Thứ Hai, 20/06/2022, 12:59 (GMT+7)
.

Nhận diện điểm nghẽn giải ngân vốn đầu tư công

 

a
Xây dựng cầu Như Nguyệt mở rộng bắc qua sông Cầu nối hai tỉnh Bắc Ninh-Bắc Giang. (Ảnh Trần Hải)

Trong hoạt động đầu tư công, đổi mới thể chế là khâu then chốt nhưng công tác chỉ đạo, điều hành lại là khâu quyết định. Nơi nào cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt thì nơi đó đạt tỷ lệ giải ngân cao.

Tính đến ngày 31-5-2022, ước thanh toán vốn đầu tư công mới đạt 22,37% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, chỉ cao hơn năm 2021 (22,12%) nhưng là mức thấp nhất trong giai đoạn 2017-2021. Con số này cho thấy việc phân bổ vốn chưa đạt như kỳ vọng.

Quyết liệt trong điều hành

Thực tiễn hoạt động đầu tư công cho thấy, việc giải ngân thấp ở các tháng đầu năm chưa khẳng định được tỷ lệ giải ngân cả năm là sẽ thấp. Điển hình là giai đoạn 2017-2021, tỷ lệ giải ngân 5 tháng đầu năm của cả giai đoạn chỉ đạt khoảng 22-26% kế hoạch. Trong đó, thấp nhất là năm 2021 đạt 22,12% (tương ứng 102,03 nghìn tỷ đồng), cao nhất là năm 2019 đạt 26,4% (tương ứng 96,89 nghìn tỷ đồng). Tuy nhiên tỷ lệ giải ngân cả năm 2019 lại thấp thứ hai của giai đoạn, đạt 78,83% (tương ứng 325,1 nghìn tỷ đồng), còn năm 2021 lại có tỷ lệ giải ngân cao thứ hai, đạt 95,7% (tương ứng 417,7 nghìn tỷ đồng).

Như vậy có thể thấy, đặc thù của giải ngân vốn đầu tư công là thấp vào những tháng đầu năm và tăng mạnh trong những tháng cuối năm và thực tế này có xu hướng trở thành quy luật bởi các nhà thầu cũng cần thời gian để thi công, tích lũy khối lượng đủ để nghiệm thu, thanh toán. Vì thế, nhận định giải ngân nhanh hay chậm cần xem xét cả đến các yếu tố nói trên. Có thể nói, tỷ lệ giải ngân cả năm phản ánh rất rõ hiệu ứng của các giải pháp về mặt thể chế, lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp đối với công tác giải ngân vốn đầu tư công. Điều này cho thấy, đổi mới thể chế là khâu then chốt, nhưng công tác chỉ đạo, điều hành lại là khâu quyết định. Nơi nào cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, nơi đó đạt tỷ lệ giải ngân cao hơn…

Theo tiến độ, năm 2022 là năm thứ hai triển khai thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, nhưng thực tế lại là năm đầu tiên. Vì Kế hoạch đầu tư công trung hạn mới được Quốc hội thông qua từ tháng 7-2021 và đầu năm 2022 chủ yếu là tiếp tục triển khai các dự án chuyển tiếp. Các dự án mới vẫn đang trong quá trình chuẩn bị, làm thủ tục, quá trình này thông thường mất khoảng 6-8 tháng, nên phải tới cuối năm mới có thể giải ngân được. Đó chính là một điểm yếu cốt lõi dẫn tới giải ngân vốn đầu tư công chậm.

Đáng lưu ý, ngoài việc chuẩn bị, lựa chọn dự án chưa tốt, vẫn còn tình trạng chọn dự án chưa thực sự cấp thiết, chưa có tầm nhìn trung và dài hạn, trong khi nguồn lực có hạn, thì còn có chuyện các bộ, ngành, địa phương chưa chuẩn bị đầu tư từ sớm, từ xa, chưa quan tâm đến việc sử dụng kinh phí của kỳ kế hoạch này để chuẩn bị cho dự án của kỳ kế hoạch sau, không có sự đồng bộ giữa tiến độ chuẩn bị dự án với tiến độ giao kế hoạch chi tiết. Do vậy, đã dẫn tới tình trạng vốn chờ dự án, Trung ương đã giao kế hoạch nhưng bộ, ngành, địa phương không giao được kế hoạch chi tiết, do dự án chưa xong thủ tục…

Nếu chất lượng chuẩn bị dự án thấp, quản lý đất đai không tốt nữa thì sẽ dẫn tới phải điều chỉnh dự án nhiều lần, tăng chi phí, đội vốn, có khi phải điều chỉnh quyết định đầu tư, chủ trương đầu tư liên tục. Thủ tục vì thế sẽ kéo dài thêm, do vậy, khó triển khai và giải ngân nhanh.

