.

Giám đốc Ngân hàng CSXH Tiền Giang Dương Văn Hoàng: Tín dụng chính sách - "trụ đỡ" giúp hộ nghèo vượt khó

Cập nhật: 09:10, 03/09/2022 (GMT+7)

Đánh giá một cách tổng thể về kết quả 20 thực hiện tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Tiền Giang và những bước đi tiếp theo, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Tiền Giang Dương Văn Hoàng cho biết:

Sau 20 năm xây dựng và phát triển, Ngân hàng CSXH Tiền Giang đã kết nối cả hệ thống chính trị - xã hội tham gia triển khai thực thi các chính sách tín dụng của Đảng và Nhà nước, nguồn vốn cho vay trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng trưởng và ngày càng đáp ứng được tốt hơn nhu cầu vay của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.

Theo đó, tổng nguồn vốn Ngân hàng CSXH Tiền Giang đạt 3.457 tỷ đồng, tăng hơn 24 lần so với năm 2003, trong đó vốn ngân sách địa phương ủy thác là 276 tỷ đồng, chiếm 8% trên tổng nguồn vốn. Cơ cấu tăng trưởng nguồn vốn có sự chuyển dịch từ nguồn vốn Trung ương sang nguồn vốn địa phương, nhất là sự tăng lên đáng kể của nguồn vốn ngân sách tỉnh, huyện, thị xã, thành phố ủy thác qua Ngân hàng CSXH đã thể hiện sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương trong triển khai các chương trình tín dụng CSXH.

Đặc biệt, kể từ khi có Chỉ thị 40 ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH, UBND các cấp đã cân đối ngân sách chuyển 260 tỷ đồng sang Ngân hàng CSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay đáp ứng nhu cầu của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn, góp phần thực hiện các mục tiêu hằng năm về giảm nghèo nhanh và bền vững, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Tiền Giang Dương Văn Hoàng.
Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Tiền Giang Dương Văn Hoàng.

* Phóng viên (PV): Ý nghĩa lớn mà tín dụng chính sách mang lại là gì?

* Đồng chí Dương Văn Hoàng: Về kết quả cho vay, từ 3 chương trình tín dụng nhận bàn giao ban đầu có tổng dư nợ chỉ hơn 110 tỷ đồng, sau 20 năm thành lập, chi nhánh đã triển khai cho vay thêm 11 chương trình tín dụng chính sách mới.

Đến nay, chi nhánh đang triển khai thực hiện 14 chương trình tín dụng chính sách, với tổng dư nợ đạt 3.452 tỷ đồng, với 104.224 hộ vay còn dư nợ, tăng 39 lần so với thời điểm mới thành lập. Trong 20 năm qua, tín dụng chính sách đóng vai trò là “đòn bẩy” kinh tế giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác phát triển sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống.

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã đầu tư đến 172 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện được tiếp cận với đồng vốn tín dụng chính sách một cách thuận lợi và kịp thời.

Những kết quả đạt được trong 20 năm qua đã khẳng định vai trò của tín dụng chính sách xã hội đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, là công cụ, giải pháp có tính căn cơ, lâu dài để Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch về giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, phục hồi, phát triển kinh tế, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.

Thành tựu đã đạt được của tín dụng chính sách có thể được đánh giá là “điểm sáng” và là một trong những “trụ cột” trong hệ thống các chính sách giảm nghèo của Việt Nam, khẳng định sự đúng đắn, hiệu quả trong việc duy trì và phát triển mô hình tổ chức, phương thức quản lý tín dụng với tính ưu việt và những đặc thù riêng có của Ngân hàng CSXH khác với các tổ chức tín dụng tại địa phương.

* PV: Thuận lợi và khó khăn khi triển khai thực hiện tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh?

* Đồng chí Dương Văn Hoàng: Sau 20 năm thực hiện tín dụng chính sách, có thể khẳng định rằng Nghị định 78 ngày 4-10-2002 của Chính phủ là chủ trương, chính sách đúng đắn, hợp lòng dân, là giải pháp quan trọng trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới.

