Lắp điện mặt trời trên trang trại nuôi cút: Nông dân thu trăm triệu mỗi tháng
Sau thời gian nghiên cứu, tìm hiểu và thấy được lợi ích của việc ứng dụng năng lượng tái tạo, anh Trần Nguyễn Phương Nam (xã Long An, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) đã mạnh dạn đầu tư hệ thống điện mặt trời trên mái trang trại nuôi cút của anh với tổng công suất 997,4 kwp, kinh phí đầu tư khoảng 16 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng, hiệu quả mang lại rất khả quan.
MẠNH DẠN ĐẦU TƯ
Anh Nam cho biết, năm 2017, anh mua 2,2 ha đất tại ấp Bình Hiệp, xã Song Bình, huyện Chợ Gạo để xây dựng trang trại. Trong đó, anh dành khoảng 1 ha để xây dựng 13 dãy chuồng nuôi cút đẻ lấy trứng xuất khẩu (cung ứng cho Công ty cổ phần Rau quả Tiền Giang xuất sang thị trường Nhật Bản). Quy mô đàn cút đẻ tại trang trại của anh lúc cao điểm lên đến 150.000 con, sản lượng thu hoạch mỗi ngày khoảng 130.000 trứng.
Anh Trần Nguyễn Phương Nam (áo đen) giới thiệu về chức năng Inverter của hệ thống pin NLMT. |
Trong quá trình nuôi, qua theo dõi diễn biến thời tiết, anh Nam nhận thấy, biên độ nhiệt giữa mùa nắng và mùa mưa, giữa các tháng trong năm cũng như giữa ngày và đêm có sự chênh lệch khá lớn, từ đó ảnh hưởng đến sự sinh trưởng cũng như hiệu suất cho trứng của đàn cút. Nhất là những ngày nắng nóng (nhiệt độ trên 340C), đàn cút bị sốc nhiệt, mệt mỏi, giảm ăn, anh phải thường xuyên bổ sung vitamin vào nước uống.
Qua tính toán, so sánh các phương án để nâng cao hiệu quả nuôi cút đẻ, anh Nam nhận thấy, việc duy trì nhiệt độ chuồng trại ổn định (khoảng 27 - 280C) giúp đàn cút sinh trưởng, tỷ lệ đẻ trứng cao. Việc đầu tư trại lạnh sẽ đảm bảo tốt các điều kiện đầu vào, đầu ra. Tuy nhiên, do chi phí đầu tư trại lạnh và chi phí điện năng tiêu thụ hằng tháng lại khá cao (trên 100 triệu đồng/tháng) nên anh tạm gác lại phương án này.
"Điều kiện môi trường tác động rất lớn đến hiệu quả chăn nuôi, nhất là đối với đàn cút thịt. Nếu nhiệt độ ban ngày quá cao hoặc nhiệt độ giữa ngày và đêm chênh lệch nhau lớn (trên 50C), đàn cút dễ bị stress do sốc nhiệt, ảnh hưởng đến sinh trưởng và tỷ lệ đẻ trứng. Do đó, việc đầu tư hệ thống pin NLMT đã giúp anh Nam thu được hiệu quả kép: Vừa tạo thêm nguồn thu ổn định, vừa giúp tiết kiệm chi phí chăn nuôi, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của trang trại cút như hiện nay". Tiến sĩ Thái Quốc Hiếu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Tiền Giang |
Sau đó, qua tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng về những lợi ích của việc đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà, đầu năm 2020, cùng với nguồn vốn tự có, anh quyết định vay thêm vốn ngân hàng và thuê Viettel Bến Tre tư vấn, thiết kế, thi công hệ thống pin năng lượng mặt trời (NLMT) cho toàn bộ diện tích mái trang trại (khoảng 8.000 m2, bao gồm cả diện tích mái che lối đi trong trang trại) với tổng công suất 997,4 kwp, kinh phí đầu tư khoảng 16 tỷ đồng.
HIỆU QUẢ KÉP
Sau khi thi công hoàn thành hệ thống pin NLMT đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật về truyền tải công suất, khả năng đấu nối vào lưới điện quốc gia, cuối năm 2020, anh Nam được Điện lực Chợ Gạo ký hợp đồng mua bán điện mặt trời mái nhà thời hạn 20 năm.
Mái che của trang trại được lắp kín các tấm pin NLMT. |
Theo thống kê của anh Nam, từ khi đưa vào vận hành, mỗi tháng hệ thống pin NLMT hòa lưới điện từ 100.000 - 120.000 kWh, mang về cho anh doanh thu từ 200 - 230 triệu đồng. Ngoài bổ sung nguồn thu ổn định hằng tháng, việc đầu tư hệ thống pin NLMT còn giúp anh Nam tiết kiệm đáng kể chi phí trong chăn nuôi.
Trước đây, những tháng nắng nóng, để đàn cút không bị sốc nhiệt, anh phải bơm nước phun sương lên mái che kết hợp cho đàn cút uống bổ sung vitamin cùng một số chế phẩm nhằm tăng sức đề kháng. Hiện tại, do sự phản xạ của các tấm pin lắp trên mái nhà, nhiệt độ bên dưới chuồng trại luôn mát mẻ, đàn cút sinh trưởng tốt, một số chi phí liên quan đến xử lý nhiệt được giảm đáng kể.
“Với nguồn thu ổn định hằng tháng như hiện nay, dự kiến trong 4 năm tới, tôi có thể trả hết nguồn vốn vay ngân hàng và trong 4 năm tiếp theo, tôi có thể thu hồi hết nguồn vốn đầu tư ban đầu” - anh Nam phấn khởi cho biết.
HỒNG YẾN