.

Thông xe kỹ thuật đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận: Hiện thực hóa lời hứa với người dân miền Tây

Cập nhật: 09:19, 20/01/2022 (GMT+7)

Ngày 19-1, UBND tỉnh Tiền Giang phối hợp Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận tổ chức lễ thông xe kỹ thuật đoạn tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Tham dự và cắt băng thông xe có các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; cùng lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương.

Đảm bảo an toàn ngay sau khi thông xe

Phát biểu tại buổi lễ thông xe, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, thông xe tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có ý nghĩa quan trọng cho ĐBSCL. “Nút thắt” quan trọng nhất kết nối TPHCM với miền Tây Nam bộ chính là tuyến cao tốc TPHCM - Cần Thơ, nhưng trong nhiều năm chưa khai thông được. Công trình này kéo dài do nhiều nguyên nhân và đã gây bức xúc cho hơn 20 triệu dân ĐBSCL do ảnh hưởng tiêu cực đến chi phí vận chuyển và trật tự an toàn giao thông. Để thực hiện dự án này, Chính phủ đã có những quyết định táo bạo như thay đổi tổng thầu xây dựng trong lúc dự án đang dở dang, kéo dài rất phức tạp nhiều năm. Chính phủ đã có những cuộc họp hết sức căng thẳng về việc hợp vốn của các ngân hàng. Dự án thành công nhờ ý chí, quyết tâm của cả hệ thống chính trị.

a
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cắt băng thông xe tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Chủ tịch nước nhận định, qua công trình này rút ra vấn đề: không có khó khăn nào chúng ta không vượt qua nếu có ý chí, sự quan tâm chung, đoàn kết phấn đấu từ Trung ương tới địa phương; khả năng tổ chức thực hiện của tỉnh, các đơn vị có liên quan. Chính phủ nhiệm kỳ qua đã vượt qua rất nhiều khó khăn như thiếu vốn, dự án thực hiện theo hình thức BOT nhưng không huy động được nguồn vốn ngân hàng để đầu tư. Chính vì vậy, Chính phủ đã thảo luận bàn bạc và đi đến quyết định, Nhà nước phải hỗ trợ toàn bộ chi phí di dời, giải phóng mặt bằng.

Trong quá trình xây dựng, thiếu vật liệu, nền đất yếu xử lý rất phức tạp, dịch Covid-19 kéo dài suốt thời gian 2 năm khiến dự án có thời điểm ngưng trệ. Nhưng với một ý chí, quyết tâm cao cùng sự chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương đến địa phương, cùng với sự vào cuộc của các nhà khoa học, đơn vị thi công, đã thực hiện đúng lời hứa trước nhân dân ĐBSCL khi đưa công trình vào sử dụng.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, khối lượng công việc còn lại không nhiều nhưng phải tiếp tục nỗ lực hơn nữa để hoàn thành tuyến cao tốc. Sau khi đưa vào khai thác, tiếp tục quản lý tốt công trình, khắc phục những bất cập về chất lượng (nếu có) và đặc biệt, quyết toán, kiểm toán công trình đúng quy định. Đảm bảo an toàn giao thông ngay sau ngày thông xe.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao và cảm ơn 4.000 hộ dân đã di dời, nhường đất cho dự án, đặc biệt không xảy ra khiếu kiện trong quá trình đền bù giải phóng mặt bằng. Thay mặt Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc biểu dương các đơn vị tham gia xây dựng tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận; đặc biệt, biểu dương đơn vị giám sát đã phát hiện những bất cập, giúp các đơn vị thi công và chủ đầu tư kịp thời xử lý chấn chỉnh; biểu dương ban lãnh đạo tỉnh Tiền Giang cùng Chính phủ đôn đốc xử lý những “điểm nghẽn” của dự án; biểu dương Tập đoàn Đèo Cả đã nỗ lực để hoàn thành dự án.

Sớm hoàn thiện các công việc còn lại
 
Trước đó, báo cáo Chủ tịch nước và đoàn công tác Trung ương về quá trình thực hiện dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả Hồ Minh Hoàng cho biết, dự án khởi công tháng 11-2009, sau gần 10 năm đình trệ, đến tháng 3-2019, liên danh các nhà đầu tư đã mời Tập đoàn Đèo Cả tham gia quản trị, điều hành dự án. Sau khi tái khởi động, Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận với sự nỗ lực vượt khó của hàng ngàn cán bộ, kỹ sư, công nhân ngày đêm bám sát và miệt mài thi công công trình bằng tinh thần “3 xuyên” (xuyên đêm; xuyên lễ, tết; xuyên dịch).

Nhân lễ thông xe, Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận kiến nghị Bộ GTVT, UBND tỉnh Tiền Giang sớm giải quyết các vướng mắc kéo dài về việc thu phí của tuyến TPHCM - Trung Lương, đồng thời sử dụng các trạm thu phí sẵn có trên cao tốc TPHCM - Trung Lương (Trạm Chợ Đệm) để tổ chức quản lý thu phí đồng bộ liên thông trên toàn tuyến cao tốc từ TPHCM đến Mỹ Thuận - Cần Thơ. Đồng thời, kiến nghị UBND tỉnh Tiền Giang chủ trì, phối hợp Bộ GTVT, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước, cùng nhà đầu tư lập kế hoạch hoàn thành các công việc tiếp theo, xác định rủi ro tiềm ẩn về kỹ thuật do tác động của biến đổi khí hậu, địa chất phức tạp tại khu vực; những rủi ro về pháp lý và tài chính do nhiều lần thay đổi chủ đầu tư, nhà đầu tư, nhà thầu, để báo cáo Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân khi đưa dự án vào khai thác chính thức.

Tại buổi lễ thông xe tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, ngoài tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, phải tiếp tục triển khai các tuyến cao tốc khác cho khu vực ĐBSCL. Cụ thể, ngành GTVT tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và triển khai ngay tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ dài 46km; phấn đấu cuối năm 2022 hoàn thành toàn tuyến cao tốc TPHCM - Cần Thơ. Đơn vị nào không làm được, thay thế ngay đơn vị khác, dứt khoát không thể để tuyến cao tốc đến Mỹ Thuận tắc lại. Song song đó, tiếp tục khởi công đoạn tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Đặc biệt, sớm triển khai đường ven biển Tây và Đông của Tây Nam bộ. Tiếp tục phát triển hoàn thiện các sân bay, cảng biển, cảng sông, hệ thống logistics cho miền Tây để tạo điều kiện cho vùng lúa, vùng trái cây, vùng thủy sản lớn nhất Việt Nam phát triển mạnh mẽ.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, từ nay tới năm 2025, Đảng và Chính phủ sẽ tập trung đầu tư hạ tầng giao thông cho ĐBSCL. Các bộ ngành, địa phương tổ chức thực hiện nghiêm túc để tạo điều kiện cho Tây Nam bộ phát triển không chỉ về hạ tầng giao thông mà phát triển toàn diện.

a
Tổng hợp: BÍCH QUYÊN - Đồ hoạ: BÍCH TRÂM

Theo sggp.org.vn


 

.
.
.