Đẩy mạnh hỗ trợ đăng ký bảo hộ, tăng cường quảng bá sản phẩm OCOP
(ABO) Sau khi giám sát thực tế ở một số hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp (DN), địa phương cấp huyện, ngày 27-4, Đoàn giám sát HĐND tỉnh Tiền Giang đến làm việc với Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và Sở Công thương về công tác quy hoạch sản xuất nông nghiệp, tình hình sản xuất, tiêu thụ nông sản và triển khai chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.
Báo cáo tại buổi làm việc, Sở KH&CN cho biết, những năm qua, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản, trình HĐND tỉnh ban hành nhiều nghị quyết hỗ trợ và phát triển về KH&CN của tỉnh nói chung và lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh nói riêng. Đồng thời, phối hợp với ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai và ứng dụng 28 nhiệm vụ KH&CN (13 cấp tỉnh, 15 cấp cơ sở).
Qua đó, đã góp phần quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, phát triển sản phẩm chủ lực của từng địa phương dựa trên điều kiện tự nhiên, sinh thái đặc trưng về thổ nhưỡng, chất lượng nước tưới tiêu của từng vùng, các yếu tố tác động của biến đổi khí hậu; chú trọng đến việc ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, sản xuất sạch trong lĩnh vực nông nghiệp... đáp ứng nhu cầu thực tiễn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Công tác nghiên cứu, triển khai, chuyển giao các đề tài ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, sản xuất sạch trong lĩnh vực nông nghiệp ngày càng đi vào thực tế, phục vụ tốt cho sản xuất nông nghiệp. Cụ thể, đến nay, Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ sinh học (TTKT&CNSH) đã xây dựng và hoàn thiện 18 mô hình ứng dụng công nghệ cao và 4 mô hình ứng dụng công nghệ sinh học đã áp dụng tại TTKT&CNSH và chuyển giao nhân rộng cho các doanh nghiệp huyện, thị trong tỉnh cũng như cho các tỉnh, thành khác.
Đoàn khảo sát thực tế tại TTKT&CNSH. |
Việc tăng cường bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) cũng như xây dựng, phát triển và quảng bá thương hiệu các sản phẩm, hàng hóa đặc sản, tỉnh Tiền Giang đến nay đã có thêm nhiều nhãn hiệu chứng nhận được Cục SHTT cấp văn bằng bảo hộ như: Gạo Gò Công, dưa hấu Gò Công, kẹo khóm Tân Phước, lạp xưởng Cai Lậy...
Những nhãn hiệu này đã giúp các địa phương thúc đẩy sự phát triển các sản phẩm chủ lực, kết nối vào các chương trình lớn của Nhà nước như: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đồng thời góp phần giúp các chủ thể như HTX, DN, cơ sở sản xuất có thể đưa sản phẩm tiêu thụ trên thị trường góp phần quảng bá đặc sản của địa phương, hạn chế các hành vi giả mạo...
Tuy nhiên, bên cạnh đó, Sở KH&CN cũng còn nhiều khó khăn như: Việc thương mại hóa kết quả của nhiệm vụ KH&CN khó triển khai thực hiện kể từ khi nhiệm vụ kết thúc, do đa số sản phẩm của các nhiệm vụ chỉ mới dừng lại ở mức hỗ trợ nghiên cứu để tạo ra giải pháp quản lý, giải pháp kỹ thuật ứng dụng trong phạm vi ngành, địa phương; sức cạnh tranh trên thị trường của sản phẩm từ kết quả của nhiệm vụ KH&CN chưa cao.
Bên cạnh đó, việc nhân rộng các mô hình sản xuất tiên tiến, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, sản xuất sạch còn khó khăn do vốn đầu tư lớn, đòi hỏi trình độ quản lý, tay nghề cao và có nhiều rủi ro về giá cả, thị trường tiêu thụ. Ngoài ra, cơ sở vật chất kỹ thuật và nhân lực có chuyên môn phục vụ nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học còn nhiều hạn chế, cơ sở hạ tầng chưa phù hợp, chưa được đào tạo chuyên sâu. Mối liên kết giữa nghiên cứu, ứng dụng và sản xuất, kinh doanh, giữa các tổ chức nghiên cứu, DN và nông dân chưa khắng khít...
Đoàn giám sát làm việc với Sở KH&CN. |
Còn theo báo cáo của Sở Công thương, thời gian qua, hoạt động hỗ trợ quảng bá, xúc tiến thương mại, xuất khẩu tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp được Sở triển khai hiệu quả, thông qua hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại đã góp phần hỗ trợ, khuyến khích các DN, HTX trên địa bàn tỉnh quảng bá hình ảnh, giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng trong và ngoài nước nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm của địa phương; khai thác, huy động tối đa nguồn lực của các thành phần kinh tế trong hoạt động xúc tiến thương mại, góp phần quan trọng trong việc tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường, phát triển kinh tế tỉnh nhà.
