.

Nông dân huyện Cai Lậy: Kỳ vọng từ xuất khẩu sầu riêng chính ngạch

Cập nhật: 10:28, 15/10/2022 (GMT+7)

Sầu riêng xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc là tin vui đối với nông dân các vùng chuyên canh sầu riêng. Thời điểm này, nông dân huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đang bắt tay cho những mùa vụ sầu riêng mới, với sự chuẩn bị về chất lượng nông sản cùng kỳ vọng về thị trường tiêu thụ.

Những ngày này, ông Nguyễn Văn Đức (ấp 4, xã Cẩm Sơn) tập trung chăm sóc 0,8 ha sầu riêng, sẵn sàng cho mùa vụ mới. Gần 10 năm gắn bó với cây trồng này, ông Đức áp dụng kỹ thuật chăm sóc phù hợp theo từng giai đoạn để vườn cây đạt năng suất, chất lượng cao.

Thu hoạch sầu riêng ở xã Ngũ Hiệp. Ảnh: Duy Nhựt
Thu hoạch sầu riêng ở xã Ngũ Hiệp. Ảnh: Duy Nhựt

Năm 2022, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Cẩm Sơn thực hiện mô hình sản xuất sầu riêng VietGAP với 35 ha và ông Đức là 1 trong 39 hộ tham gia. Đây được xem là bước chuẩn bị để mở rộng vùng chuyên canh sầu riêng chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Ông Đức lạc quan: “Khi sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch, giá cả sẽ ổn định hơn. Muốn đáp ứng yêu cầu thị trường, chúng tôi phải tuân thủ quy trình canh tác để sản phẩm đạt chất lượng. Bước đầu tuy còn khó khăn, nhưng ai cũng sẵn sàng”.

Theo ông Nguyễn Tấn Tài, Chi hội trưởng Chi hội nông dân ấp 4 (xã Cẩm Sơn), địa bàn ấp có 11 hộ tham gia sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP, với gần 10 ha. Thông qua tập huấn, nông dân sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép; đặc biệt là chuyển dần sang các loại phân bón vi sinh, chế phẩm sinh học để bảo vệ cây trồng. Quá trình sản xuất được ghi nhật ký, lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sử dụng đều tuân thủ quy trình. Hiện nay, diện tích sầu riêng trong vùng liên kết đang phát triển tốt, cho năng suất cao.

 Nông dân các vùng chuyên canh sầu riêng ở huyện Cai Lậy kỳ vọng về thị trường tiêu thụ.
Nông dân các vùng chuyên canh sầu riêng ở huyện Cai Lậy kỳ vọng về thị trường tiêu thụ.

Huyện Cai Lậy hiện có hơn 9.200 ha vườn chuyên canh sầu riêng, tập trung ở các xã phía Nam Quốc lộ 1. Với lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, cây sầu riêng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Tuy nhiên, mỗi mùa vụ mới, nông dân trồng chuyên canh vẫn thấp thỏm với điệp khúc “được mùa, mất giá”. Thông tin xuất khẩu chính ngạch đã “mở lối” cho thị trường tiêu thụ sầu riêng.

Phát huy giá trị cây trồng chủ lực, huyện Cai Lậy đẩy mạnh các chương trình liên kết sản xuất an toàn, đáp ứng thị trường xuất khẩu. Toàn huyện có hơn 335 ha sầu riêng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP. Riêng năm 2022, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục hỗ trợ mở rộng vùng trồng sầu riêng đạt tiêu chuẩn VietGAP cho 10 hợp tác xã và tổ hợp tác với hơn 165 ha, 374 hộ tham gia.

Cùng với việc tổ chức lại sản xuất, huyện Cai Lậy phối hợp triển khai công tác hỗ trợ cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói trái cây tươi cho các hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ chức, cá nhân. Toàn huyện có 81,27 ha sầu riêng đã được cấp mã số vùng trồng tại các xã Hội Xuân, Tam Bình. Hiện nay, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang đã hoàn thiện hồ sơ, tiếp tục đề nghị Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số vùng trồng cho hơn 596 ha sầu riêng tại các xã phía Nam Quốc lộ 1.  

Dù còn nhiều khó khăn để sầu riêng “rộng lối” sang thị trường các nước, đặc biệt là công tác cấp, quản lý, giám sát mã số vùng trồng, duy trì các yêu cầu kỹ thuật theo quy định của nước nhập khẩu, nhưng đây cũng là cơ hội để nông dân thay đổi tư duy, sản xuất chuyên nghiệp hơn, hướng đến thị trường tiêu thụ bền vững.

TRƯỜNG GIANG

.
.
.