.

180 ngày "chạy đua" gỡ "thẻ vàng" EC

Cập nhật: 17:14, 06/12/2022 (GMT+7)

(ABO) 180 ngày là khoảng thời gian Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra để nước ta khắc phục những tồn tại trong công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Chính phủ đang triển khai quyết liệt để gỡ "thẻ vàng" EC.

QUYẾT LIỆT NHƯNG CHƯA ĐẠT HIỆU QUẢ

Công tác chống IUU của nước ta có chuyển biến nhưng chưa đạt mục tiêu.
Công tác chống IUU của nước ta có chuyển biến nhưng chưa đạt mục tiêu.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước xảy ra 75 vụ vi phạm IUU với 104 tàu (919 ngư dân) bị nước ngoài bắt giữ, xử lý tập trung tại các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau và Kiên Giang.

Tỉnh Bình Định là địa phương có nhiều vụ vi phạm khai thác IUU trong thời gian qua. Theo UBND tỉnh Bình Định, toàn tỉnh có 5.800 phương tiện khai thác hải sản; trong đó, các tàu xa bờ chủ yếu đánh bắt ở ngư trường phía Nam.

Hiện 100% tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và có quy chế quản lý.

Công tác quản lý tại cảng cá đã được quản lý theo đúng quy định của Bộ NN&PTNT.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn, từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh có 37 tàu vi phạm IUU; trong đó, chủ yếu là các tàu biển kiểm soát tỉnh Bình Định, nhưng neo đậu ở các cảng của tỉnh khác.

Trong 37 tàu vi phạm, chỉ có 10 tàu trên 15 m, còn lại là 27 tàu từ 12 m đến 15 m. Theo quy định, tàu từ 12 m đến 15 m thì không bắt buộc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Do đó, đây cũng là vấn đề.

Tỉnh Bến Tre cũng là địa phương có đội tàu khai thác hải sản lớn. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam, toàn tỉnh có 3.431 tàu khai thác thủy, hải sản; trong đó có 2.045 tàu từ 15 m trở lên.

Hiện tỉnh có khoảng 650 tàu thường xuyên neo đậu ở tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau rất nhiều năm không về địa phương.

Trong thời gian qua, công tác chống IUU đã được tỉnh triển khai quyết liệt. Nhận thức về chống IUU đã được nâng lên rất rõ từ bộ máy chính quyền đến ngư dân.

Tuy nhiên, trong năm 2021, tỉnh có 7 vụ vi phạm IUU với 7 tàu. Năm 2022, ở tỉnh cũng xảy ra 5 vụ vi phạm IUU với 9 tàu.

Tỉnh Kiên Giang cũng là địa phương có tàu cá vi phạm khai thác IUU trong năm 2022. Theo UBND phường Vĩnh Quang, TP. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, hiện trên địa bàn phường có 356 chiếc tàu khai thác hải sản, đang hoạt động là 297 chiếc, còn lại đều nằm bờ.

Trong đó, có 81 chủ tàu ký cam kết với phường không vi phạm trong khai thác hải sản. Dù công tác chống khai thác IUU đã được triển khai quyết liệt, đồng bộ, nhưng trong năm 2022, ở phường vẫn còn xảy ra 2 trường hợp với 3 tàu vi phạm IUU; có 23 ngư dân bị nước ngoài tạm giữ.

Cũng theo lãnh đạo UBND phường Vĩnh Hoan, TP. Rạch Giá, qua tìm hiểu thực tế tại nhà của các chủ tàu vi phạm IUU, nguyên nhân dẫn đến vi phạm là do chủ tàu giao khoán cho thuyền trưởng.

Theo giao ước, tàu đánh bắt ở ngư trường nào không quan trọng, chỉ cần không vi phạm vùng biển nước ngoài là được và ăn chia theo tỷ lệ chủ 6, thuyền trưởng và thuyền viên 4.

Vì lợi nhuận, có nhiều thuyền trưởng bất chấp, lén lút khai thác vùng biển nước ngoài.

“Chỉ cần đánh bắt ở vùng biển nước bạn 1, 2 chuyến thôi khi về bờ là đủ tiền xây nhà, mua sắm tài sản…

Nếu không may bị bắt thì mất tàu của chủ và ngồi tù vài tháng rồi về. Tâm lý này hết sức nguy hiểm” - lãnh đạo UBND phường Vĩnh Hoan thông tin thêm.

THÁO GỠ BẤT CẬP

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn, hiện nay, việc ghi chép các tàu ra, vào cảng, nhật ký khai thác của phương tiện chủ yếu bằng thủ công.

Do đó, các hạn chế mà phía EC đưa ra bắt buộc chúng ta phải sử dụng công nghệ mới giải quyết được. Hiện tỉnh Bình Định đang thí điểm cho 100 tàu ghi nhật ký khai thác bằng ứng dụng công nghệ.

Nếu triển khai thành công thì trong 1, 2 tháng tới, tỉnh sẽ triển khai trên diện rộng.

Từ đầu năm đến nay, tỉnh Tiền Giang không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ.
Từ đầu năm đến nay, tỉnh Tiền Giang không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ.

