Thu hàng trăm triệu từ nuôi hươu
Thời gian qua, nhiều đoàn viên, thanh niên huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang mạnh dạn thực hiện nhiều mô hình khởi nghiệp mới, mở ra hướng phát triển kinh tế mới vươn lên làm giàu chính đáng trên quê hương. Một trong những điển hình như thế là anh Nguyễn Hoàng Việt (sinh năm 1991, ấp Phú Thạnh A, xã Phú Kiết) với mô hình nuôi hươu cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Mô hình chăn nuôi hươu sạch của anh Việt bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao. |
Từ bỏ công việc với mức lương khá cao tại một công ty sữa tại TP. Hồ Chí Minh, anh Việt quyết định về quê lập nghiệp với mô hình nuôi hươu. Đã không ít lần bị gia đình phản đối nhưng với quyết tâm của mình, cuối cùng anh Việt đã thuyết phục được gia đình và bước đầu thành công với mô hình này.
Anh Việt cho biết, khi còn làm việc cho công ty sữa tại TP. Hồ Chí Minh, trong một chuyến đi công tác tại Hà Tĩnh, anh nhận thấy mô hình nuôi hươu tại đây khá hiệu quả. Mặc dù chi phí đầu tư con giống ban đầu khá cao nhưng hươu dễ nuôi, có sức đề kháng tốt và ít bệnh. Thế là vào năm 2019, được hỗ trợ vay vốn tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Bến Tranh, anh ra tận Hà Tĩnh để chọn mua 10 con hươu sao về nuôi.
Bên cạnh đó, anh cũng đầu tư cải tạo lại khu chuồng nuôi heo trước đây của gia đình để làm trại chăn nuôi hươu. Anh ngăn mỗi ô chuồng có diện tích trung bình 2 m2, sử dụng đệm lót tro trấu, xơ dừa để trại luôn sạch, đảm bảo vệ sinh môi trường. Đệm lót này sau 6 tháng thì anh lấy ra để bón cỏ. Anh cho biết, so với nhiều loài vật khác, hươu không cần nhiều không gian sống cũng như công chăm sóc, chủ yếu là chuồng trại nuôi phải thật khô thoáng và sạch.
Thức ăn của hươu chủ yếu là các loại trái cây, lá cây và các phụ phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, người nuôi hươu cần chú ý dấu hiệu hươu bị bệnh về đường ruột như bụng chướng, phân lỏng… Khi có các dấu hiệu, người nuôi cần cho hươu ăn những loại thức ăn có vị chát như lá chuối xanh, lá ổi… để chữa bệnh đường ruột cho hươu. Nhờ chịu khó chăm sóc mà đàn hươu của gia đình anh phát triển tốt. Hiện trại chăn nuôi hươu của anh Việt đã lên đến 30 con.
Bí thư Xã đoàn Phú Kiết Võ Tấn Hoàng cho biết, nhận thấy mô hình nuôi hươu là một mô hình mới, tiềm năng mang đến hiệu quả phát triển kinh tế cho địa phương, Ban chấp hành Xã đoàn Phú Kiết đã phối hợp anh Nguyễn Hoàng Việt tạo điều kiện cho đoàn viên, thanh niên đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm mô hình. |
Một con hươu đực trưởng thành sau 2 năm sẽ cho nhung và có thể cho nhung trung bình từ 15 - 17 năm. Theo đó cứ 8 tháng, hươu đực được lấy nhung một lần, trung bình từ 500 - 800 g/con, có nhiều hươu đực cho nhung gần 1 kg cho một lần lấy nhung.
Với giá nhung trên thị trường dao động từ 13 - 15 triệu đồng/kg, nguồn thu từ nhung hươu khá cao và ổn định. Riêng đối với hươu cái sau 2 năm nuôi sẽ được phối giống để sinh hươu con. Hươu con được nuôi từ 3 - 4 tháng là có thể xuất bán con giống ra thị trường, trung bình từ 12 - 15 triệu đồng/con đối với hươu đực và từ 8 - 10 triệu đồng/con đối với hươu cái. Hiện nay trung bình mỗi năm, gia đình anh Việt xuất bán trên 10 hươu con ra thị trường.
Bên cạnh nuôi hươu lấy nhung và bán hươu giống, anh Việt còn đầu tư các loại máy móc để chế biến nhung hươu thành các sản phẩm bồi bổ cơ thể như nhung hươu ngâm mật ong, ngâm rượu, các sản phẩm cao hươu bồi bổ xương khớp người già…Hiện nay, nguồn nhung hươu và các sản phẩm từ nhung hươu của gia đình anh được tiêu thụ qua các mối quan hệ cá nhân và trên sàn thương mại điện tử, giúp mang lại cho gia đình nguồn thu nhập gần 450 triệu đồng/năm.
Hiện tại, để nâng cao hiệu quả nghề nuôi hươu, anh Việt đang phối hợp các ngành chức năng huyện Chợ Gạo thực hiện quy trình thành lập Hợp tác xã Nhung hươu Tiến Vua. Đồng thời, anh Việt cũng nung nấu quyết tâm xây dựng sản phẩm đạt chuẩn OCOP để nâng tầm giá trị nhung hươu, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Nhạy bén nắm bắt nhu cầu thị trường cùng niềm đam mê làm nông nghiệp, anh Nguyễn Hoàng Việt đã không ngại đầu tư công sức, thời gian để thực hiện mô hình chăn nuôi hươu sạch và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế. Mô hình này đã giúp mở ra triển vọng phát triển về vật nuôi mới ở địa phương, tạo điều kiện cho đoàn viên, thanh niên trong và ngoài xã nghiên cứu, học tập.
C. HƯỞNG - N. XUYÊN