"Khơi thông" vốn tín dụng cho doanh nghiệp
Để giúp các doanh nghiệp (DN) tháo gỡ khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng nhằm phục hồi sản xuất, kinh doanh (SX-KD) sau đại dịch Covid-19, ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đang triển khai nhiều giải pháp để “khơi thông” nguồn vốn.
Trước tác động của đại dịch Covid-19, các DN trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là về nguồn vốn. Trong giai đoạn khôi phục SX-KD hiện nay, các DN đang rất cần được bơm vốn để tăng tốc.
TÍCH CỰ HỖ TRỢ DN
Thực hiện chủ trương chung của ngành Ngân hàng trong việc hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội năm 2022, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại (NHTM) sẵn sàng đáp ứng nhu cầu vốn để phục hồi kinh tế, chia sẻ khó khăn và đồng hành cùng DN.
Kết quả, đối với chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01/2000, Thông tư 03 và Thông tư 14 của Ngân hàng Nhà nước, đến hết ngày 31-1-2022 các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 4.578 khách hàng với giá trị nợ gốc và lãi được cơ cấu lũy kế từ ngày 23-1-2020 là 2.245 tỷ đồng.
Các ngân hàng thương mại tích cực hỗ trợ doanh nghiệp về tín dụng. Ảnh chụp tại Ngân hàng Vietcombank chi nhánh tỉnh Tiền Giang. Ảnh: ANH THƯ |
Về chính sách giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các TCTD đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 98.000 khách hàng với dư nợ trên 29.272 tỷ đồng. Lũy kế từ ngày 13-3-2020 đến nay, tổng số tiền lãi mà các TCTD đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho khách hàng hơn 370 tỷ đồng.
Riêng chính sách cho vay mới với lãi suất thấp hơn trước khi xảy ra dịch Covid-19, các TCTD đã cho vay mới với doanh số cho vay lũy kế trong năm 2021 khoảng 265 ngàn tỷ đồng. Bên cạnh giảm lãi suất cho vay, NHNN chi nhánh tỉnh cũng đã chỉ đạo các TCTD triển khai giảm các loại phí thanh toán, chuyển tiền... hỗ trợ khách hàng. Hiện có nhiều ngân hàng đã miễn, giảm phí này, mức giảm tối đa lên đến 100%.
Theo đồng chí Nguyễn Thị Đậm, 2 tháng đầu năm nay, hoạt động ngân hàng trên địa bàn ổn định, các chỉ tiêu kinh doanh đạt mức tăng trưởng khá tốt so với cùng kỳ năm trước, tạo thuận lợi cho việc thực hiện các mục tiêu của ngành và hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội của tỉnh. Mặt bằng lãi suất cho vay trên địa bàn tỉnh tiếp tục được duy trì ổn định ở mức thấp, tạo thuận lợi cho các thành phần kinh tế tiếp cận vốn, trong đó có các DN với chi phí thấp để ổn định và khôi phục SX-KD. Tính đến hết ngày 31-1-2022, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn đạt 80.660 tỷ đồng, tăng 1,47% so với cuối năm 2021. Tổng dư nợ cho vay trên địa bàn đạt 73.441 tỷ đồng, tăng 2,16%, tốc độ tăng trưởng cao hơn 0,8% so với tốc độ tăng trưởng 1,35% của cùng kỳ năm trước. Nợ xấu được kiểm soát ở mức thấp, với tỷ lệ 1,04%, giảm 0,01% so với cuối năm 2021. Nhiều chương trình tín dụng thuộc thế mạnh của tỉnh tiếp tục được các ngân hàng quan tâm đầu tư và đạt tăng trưởng tốt ngay từ đầu năm, như cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ tăng 2,02%... |
Về chính sách cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất, kinh doanh theo Nghị quyết 68 và Nghị quyết 126 của Chính phủ, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh đã cho 41 đơn vị sử dụng lao động vay để trả lương cho 30.976 lượt người lao động với số tiền hơn 111 tỷ đồng, thời gian cho vay dưới 12 tháng, lãi suất 0%/năm.