Tín dụng chính sách được xem là “trụ đỡ” cho gia đình khó khăn.
Tín dụng chính sách được xem là “trụ đỡ” cho gia đình khó khăn.

Ngoài ra, vốn tín dụng chính sách góp phần đáng kể trong việc thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, giảm tỷ lệ thất nghiệp, hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định và phát triển kinh tế tại địa phương.

Hiệu quả của tín dụng CSXH đã khẳng định phương thức quản lý và mô hình tổ chức quản trị, điều hành, tác nghiệp của Ngân hàng CSXH là hoàn toàn phù hợp với điều kiện thực tiễn của nước ta; đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của cả xã hội tham gia vào công cuộc giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội.

Mô hình “Điểm giao dịch của Ngân hàng CSXH tại UBND xã, phường, thị trấn” là một bước tiến trong cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước, tiết giảm chi phí đi lại. Cùng với hoạt động tích cực của Tổ Tiết kiệm và Vay vốn đã tạo sự quản lý chặt chẽ vốn tín dụng chính sách xã hội từ khâu bình xét cho vay, sử dụng vốn vay đến khâu trả nợ, trả lãi.

Bên cạnh những thuận lợi kể trên, hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh trong 20 năm qua vẫn còn những hạn chế, những khó khăn vướng mắc cần tiếp tục giải quyết như: Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng kinh tế suy giảm kéo dài, giá cả các mặt hàng chiến lược đầu vào sản xuất tăng cao (xăng dầu, điện, thức ăn chăn nuôi, phân bón, sắt thép, cát, xi măng…) trong khi giá cả nông phẩm (lúa gạo, trái cây, thịt gia súc, gia cầm, tôm cá...) lại bấp bênh tác động lớn đến đời sống những gia đình khó khăn; nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm còn hạn chế, chưa đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn của người dân; chất lượng tín dụng chính sách từng bước được nâng cao nhưng chưa đồng đều giữa các địa phương; cán bộ làm công tác giảm nghèo và cán bộ quản lý của các tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương luân chuyển, thay đổi thường xuyên… nên việc nắm bắt tình hình không liên tục, công tác quản lý gặp nhiều khó khăn; những món nợ do người vay bỏ đi khỏi địa phương không xác định được thông tin hoặc địa chỉ, gây khó khăn trong công tác thu hồi, xử lý nợ tại chi nhánh.

* PV: Giải pháp trong thời gian tới để đẩy nhanh việc thực hiện và phát huy hiệu quả hơn nữa đối với tín dụng chính sách?

* Đồng chí Dương Văn Hoàng: Ngân hàng CSXH tiếp tục tham mưu tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 40 và Kết luận 06 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH; phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các cấp trong chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện tín dụng CSXH.

Bên cạnh đó, Ngân hàng CSXH tiếp tục tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai đồng bộ các giải pháp để tập trung nguồn lực cho Ngân hàng CSXH thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng CSXH; quan tâm bố trí ngân sách chuyển vốn hằng năm qua Ngân hàng CSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, gắn việc chuyển vốn ủy thác qua Ngân hàng CSXH với việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội hằng năm trên địa bàn, nhất là việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo nhanh, bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó, Ngân hàng CSXH tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả, chất lượng các chương trình tín dụng CSXH trên địa bàn, đảm bảo vốn tín dụng chính sách được chuyển tải kịp thời đến đúng đối tượng thụ hưởng, sử dụng đúng mục đích và hoàn trả đầy đủ khi đến hạn; tổ chức giải ngân kịp thời nguồn vốn cho vay, phấn đấu hoàn thành 100% kế hoạch tín dụng được giao hằng năm và tập trung đôn đốc thu hồi dứt điểm nợ đến hạn, nợ quá hạn, nợ lãi tồn đọng.

Chưa kể, Ngân hàng CSXH sẽ tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng CSXH; tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác cho vay, chất lượng các tổ tiết kiệm và vay vốn, chất lượng hoạt động của các điểm giao dịch tại xã, đảm bảo hiệu quả và tuân thủ theo đúng quy trình, quy định...

* PV: Xin cảm ơn đồng chí!

THẾ ANH (thực hiện)

.
.
.