.

Nếu thương chợ nổi thì về miền Tây

Cập nhật: 15:43, 12/02/2023 (GMT+7)

Chợ nổi trở thành “đặc sản” riêng biệt, chỉ có đất phù sa Chín Rồng - ĐBSCL mới có. Những phiên chợ họp cùng con nước lên xuống theo dòng thủy triều, đời thương hồ lắm lúc cũng tròng trành như cơn sóng, nhưng người ta vẫn nở nụ cười hào sảng, khách phương xa một lần ghé qua cứ tiếc hoài: Lỡ mai này chợ nổi phải “chìm”…

Nước theo sông cái (ý chỉ những con sông lớn) đổ về khắp nẻo, kênh rạch chằng chịt, len lỏi qua từng rặng dừa, đám ruộng ở miệt vườn phù sa… Hình thức sinh hoạt dựa vào con nước, nương theo địa hình mà chợ nổi dần hình thành theo bước ông cha từ thuở xa xưa. Chợ họp ở sông lớn, hay ngã năm, ngã bảy để thuận lợi giao thương, rồi từ đó nông sản, hàng hóa bán sỉ từ ghe lớn qua ghe nhỏ, từ ghe nhỏ chia về bán lẻ khắp nơi.

a
Chợ nổi Ngã Năm Sóc Trăng nhộn nhịp ghe mua bán. Ảnh: NSNA HOÀNG THẠCH VÂN

Người ta hay nói thương hồ hào sảng có lẽ cũng từ cách buôn bán sỉ, một chục đâu hẳn có mười mà có khi mười hai, mười bốn… cũng không chừng. Mua bán, nhắm có lời thì thêm mấy trái, hay bớt chút đỉnh tiền xăng dầu là chuyện bình thường. Chợ họp sớm, tan nhanh. Ngủ trưa trời trưa trật thì khó mà mần ăn nơi chợ nổi cho kịp.

Buôn bán trên sông, tiếng sóng nước cứ vanh vách, xen lẫn tiếng người rôm rả, có là sức thanh niên trai tráng cũng không đủ hơi để rao cho nổi, bởi thế mà cây bẹo ra đời. Trước ghe cắm cây sào (thường là cây tre) thật cao, rồi bán gì treo nấy, lủng lẳng trên cao nào dưa hấu, bắp cải nồi to tướng. Mà cái tài của dân thương hồ chợ nổi ở chỗ bán năm này tháng nọ, gió sông lồng lộng mà chưa hề có trái nào rớt xuống trúng khách.

Và ghe cũng như nhà, bởi cuộc đời nổi trôi theo con nước, chiếc ghe thương hồ có đủ tiện nghi để sinh hoạt như một ngôi nhà nhỏ trên sông. Có đứa nhỏ sinh ra, lớn lên trên chiếc ghe của tía má, rồi dựng vợ gả chồng, tài sản cũng là chiếc ghe để ra riêng. Đó gần như là mẫu số chung của những ghe thương hồ nhiều chục năm về trước, có người gần như gắn bó cả đời với sông nước, neo đậu nơi nào cũng là bến quê.

Nhưng nhịp đời thay đổi dần theo năm tháng, dân thương hồ hiện tại phần nhiều có nhà cửa ổn định trên bờ, họ mua bán trên sông nước vì đã quen cách mần ăn nơi chợ nổi. Và chợ nổi bây giờ cũng trở thành nỗi niềm mà nghĩ lẽ nào cũng thương nhiều hơn trách. Khi người ta khai thác để đưa vào du lịch, chợ nổi mua bán cái gì cũng mắc hơn trên bờ, khách đến một lần mà đã nản thì nói gì đến lần thứ hai. Tô hủ tiếu, ly cà phê trên sông trở thành món hàng để người ta chặt chém du khách, ngon thì hẳn không bằng trên bờ, chỉ khác là ăn trên sông mà lại tốn tiền hơn.

Đường sá được mở rộng nhiều hơn, vận chuyển từ miệt vườn lên phố cũng thênh thang lựa chọn, chứ không chỉ theo con đường sông nước. Ghe thương hồ giảm dần cũng là điều dễ hiểu, nhưng người ta buồn có lẽ cũng vì nhịp sống nhanh theo tốc độ đô thị hóa, nét văn hóa sinh hoạt nơi miệt vườn sông nước cứ tròng trành theo con sóng rồi mai một dần.

Nhiều năm trở lại đây, các cuộc hội thảo, tọa đàm để bảo tồn chợ nổi, giữ lấy nếp sinh hoạt miệt vườn đã vang danh khắp Nam kỳ lục tỉnh, được nhiều người quan tâm. Nhưng nỗi niềm vẫn cứ trăn trở, khi chợ nổi dành cho du lịch chẳng thay đổi gì, khách lướt qua chỉ đọng lại chuyện buôn bán chặt chém; muốn thấy cảnh ghe thương hồ, buôn bán sỉ nông sản miệt vườn thì phải đi xa hơn, xuôi về chợ nổi Ngã Năm Sóc Trăng. Vài năm hay nhiều năm về sau nữa, cũng chẳng biết muốn tìm chợ nổi đúng nét miệt vườn sông nước phải xa đến tận đâu mới còn…

Miền Tây mênh mông sông nước, nẻo đường nào cũng sông rạch nối nhau, lỡ mai này chợ nổi phải “chìm”, ghe thương hồ chỉ còn là hoài niệm, người ta về đất phù sa hát câu vọng cổ ngổn ngang nỗi niềm…

Theo sggp.org.vn



 

.
.
.