THÁO GỠ KHÓ KHĂN
Thực tế cho thấy, hiện nay, dù Quốc hội, Chính phủ có nhiều chính sách, chương trình tín dụng ưu đãi để DN phục hồi SX-KD sau đại dịch, nhưng theo một số DN, việc tiếp cận vẫn còn nhiều khó khăn.
Theo Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thị Đậm, đối với ý kiến DN khó tiếp cận vốn vay từ các gói, chương trình tín dụng ưu đãi, do đây là nguồn lực từ các NHTM nên việc cho vay phải được các ngân hàng xem xét đủ điều kiện mới quyết định cho vay. Hiện nguồn vốn của các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đang rất dồi dào, huy động vốn cao hơn dư nợ cho vay khoảng 7.000 tỷ đồng. Do đó, nhu cầu cho vay của các ngân hàng là rất lớn.
Hiện dư nợ cho vay DN chiếm 31,71% tổng dư nợ toàn tỉnh, đạt 23.290 tỷ đồng, cho thấy các NHTM cũng đã quan tâm việc cung ứng vốn đối với DN.
Tuy nhiên, các ngân hàng cũng gặp khó khăn trong việc cho vay, mà nguyên nhân hay gặp trước hết là do phương án sử dụng vốn không khả thi, thiếu tài liệu chứng minh các số liệu hoạt động làm căn cứ đánh giá phương án... để ngân hàng tính toán được lợi nhuận, từ đó đánh giá hiệu quả của phương án.
Mặt khác, do DN bị quá hạn ở món vay trước và bị chuyển nhóm nợ (tự động trên hệ thống) dẫn đến ngân hàng ngừng giải ngân món vay tiếp theo nhằm kiểm soát rủi ro (hoặc một ngân hàng khác có tra cứu thông tin tín dụng sẽ có khả năng không cấp tín dụng mới cho DN).
Một nguyên nhân nữa là, do các DN mới thành lập trong vòng 1 năm thì chưa có báo cáo tài chính để ngân hàng sử dụng số liệu làm căn cứ đánh giá năng lực hoạt động của DN, nên sẽ e dè không dám cho vay.
Ngoài ra, DN thiếu tài sản đảm bảo, đây cũng là vấn đề nhiều DN phản ánh, cũng là điều trăn trở của các ngân hàng khi muốn tăng dư nợ cho vay.
Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp khiến năng lực tài chính của DN giảm sút, ảnh hưởng khả năng trả nợ đúng hạn, khách hàng khó đáp ứng điều kiện vay vốn khiến việc xem xét cho vay mới gặp nhiều khó khăn.
Nhiều DN đang cần nguồn vốn để phục hồi SX-KD. |
Theo đồng chí Nguyễn Thị Đậm, trước những khó khăn trên, để giúp các DN tiếp cận nguồn vốn tín dụng, về phía ngân hàng sẽ tăng cường đối thoại với DN hơn nữa nhằm tháo gỡ vướng mắc.
NHNN chi nhánh tỉnh sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra việc cấp tín dụng, nhất là việc thực hiện các chính sách, đặc biệt là chính sách cho vay trên 5 lĩnh vực ưu tiên và thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội (trong đó có nội dung cho vay hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022 - 2023 thông qua hệ thống các NHTM đối với các khoản vay thương mại cho DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi trong một số ngành, lĩnh vực).
Về phía DN, NHNN chi nhánh tỉnh đề nghị các DN nên chú trọng hơn công tác quản trị, nhất là trong quản trị tài chính, ghi chép sổ sách kế toán nhằm đảm bảo có một hệ thống sổ sách kế toán rõ ràng, minh bạch để ngân hàng có thể dễ dàng tiếp cận và thẩm định khi quyết định cho vay.
Mặt khác, DN cần thường xuyên cân đối dòng tiền ra, dòng tiền vào đảm bảo duy trì số dư nhất định trên tài khoản nhằm thanh toán các khoản nợ (gốc, lãi) đến hạn hoặc chú ý theo dõi lịch trả nợ định kỳ để trả nợ đúng kỳ hạn, tránh bị chuyển nhóm nợ…
ANH THƯ