Một trong những giải pháp quan trọng sẽ thực hiện chuyển đổi nghề cho ngư dân theo 2 hướng là chuyển sang nuôi trồng hải sản và phát triển du lịch.

Còn theo Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam, mức xử phạt các phương tiện vi phạm IUU hiện nay còn nhẹ.

Do đó, trong thời gian tới, cần phải xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Đồng chí Trần Ngọc Tam cho rằng, hiện nguồn lợi hải sản đang cạn kiệt nên việc giảm số lượng tàu nhằm giảm cường độ khai thác để giúp tái tạo nguồn lợi hải sản.

Đây là việc làm cần thiết. Đồng thời, cần có chính sách chuyển đổi nghề nghiệp cho ngư dân. Hiện tỉnh Bến Tre đang cũng đã xây dựng đề án chuyển đổi nghề nghiệp cho ngư dân.

Song do nguồn lực có hạn nên đây là vấn đề lớn. Do đó, tỉnh đề nghị Chính phủ cần có chính sách để chuyển đổi nghề nghiệp đồng bộ ở các tỉnh.

Đối với tỉnh Bến Tre, tỉnh có chủ trương phát triển về hướng phía Đông, chú trọng phát triển nuôi trồng thủy sản.

Tỉnh đang định hướng phát triển vùng nuôi tôm 4.000 ha công nghệ cao. Các khu, cụm công nghiệp của tỉnh sắp tới sẽ chuyển ra hướng biển nhiều hơn.

Do đó, tỉnh đang xây dựng đề án chuyển đổi nghề nghiệp dựa trên những định hướng phát triển này.

Trên thực tế, hầu như ngư dân trên cả nước đều gặp khó khăn về nguồn vốn. Rất nhiều trường hợp vay vốn ngân hàng nhưng không có điều kiện trả dẫn đến nợ xấu.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành, giải pháp của tỉnh tới đây trong chống vi phạm IUU là đề nghị ngành Ngân hàng nghiên cứu đề xuất với Trung ương, Chính phủ khoanh nợ, giãn nợ cho các chủ tàu cá. Điều này nhằm giúp địa phương cơ cấu lại đội tàu đánh bắt hải sản.

“Việc xử phạt vi phạm là đúng rồi, nhưng nếu không có cơ chế để tháo gỡ khó khăn thì rất là khó. Kiên Giang đã điều tra, khảo sát lại vùng nuôi trồng, xác định vùng nào được khai thác, vùng nào sẽ bảo tồn.

Địa phương cũng đang xây dựng đề án chuyển đổi nghề cho ngư dân, cơ cấu lại đội tàu đánh bắt để trong thời gian tới ngư dân có điều kiện phát triển sản xuất.

Đây là một cơ chế, giải pháp để ngăn ngừa hành vi vi phạm” - đồng chí Lâm Minh Thành thông tin thêm.

HÀNH ĐỘNG QUYẾT LIỆT

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến với 28 tỉnh, thành vào chiều ngày 1-12 về công tác chống IUU, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành phối hợp với các địa phương rà soát tổng thể về các biện pháp kỹ thuật, công nghệ để chống IUU, điều chỉnh các quy định phù hợp với tình hình; rà soát lại lực lượng lao động khai thác thủy hải sản, phân loại đối tượng, tạo sinh kế, chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân, giảm lực lượng khai thác hải sản.

Thủ tướng cũng yêu cầu nghiên cứu, cơ cấu lại các khoản vay của ngư dân để xử lý; tiếp tục thực hiện các biện pháp xử lý hành chính đối với các hành vi IUU, nếu vi phạm pháp luật hình sự phải cương quyết xử lý.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ NN&PTNT phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát các nghị định, thông tư, các quy định, văn bản pháp luật để phát hiện những vướng mắc, kẽ hở để điều chỉnh phù hợp, sát thực tế. Đặc biệt là phải tăng cường phối hợp chặt chẽ với nhau cùng thực hiện chống IUU.

Thủ tướng đề nghị Bộ Ngoại giao tiếp tục vận động quốc tế chia sẻ trong vấn đề này vì Việt Nam là đất nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi.

Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn người dân sử dụng các thiết bị công nghệ trong hoạt động khai thác. Các doanh nghiệp cần hợp tác với người dân để mở rộng thị trường, tạo sinh kế.

Ngân hàng Nhà nước quan tâm, chỉ đạo xử lý các vấn đề về khoanh nợ, giãn nợ, cơ cấu nợ một cách cụ thể.

Đối với ngư dân, chúng ta vừa phải giáo dục ý thức, tạo cơ hội cho thực hiện các nghĩa vụ, tạo việc làm, sinh kế lâu dài.

Thủ tướng yêu cầu khẩn trương xây dựng Chương trình, kế hoạch hành động 180 ngày thực hiện các khuyến nghị của EC trong việc gỡ "thẻ vàng" IUU.

Bên cạnh đó là xây dựng chiến lược lâu dài trong việc chống IUU với việc đánh giá tình hình khai thác, nuôi trồng; xây dựng các quy hoạch; tạo sinh kế, chuyển đổi nghề nghiệp bền vững cho người dân...

TRỌNG ĐẠT

 

.
.
.