Đất "Chín Rồng" vươn lên cùng cả nước
Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị khóa XIII về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) mở ra đường hướng mới để đất “Chín Rồng” vươn lên cùng cả nước. Tiền Giang đã và đang lựa chọn những bước đi phù hợp với xu hướng chung của toàn vùng.
TẠO SỨC BẬT MỚI
Là vùng đất được xem là trù phú nhưng ĐBSCL vẫn còn những “điểm nghẽn” trong chặng đường phát triển vừa qua. Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị ra đời được xem sẽ góp phần tháo dần những “nút thắt” này để ĐBSCL vươn lên cùng cả nước và vì cả nước. Tuy nhiên, để gỡ bỏ những nút thắt quan trọng cho ĐBSCL là cả một quá trình dài và cần có sự tham gia của nhiều bộ, ngành và nỗ lực của các tỉnh, thành trong khu vực.
Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vừa đưa vào hoạt động. Ảnh: MINH THÀNH |
Thực tế dễ nhận thấy, một trong những “điểm nghẽn” lớn thời gian qua là hạ tầng giao thông trong khu vực và điều này dần được tháo gỡ, tạo nên cơ hội mới cho vùng. Bởi hạ tầng giao thông được xem là động lực phát triển cho vùng ĐBSCL.
Trước thực trạng này, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ đã hoàn thành 5 quy hoạch chuyên ngành, xác định phát triển hướng kết nối giao thông từ ĐBSCL đến TP. Hồ Chí Minh thông qua các tuyến cao tốc, tuyến đường thủy giúp cho việc đi lại thuận lợi hơn, phát triển hết tiềm năng, lợi thế của vùng.
Một trong những điểm nhấn liên quan hạ tầng giao thông là Dự án Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vừa mới đi vào hoạt động, cầu Mỹ Thuận 2 sẽ được khánh thành trong một hai năm tới, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ đang triển khai quyết liệt. Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải cũng đang triển khai 3 đường cao tốc rất lớn: Cần Thơ - Cà Mau, Cần Thơ - Sóc Trăng và Cần Thơ - Châu Đốc, hoàn chỉnh đường cao tốc từ An Hữu qua Cao Lãnh về Rạch Giá, vậy là sẽ có 3 trục đường cao tốc quan trọng. Theo Bộ Giao thông Vận tải, trong nhiệm kỳ này, nếu quyết tâm cao, phối hợp tốt sẽ hoàn thành được khoảng 448 km đường cao tốc.
Trên cơ sở thực tế hiện nay và xác định bước đi cho ĐBSCL trong thời gian tới, trước đó vào ngày 17-11-2017 Chính phủ ban hành Nghị quyết 120 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, với quan điểm chỉ đạo chung là kiến tạo phát triển bền vững, thịnh vượng, trên cơ sở chủ động thích ứng, phát huy tiềm năng, thế mạnh, chuyển hóa những thách thức thành cơ hội để phát triển, bảo đảm được cuộc sống ổn định, khá giả của người dân cũng như bảo tồn được những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của ĐBSCL.
Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị nhấn mạnh, ĐBSCL là vùng cực Nam của Tổ quốc - một địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, có địa chính trị, địa kinh tế và địa quân sự hết sức trọng yếu đối với cả nước. Vùng ĐBSCL có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển; là một trong những đồng bằng lớn nhất, phì nhiêu nhất ở Đông Nam Á và thế giới; là vùng sản xuất và xuất khẩu lương thực, thực phẩm, thủy hải sản và trái cây lớn nhất của cả nước; đóng góp khoảng 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, gần 65% sản lượng thủy sản nuôi trồng, 60% lượng cá xuất khẩu và gần 70% các loại trái cây của cả nước; là khu vực có hệ thống sông ngòi, kinh, rạch chằng chịt và nhiều vườn cây, rừng cây rộng lớn, với 4 khu dự trữ sinh quyển, vườn quốc gia, khu bảo tồn tự nhiên được công nhận là khu Ramsar của thế giới (đó là những vùng đất ngập nước có tầm quan trọng thế giới, đáp ứng đủ các điều kiện, tiêu chí được quy định trong Công ước ký năm 1971 tại thành phố Ramsar - Iran, bao gồm: Vườn quốc gia Tràm Chim - Đồng Tháp, Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, Vườn quốc gia U Minh Thượng - Kiên Giang và Làng Sen - Long An). Đồng thời, trong vùng cũng có nhiều tiềm năng về dầu khí và năng lượng tái tạo, như: Năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng thủy triều… |
Về kinh tế, thay đổi tư duy phát triển, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy, chủ yếu là sản xuất lúa sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp đa dạng, đáp ứng nhu cầu của thị trường, chuyển từ phát triển theo số lượng sang chất lượng là hướng tiếp cận mới.
