Huyện Gò Công Tây: Phổ biến chính sách liên kết tiêu thụ lúa - gạo
(ABO) Ngày 7-6, UBND huyện Gò Công Tây phối hợp với Chi cục Phát triển nông thôn Tiền Giang tổ chức Hội nghị tập huấn chính sách liên kết tiêu thụ, kết nối cung ứng đầu ra, đầu vào trong tiêu thụ sản phẩm lúa - gạo.
Đại diện cán bộ Chi cục Phát triển nông thôn Tiền Giang hướng dẫn các quy định về quản lý nâng cao chất lượng sản phẩm. |
Tại buổi tập huấn, các đại biểu và doanh nghiệp được phổ biến các quy định về quản lý chất lượng, kiến thức về giá trị nông sản đạt tiêu chuẩn chất lượng. Đặc biệt, người dân, doanh nghiệp biết được các chính sách liên quan đến việc phát triển chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản an toàn, cũng như lợi ích và trách nhiệm của mình khi tham gia chuỗi.
Trong đó, chú trọng đến lợi ích khi tham gia chuỗi liên kết. Nông dân sẽ được bao tiêu sản phẩm thông qua hợp đồng nên yên tâm sản xuất; được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước như: Hỗ trợ tập huấn kiến thức sản xuất lúa sạch; được hỗ trợ một phần kinh phí mua giống, phân bón...
Doanh nghiệp sẽ ổn định nguồn nguyên liệu đầu vào nên chủ động trong việc xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ tư vấn, chứng nhận điều kiện bảo đảm chất lượng, hỗ trợ bao bì, tem, nhãn nhận diện sản phẩm, quảng bá sản phẩm, cung cấp thông tin về thị trường tiêu thụ...
Công ty cổ phần Pacific Foods trưng bày giới thiệu sản phẩm đến người dân huyện Gò Công Tây. |
Ngoài ra, để thực hiện kết nối tiêu thụ sản phẩn lúa - gạo, người dân khi tham gia sản xuất cần có trách nhiệm tuân thủ các quy định của Nhà nước về giá trị, sản phẩm chuỗi phải bảo đảm chất lượng, hạn chế tối đa phân bón hóa học, tăng cường phân hữu cơ, phân vi sinh, cải tạo đất, sản phẩm có nhãn mác rõ ràng và truy xuất được nguồn gốc; đảm bảo đúng quyền lợi và nghĩa vụ của các bên tham gia liên kết; trao đổi, thương lượng và thống nhất giải quyết nhằm chia sẻ những khó khăn, rủi ro trong quá trình thực hiện liên kết...
Hiện nay, vấn đề phát triển kinh tế nông nghiệp huyện Gò Công Tây đã và đang chú trọng tuyên truyền, triển khai và thực hiện việc tổ chức liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa theo hướng bền vững, tăng lợi nhuận cho nông dân trồng lúa và tuyên truyền nhân rộng mô hình này trong toàn huyện, nhất là trong thời điểm giá cả phân bón, xăng dầu tăng cao như hiện nay, việc áp dụng thực hiện liên kết sản xuất - tiêu thụ là một hướng đi hoàn toàn phù hợp có lợi cho nông dân.
KIM LAN - QUẾ ANH