản phẩm đặc sản vùng miền…

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ là đầu mối chủ trì chỉ đạo, hướng dẫn các sàn giao dịch thương mại điện tử tạo điều kiện cho người bán, thương nhân kinh doanh nông sản tham gia sàn, đào tạo kỹ năng và vận hành hoạt động kinh doanh trực tuyến, hỗ trợ vận chuyển, thanh toán trực tuyến.

Mặt khác, hỗ trợ và ưu tiên các thương nhân kinh doanh nông sản tham gia các Chương trình ngày mua sắm trực tuyến; gian hàng Việt trực tuyến quốc gia…

Gỡ khó cho xuất khẩu

Bên cạnh việc đẩy mạnh tiêu thụ nội địa, việc xuất khẩu hàng hóa cũng tiếp tục được chú trọng; trong đó, Cục Xuất nhập khẩu có trách nhiệm phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và đơn vị liên quan tại Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 21 tháng 9 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Ngoài ra, phối hợp với Vụ Thị trường châu Á-châu Phi, Thương vụ/Chi nhánh Thương vụ của Việt Nam tại Trung Quốc, Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ tìm hiểu, cập nhật và tổng hợp thông tin về tình hình sản xuất, nhu cầu/thị hiếu tiêu dùng, nhập khẩu, đánh giá nguồn cung... hàng tháng.

Đặc biệt, Cục Xuất nhập khẩu là đầu mối chủ trì phối hợp với các địa phương sản xuất hướng dẫn thông tin cho doanh nghiệp xuất khẩu để khuyến khích xuất khẩu chính ngạch qua các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính.

Thanh long đến kỳ thu hoạch tại xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa-Vũng Tàu. (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)
Thanh long đến kỳ thu hoạch tại xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa-Vũng Tàu. (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)

Vụ Thị trường châu Á-châu Phi được giao nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá tác động, hướng dẫn các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp triển khai thực hiện đáp ứng các quy định của phía Trung Quốc tại Lệnh 248, Lệnh 249 có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.

Đáng lưu ý, Vụ này tiếp tục chủ động trao đổi các cơ quan và địa phương phía Trung Quốc về việc mở thêm các cửa khẩu, thông quan cho xuất khẩu nông sản, đặc biệt là rau, trái cây.

Mặt khác, phối hợp chặt chẽ với đơn vị chức năng thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao trong công tác đàm phán quản trị chất lượng để mở cửa thị trường nông sản xuất khẩu; chủ động cung cấp thông tin thị trường khu vực châu Á và châu Phi.

Không những thế, Vụ cũng là đầu mối phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao thúc đẩy mở cửa thị trường nông sản chính ngạch sang Trung Quốc như sầu riêng, khoai lang, chanh leo, na, bưởi, tổ yến, thủy sản…

Đối với Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ chỉ đạo Tham tán Thương mại, Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài phối hợp với Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài chủ động tìm hiểu cập nhật thông tin về tình hình sản xuất, nhu cầu nhập khẩu, thị hiếu tiêu dùng, đánh giá nguồn cung và các quy định liên quan đến nhập khẩu các mặt hàng nông, thủy sản của nước sở tại.

Chủ động kết nối thông tin với các Tham tán Thương mại, Tham tán nông nghiệp của Việt Nam tại nước ngoài để kịp thời xử lý các rào cản kỹ thuật, đàm phán mở cửa thị trường cho các mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam.

Riêng với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm rất lớn trong việc tiêu thụ nông sản. Do đó, Bộ Công Thương yêu cầu các Sở Công Thương cần đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản của địa phương tại thị trường trong nước thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu.

Hơn nữa, các Sở Công Thương phải tăng cường ứng dụng thương mại điện tử trong tiêu thụ nông sản để giảm áp lực cho thị trường xuất khẩu hiện đang gặp khó khăn do chính sách điều tiết cửa khẩu của một số nước có biên giới với Việt Nam.

Ngoài ra, phối hợp với sở, ngành liên quan tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, chế biến, phân phối các mặt hàng nông sản trên địa bàn.

Cùng với đó hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã phân phối mở thêm các điểm bán hàng cố định và lưu động tại các khu công nghiệp, khu đông dân cư để mở rộng thị trường tiêu thụ các mặt hàng nông sản, đồng thời phục vụ tối đa nhu cầu của người dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần.

Hiệp hội ngành hàng cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương chỉ đạo các thành viên hiệp hội tăng khả năng tiêu thụ các mặt hàng nông sản của các địa phương, chủ động tổng hợp, đề xuất các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp phân phối ứng phó kịp thời với những biến động bất thường của dịch COVID-19 để đẩy mạnh hoạt động kinh doanh.

Mặt khác, vận động các thành viên hiệp hội mở thêm các điểm bán hàng cố định và lưu động tại các khu công nghiệp, khu đông dân cư để mở rộng thị trường tiêu thụ các mặt hàng nông sản, kịp thời phục vụ người tiêu dùng trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần.

Đặc biệt, chỉ đạo các thành viên hiệp hội tăng cường thực hiện các phương thức bán hàng trên môi trường số như thương mại điện tử, đi chợ hộ… để phục vụ tối đa nhu cầu nhân dân trong điều kiện thích ứng linh hoạt với dịch bệnh.

(Theo https://www.vietnamplus.vn/ho-tro-tieu-thu-nong-san-noi-dia-de-giam-ap-luc-cho-xuat-khau/767783.vnp)

.
.
.