.

"Nhịp đập" doanh nghiệp dần ổn định - BÀI 1: Khởi sắc

Cập nhật: 09:56, 16/09/2022 (GMT+7)

Khảo sát thực tế từ chính các DN cho thấy nhiều dấu hiệu lạc quan sau thời gian dài gặp khó khăn.

TRỞ LẠI GUỒNG QUAY

Kế hoạch 112 của UBND tỉnh về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tiền Giang 2 năm 2022 - 2023 gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ đã bắt đầu phát huy hiệu quả. Nhiều DN đã bắt đầu trở lại guồng quay sản xuất, kinh doanh (SXKD) như trước khi dịch bệnh xảy ra.

Hầu hết các DN đã trở lại guồng quay SXKD ổn định.
Hầu hết các DN đã trở lại guồng quay SXKD ổn định.

Trao đổi liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Công ty TNHH Vinh Hiển (huyện Gò Công Tây) Huỳnh Văn Danh cho biết, nhìn chung sau khi dịch bệnh được kiểm soát, tình hình hoạt động của DN cơ bản đã trở lại ổn định, công ty cũng đã thu mua khoảng 95% lúa nằm trong diện liên kết của nông dân.

“Nếu tính tổng thể, hoạt động của công ty cũng đạt mức 90% so với trước khi dịch bệnh diễn ra. Đối với mặt hàng gạo, hiện nay nhu cầu tiêu thụ cũng khá lớn, cả nội địa và xuất khẩu. Tất nhiên, trong quá trình SXKD hiện nay DN cũng chịu áp lực khác”- ông Danh cho biết.

Cũng liên quan đến tình hình phục hồi SXKD của khối DN, Giám đốc Công ty TNHH TMDV Trí Sơn Bùi Băng Sơn cho rằng, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, tình hình SXKD cơ bản được phục hồi, doanh số của công ty tăng trưởng khoảng 20%. “Trong chặng đường tiếp theo, ngoài tính toán tạo ra các sản phẩm mới, hướng đến mục tiêu xuất khẩu, công ty cũng đang tính toán xây dựng Trung tâm Yến sào có quy mô lớn gắn kết với ngành Du lịch để giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của tỉnh, hướng đến mục tiêu đầu tư 50 nhà nuôi yến...”- ông Sơn cho biết.

Tất nhiên, tiến trình phục hồi kinh tế cũng không diễn ra đồng đều trên tất cả các nhóm ngành hay lĩnh vực. Do tác động của nhiều yếu tố, nên cũng có một số nhóm ngành còn khó khăn. Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Nông Thuận Phát Nguyễn Văn Ửng cho rằng, mặc dù thị trường đã thông thoáng, tình hình SXKD của nhiều nhóm ngành đã cơ bản trở lại guồng quay cơ bản nhưng nhóm ngành phân bón lại có những khó khăn riêng.

“Do tác động của nhiều yếu tố, hiện công ty cũng đang “thấm đòn”, doanh số giảm nhiều so với năm trước. Một trong những nguyên nhân là giá nguyên liệu phân bón tăng quá cao, tác động trực tiếp  đến giá bán dẫn đến nhu cầu tiêu thụ của nông dân cũng phải cân nhắc. Nhìn chung, sức mua của nông dân đã giảm khá lớn. Tình hình biến động giá đối với ngành phân bón khả năng vẫn còn kéo dài đến cuối năm nay, nên DN trong nhóm ngành này sẽ tiếp tục khó”- ông Ửng cho biết.

ĐI QUA KHÓ KHĂN

Đánh giá chung về tình hình phục hồi kinh tế trên địa bàn tỉnh nói chung, ở khối DN nói riêng, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Tiền Giang Trần Thanh Đức cho rằng, cộng đồng DN tỉnh đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất của đại dịch Covid-19.

Sau đại dịch, tỉnh đã tập trung các giải pháp, kế hoạch để phục hồi và phát triển kinh tế. Trên cơ sở đó, hoạt động SXKD của các DN cũng từng bước phục hồi. Tuy nhiên, hoạt động khôi phục SXKD của DN chỉ thật sự khởi sắc trong 6 tháng trở lại đây. Sự hồi phục này được đánh giá là ngoạn mục thể hiện ở khía cạnh thị trường xuất khẩu và trong nước.