Ngoài ra, trong quá trình phát triển của ĐBSCL cần tôn trọng quy luật tự nhiên, phù hợp với điều kiện thực tế, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên; chọn mô hình thích ứng theo tự nhiên, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững với phương châm chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn; nghiên cứu, xây dựng các kịch bản và có giải pháp ứng phó hiệu quả với thiên tai như bão, lũ, hạn hán và xâm nhập mặn, với các tình huống bất lợi nhất do biến đổi khí hậu…
Nhìn trên phương diện tổng thể, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, tạo tiền đề quan trọng để đưa vùng đất “Chín Rồng” này cất cánh không chỉ là mong mỏi của người dân đồng bằng, mà còn là mối quan tâm lớn của Trung ương, các bộ, ngành.
ĐBSCL có nhiều lợi thế để phát triển. |
Mới đây, trong bài phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Tôi tha thiết mong đợi và tin tưởng rằng cấp ủy, chính quyền và nhân dân các tỉnh trong vùng ĐBSCL nhất định sẽ phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của phong trào “Đồng khởi”, khí phách anh hùng “thành đồng” Tổ quốc và phẩm chất cao quý, rất tốt đẹp của người miền Tây; cùng với các ban, bộ, ngành Trung ương và cấp ủy, chính quyền các cấp trong cả nước, nhất là TP. Hồ Chí Minh và toàn Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam đã đổi mới, nỗ lực phấn đấu rồi càng đẩy mạnh đổi mới, nỗ lực phấn đấu mạnh mẽ hơn nữa, thực hiện thắng lợi nghị quyết của Bộ Chính trị lần này, tạo ra bước chuyển biến mới có tính đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh trên vùng ĐBSCL - Vùng đất “Chín Rồng” theo tinh thần: Cả nước vì ĐBSCL; ĐBSCL vươn lên cùng cả nước và vì cả nước.
TIỀN GIANG “CHUYỂN MÌNH”
Nằm trong bức tranh chung của ĐBSCL, Tiền Giang cũng đang “chuyển mình” để vươn lên mạnh mẽ và thích ứng với xu thế chung của toàn vùng. Cụ thể, trong định hướng chiến lược phát triển được đề cập trong Kế hoạch 96 của UBND tỉnh Tiền Giang nhằm thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ cũng nhằm hướng đến câu chuyện tương lai của Tiền Giang trong xu thế chung của vùng ĐBSCL.
Trên nền tảng chung của ĐBSCL, Tiền Giang cũng đã xác định chiến lược phát triển cho chặng đường tới là phải dựa trên cơ sở lấy con người làm trung tâm, phục vụ người dân, giảm khoảng cách giàu nghèo; chú trọng về chất lượng hơn số lượng, chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu.
Đó là xác định biến đổi khí hậu và nước biển dâng là xu thế tất yếu, phải sống chung và thích nghi, phải biến thách thức thành cơ hội. Đó là việc chuyển đổi mô hình phát triển dựa trên hệ sinh thái, đảm bảo phù hợp với điều kiện tự nhiên, đa dạng sinh học, văn hóa, con người và các quy luật tự nhiên. Đó là việc tiếp cận một cách tổng thể, gắn với tích hợp phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng ĐBSCL; tăng cường hợp tác liên kết phát triển giữa các địa phương trong vùng ĐBSCL, Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, nhất là với TP. Hồ Chí Minh, Tiểu vùng Đồng Tháp Mười, Tiểu vùng Duyên hải phía Đông ĐBSCL…
Nhìn ở góc độ tiếp cận khác, Tiền Giang cũng được định hướng trở thành một siêu “vệ tinh” của khu vực, nhất là TP. Hồ Chí Minh. Sự phát triển của Tiền Giang được xác định sẽ là xung lực quan trọng của “đoàn tàu” kinh tế ĐBSCL, vùng Đông Nam bộ, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh.
Tiền Giang phải đi đầu trong đổi mới thì khu vực ĐBSCL mới có thêm những động năng cho sự phát triển, để vượt lên những thách thức của biến đổi khí hậu, hạn, mặn… Bởi thực tế, Tiền Giang có nhiều thuận lợi về yếu tố đầu vào, đặc biệt nguyên liệu trong chế biến và việc tiếp cận nguồn lao động; chi phí tuyển dụng lao động thấp và người lao động siêng năng cũng là lợi thế.
Tiền Giang hội đủ các yếu tố để trở thành siêu “vệ tinh” của TP. Hồ Chí Minh nếu chúng ta có tầm nhìn, hiện thực hóa tầm nhìn và phát triển một cách hiệu quả. Nhìn một cách tổng thể hơn, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2025 đã đặt ra mục tiêu quan trọng là tiếp tục kế thừa những thành tựu đạt được, đảm bảo tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở huy động đa dạng các nguồn lực, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của tỉnh gắn với cơ cấu lại các ngành kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp khắc phục tác động của dịch bệnh Covid-19, nhanh chóng phục hồi kinh tế... Mục tiêu quan trọng là đến năm 2025, Tiền Giang trở thành tỉnh phát triển trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam.
THẾ ANH