Đồng thời, thúc đẩy và tăng cường mối liên kết trao đổi, hợp tác giữa các địa phương, DN. Cùng với đó, Sở tập trung thực hiện các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, bộ, ngành và chính sách hỗ trợ của tỉnh; hỗ trợ DN sản xuất, HTX ứng dụng thương mại điện tử để quảng bá, giới thiệu, phân phối và tiêu thụ hàng nông sản...
Tuy nhiên, hiện Sở Công thương cũng còn một số khó khăn, hạn chế như: Hàng nông sản của tỉnh vào các hệ thống phân phối siêu thị, trung tâm thương mại không nhiều do chưa đáp được yêu cầu về quy trình sản xuất, chất lượng nông sản không đồng đều, sản phẩm có truy xuất nguồn gốc còn chưa nhiều, sản phẩm chưa bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm… Việc kết nối, tiêu thụ nông sản gặp không ít khó khăn do một số sản phẩm hàng hóa sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, sản phẩm chưa bảo đảm an toàn chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP...
Bên cạnh đó, sản phẩm công nghiệp của tỉnh đến nay chủ yếu theo phương thức truyền thống là sơ chế nên giá trị gia tăng thấp; chưa hình thành công nghiệp chế biến sâu, ứng dụng công nghệ cao.
Đối với hoạt động xuất khẩu, khó khăn lớn nhất hiện nay của DN xuất khẩu tỉnh Tiền Giang là vấn đề vận chuyển hàng hóa như: Chi phí logistics tăng, thiếu container rỗng, chi phí kho bãi ở cảng tăng, các thị trường nhập khẩu nông sản liên tục đưa ra những thay đổi trong quy định chứng nhận an toàn thực phẩm… Ngoài ra, năng lực cung ứng của các DN ngành hàng của tỉnh còn hạn chế, khó cung ứng được đối với những đơn hàng có số lượng lớn và thường xuyên...
Tại buổi làm việc, các đại biểu cũng phân tích thảo luận, đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ cho 2 ngành trong thời gian tới.
Phát biểu tại buổi làm việc, Trưởng Đoàn giám sát Trần Thanh Nguyên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đề nghị Sở KH&CN tiếp tục nâng cao năng lực quản lý nhà nước đối với lĩnh vực KH&CN; trong đó, chú trọng lĩnh vực nông nghiệp, tham mưu cho UBND tỉnh cân đối nguồn lực trong tỉnh, tranh thủ nguồn lực quốc gia để xây dựng chương trình nghiên cứu cơ bản lâu dài, nhằm cụ thể hóa nghị quyết của Tỉnh ủy về nông nghiệp, nông thôn.
Đồng thời, thực tiễn quá trình triển khai nghị quyết có khó khăn thì tham mưu UBND tỉnh tháo gỡ, cần thiết thì trình HĐND tỉnh ban hành quyết sách mới tạo điều kiện cho Sở thực hiện tốt nhiệm vụ KH&CN, để gia tăng hàm lượng, giá trị KH&CN ứng dụng vào nông nghiệp.
Cùng với đó là tiếp tục nhân rộng các mô hình hiệu quả, các chương trình chuyển giao, nâng cao chất lượng các loại giống lúa, cây trồng, rau màu… bài bản hơn; phối hợp với ngành Nông nghiệp nghiên cứu mô hình sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu; đẩy mạnh chương trình hỗ trợ đăng ký bảo hộ sản phẩm OCOP, nhất là các HTX, DN sản xuất sản phẩm OCOP, hướng đến xây dựng sản phẩm OCOP đạt chuẩn 5 sao…
Đoàn giám sát làm việc với Sở Công thương |
Đối với ngành Công thương, đồng chí đề nghị tiếp tục thực hiện tốt Đề án Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang năm 2022 và Đề án Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Đồng thời, quan tâm nâng cao chuỗi giá trị; nghiên cứu xác định thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế tham mưu UBND tỉnh có chính sách chiến lược lãnh đạo tập trung; phối hợp với các ngành liên quan hỗ trợ nâng cao chất lượng hoạt động của HTX trên địa bàn tỉnh, đây cũng là một kênh quan trọng để thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển; phối hợp các ngành đề xuất chính sách mời gọi DN đầu tư vùng nguyên liệu, chế biến trái cây sâu. Bên cạnh đó là đẩy mạnh việc quảng bá sản phẩm OCOP trên sàn thương mại điện tử sao cho người dân dễ tiếp cận hơn, tăng cường quảng bá sản phẩm đến bạn bè trong nước và quốc tế.
HOÀI THU