Các DN trên địa bàn tỉnh khôi phục rất thành công về mặt thị trường, lao động. Trước đây, ngành hàng Thủy sản xuất khẩu rất khó khăn, nhưng sau đại dịch các DN có ngay thị trường để xuất khẩu nhiều đơn hàng tồn đọng trước đó và có nhiều đơn hàng mới. Số lao động quay trở lại nhà máy chiếm tỷ lệ rất cao.

Các DN đã đổi mới công tác quản lý; tiếp cận nguồn vốn, chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho DN và người lao động được thực hiện tương đối đầy đủ. Đây là điều kiện quan trọng để giúp các DN khôi phục hoạt động SXKD, đặc biệt là tiếp cận nguồn vốn, ưu đãi về lãi suất cho vay.

Chính vì vậy, có thể đánh giá rằng, các DN tỉnh qua đại dịch đã khôi phục hoàn toàn hoạt động SXKD; đồng thời, có những kinh nghiệm trong công tác quản lý, khắc phục được những tình huống khẩn cấp, luôn nâng cao được ý thức dự phòng cho những tình huống rủi ro ngoài dự báo.

Cũng theo Tiến sĩ Trần Thanh Đức, để các DN phát triển bền vững, ngoài các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, sự tự thân vươn lên chính là yếu tố quyết định. Thực tế cho thấy, sự thành công của các DN lớn cũng nhờ vào sự chủ động trong tiếp cận công nghệ mới để luôn làm mới sản phẩm, chủ động về mặt thị trường, công nghệ. Các DN chủ động đổi mới từ công tác quản lý, thị trường, sản phẩm sát với nhu cầu thực tế.

Không dừng lại ở đó, các DN còn định hướng cả nhu cầu tiêu dùng. Sản phẩm của họ không chỉ phục vụ cho nhu cầu của thị trường, mà họ còn biết tạo ra nhu cầu cho thị trường. DN Tiền Giang phải học điều này, đặc biệt là phải vượt qua sự bằng lòng của bản thân, phải mở ra phương hướng SXKD (sản phẩm, thị trường, công nghệ...) mới.

Những DN làm tốt những việc này thì việc khôi phục sau đại dịch cũng nhanh hơn, thị trường được mở rộng. Như vậy, việc tiếp cận những cái mới, đổi mới trong công tác quản lý, đặc biệt là thực hiện chuyển đổi số rất quan trọng. Tất nhiên, quá trình kinh doanh là để tìm kiếm lợi nhuận, nhưng DN cũng phải hướng đến lợi ích cộng đồng. Thành công của những DN lớn ở Việt Nam và trên thế giới đều thể hiện trách nhiệm cao với cộng đồng.

Nhìn một cách tổng thể hơn, với quyết tâm phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch năm 2022, theo đánh giá của UBND tỉnh, các hoạt động kinh tế - xã hội đã trở lại trạng thái bình thường mới, sản xuất nông nghiệp ổn định, sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá; hoạt động thương mại - dịch vụ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, xuất khẩu tăng trưởng tốt; thu hút đầu tư tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ; số DN thành lập mới đạt cao nhất trong các năm gần đây; lĩnh vực an sinh xã hội tiếp tục được đảm bảo, tình hình phạm tội về trật tự xã hội giảm, tai nạn giao thông đường bộ giảm mạnh trên cả 3 mặt…

Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng gặp không ít khó khăn như: Khả năng cạnh tranh, vấn đề tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, tái cấu trúc ngành Công nghiệp, tình hình an ninh, trật tự có lúc, có nơi phát sinh sự vụ, sự việc phức tạp; dịch Covid-19 vẫn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh các biến chủng mới, diễn biến còn phức tạp... tác động tiêu cực đến hoạt động SXKD và mọi mặt đời sống xã hội, an sinh xã hội...

ANH PHƯƠNG - MINH THÀNH

.
.
.