Bảo đảm hệ thống pháp luật đồng bộ

Về chính sách đầu tư công, thời gian qua đã có những đổi mới rất quan trọng, căn bản. Từ xác định mục tiêu phát triển gắn với xác định và lựa chọn dự án; lập dự án; chuẩn bị đầu tư; thẩm định và phê duyệt dự án; giao kế hoạch và điều chỉnh kế hoạch vốn; đấu thầu; thanh toán, quyết toán dự án… cơ bản đã phân cấp, phân quyền toàn bộ cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương được toàn quyền quyết định tất cả các khâu, các giai đoạn chuẩn bị và thực hiện dự án đầu tư công. Chính sách đầu tư công đã đổi mới tư duy và phương pháp lập kế hoạch từ ngắn hạn hằng năm sang kế hoạch trung hạn 5 năm, chuyển từ quản lý, điều hành bằng văn bản dưới luật sang quản lý bằng Luật Đầu tư công, thay đổi từ cơ chế theo dõi tiền kiểm sang hậu kiểm…

Nhờ vậy, thời gian qua, đã khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún, phê duyệt dự án không gắn với khả năng cân đối vốn, phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản. Về những khó khăn, hạn chế khác như giao vốn chậm, giao vốn nhiều lần, chậm điều chuyển kế hoạch vốn hằng năm cũng đã được tháo gỡ. Hiện nay đã thực hiện được giao hết vốn, giao một lần vào cuối năm trước hoặc trong năm để các bộ, cơ quan trung ương và địa phương được toàn quyền điều chuyển vốn giữa các dự án do mình quản lý, từ dự án có nhu cầu vốn thấp sang dự án có nhu cầu vốn cao…

Quy trình, thủ tục cũng rõ ràng, việc chậm giao là do các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Do đó chậm giải ngân vốn đầu tư công, nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Tuy nhiên, để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công không chỉ cần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến Luật Đầu tư công mà cần phải quan tâm sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật khác liên quan. Đơn cử, khoản 1 Điều 2 Luật Khoáng sản quy định tài nguyên đất hay đất đồi, đất san lấp là khoáng sản, quy định này hiện đang gây khó khăn cho việc khai thác đất đá để san lấp mặt bằng cho các dự án và khiến nhiều dự án trọng điểm bị chậm tiến độ. Qua đó có thể thấy, chỉ một quy định đơn giản nhưng có ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ giải ngân các dự án. Trong khi đó, một dự án đầu tư công phải chấp hành rất nhiều quy định của các luật khác nhau.

Các quy định này chi phối cả vòng đời dự án đầu tư công, từ chuẩn bị đầu tư cho đến thực hiện, quyết toán dự án, và cái khó là không thể thực hiện đồng thời mà phải theo từng quy trình, xong khâu này mới đến khâu kia.

Vì vậy, chỉ một khâu vướng đã ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân dự án. Dự án đầu tư công khi được triển khai thực hiện phải chấp hành không chỉ quy định của Luật Đầu tư công, mà tùy thuộc tính chất dự án, còn phải chịu sự điều chỉnh của nhiều luật liên quan như Luật Quy hoạch, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Khoáng sản và các luật chuyên ngành khác…, thậm chí, còn cả các điều ước, cam kết quốc tế. Bên cạnh đó còn một yếu tố rất quan trọng, đó là phải chuẩn bị dự án từ sớm, từ xa, chuẩn bị dự án thật tốt, nghiên cứu và bổ sung quy định về một số hành động trước được thực hiện trong quá trình chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án để bảo đảm tính khả thi, tính sẵn sàng, nhất là về mặt bằng, để nếu được phân bổ vốn có thể đưa vào thực hiện, giải ngân sớm.

Cùng với đó, bên cạnh yêu cầu chung là quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư công hiệu quả, tiết kiệm, đúng mục tiêu, đối tượng, tuân thủ quy định về nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn…, cần tiếp cận thẳng ngay vào nguyên nhân của những điểm nghẽn đang cản trở, làm chậm tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công. Chẳng hạn, chuyện kỷ cương, kỷ luật đầu tư công; năng lực chuyên môn của cán bộ các cấp; trách nhiệm người đứng đầu… Nếu từng điểm nghẽn, hạn chế nêu trên được giải quyết thì giải ngân vốn đầu tư công nhất định sẽ được cải thiện ■

NGUYỄN CHÍ DŨNG,  Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư

(Theo nhandan.vn)



 

.
.
Quỹ đất lớn Lợi nhuận cao Dịch vụ chứng minh tài chính lùi ngày nào uy tín nhất
.