.

Tiền Giang vượt qua hạn, mặn

Cập nhật: 10:11, 26/04/2023 (GMT+7)

Nhờ chủ động triển khai các giải pháp bảo vệ sản xuất và nước sinh hoạt cho người dân trong mùa khô 2022 - 2023, đến thời điểm này, Tiền Giang đã vượt qua hạn, mặn.

PHÍA ĐÔNG: NGUỒN NƯỚC CÒN DỒI DÀO

Cũng như những năm gần đây, năm nay, tỉnh tiếp tục thực hiện việc cắt vụ lúa thu đông tại khu vực phía Đông của tỉnh để “né” mặn. Điều này giúp người dân chủ động trong việc đẩy sớm lịch thời vụ lúa đông xuân, tránh bị ảnh hưởng hạn, mặn. “Kịch bản” này đã được tỉnh áp dụng thành công từ sau đợt hạn, mặn lịch sử cuối năm 2019, đầu năm 2020.

Lúa đông xuân vùng  Ngọt hóa Gò Công vượt hạn,  mặn thành công.
Lúa đông xuân vùng Ngọt hóa Gò Công vượt hạn, mặn thành công.

Cùng với giải pháp cắt vụ, ngành Nông nghiệp còn tăng cường tích trữ nước ngọt trên các kinh, rạch nội đồng. Theo đó, các địa phương đã tiến hành nạo vét các tuyến kinh, rạch bị bồi lắng, trục vớt lục bình, cỏ… để tăng lượng nước tích trữ. Thời điểm độ mặn xâm nhập đến khu vực cống Xuân Hòa (huyện Chợ Gạo), khi độ mặn dưới 1 g/l, ngành Nông nghiệp tiến hành cho lấy gạn nước ngọt để bổ cấp cho vùng Dự án Ngọt hóa Gò Công.

Nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, nguồn nước phục vụ sản xuất tại các kinh, rạch nội đồng luôn dồi dào, đảm bảo phục vụ tưới tiêu. Thành quả là trong vụ lúa đông xuân vừa qua, hơn 21.300 ha sản xuất vùng Ngọt hóa Gò Công đã vượt qua hạn, mặn; nông dân được mùa, trúng giá.

Thời điểm này, dù là cuối mùa khô, nhưng qua ghi nhận thực tế, nguồn nước phục vụ sản xuất tại các kinh, rạch vùng Ngọt hóa Gò Công vẫn còn đảm bảo. Tại một số vùng, sau khi thu hoạch lúa đông xuân, người dân đã mạnh dạn trồng dưa hấu, rau màu… khi nguồn nước ngọt vẫn còn dồi dào.

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Gò Công Đông Nguyễn Văn Quí, năm nay, tình hình hạn, mặn không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện. Đến thời điểm này, nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp tại các kinh, rạch trên địa bàn huyện vẫn còn đảm bảo, chất lượng nguồn nước đảm bảo phục vụ tưới cho rau màu.

PHÍA TÂY: VƯỜN CÂY XANH TỐT

Vườn cây ăn trái ở khu vực phía Tây của tỉnh dễ bị “tổn thương” bởi xâm nhập mặn. Do đó, hằng năm, khi mùa khô đến, tỉnh cũng xây dựng “kịch bản” để bảo vệ sản xuất cho người dân. Theo đó, tỉnh đã đẩy nhanh tiến độ thi công các cống ngăn mặn tại đầu các kinh, rạch ra sông Tiền trên đường tỉnh 864.

Vườn sầu riêng tại xã Hiệp Đức, huyện Cai Lậy phát triển xanh tốt  và đang cho trái.
Vườn sầu riêng tại xã Hiệp Đức, huyện Cai Lậy phát triển xanh tốt và đang cho trái.

Đến thời điểm cuối tháng 1-2023, 2 cống Rạch Gầm và Phú Phong đã hoàn thành việc lắp cửa, đảm bảo công tác ngăn mặn, trữ ngọt. Một trong những giải pháp then chốt để bảo vệ hoạt động sản xuất nông nghiệp của các huyện phía Tây mà tỉnh thực hiện trong những năm gần đây là đắp đập thép ngăn mặn, trữ ngọt trên kinh Nguyễn Tấn Thành.

Tuy nhiên, năm nay, với việc Ban Quản lý dự án 10, Bộ NN&PTNT triển khai thi công cống Nguyễn Tấn Thành, trong quá trình thi công, chủ đầu tư đã hỗ trợ tỉnh ngăn dòng để chống xâm nhập mặn.

Nhờ chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp công trình và phi công trình nên đến thời điểm này, hạn, mặn không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp ở khu vực phía Tây. Qua ghi nhận thực tế, các vườn cây ăn trái tại khu vực này vẫn đang phát triển tốt. Nhiều vườn sầu riêng đang cho trái, hứa hẹn vụ mùa bội thu cho nông dân.

Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, xâm nhập mặn năm 2023 trên địa bàn tỉnh đến trễ hơn so với trung bình nhiều năm, xấp xỉ năm 2022. Cụ thể, biên độ mặn mùa khô năm 2023 lấn sâu và đạt đỉnh từ ngày 5-2-2023 tại cầu Trường Chính trị (0,57 g/l) và cầu Xoài Hột (0,48 g/l) do ảnh hưởng của kỳ triều cường tháng Giêng và gió chướng tăng đột biến. Các con nước sau đó, biên độ mặn đều thấp hơn.

Trên nhánh sông Hàm Luông, biên độ mặn mùa khô năm 2023 không lấn sâu đến cù lao Ngũ Hiệp. Công tác phòng, chống hạn, mặn mùa khô năm 2023 được chủ động, thực hiện sớm giải pháp phi công trình và công trình nên đã đảm bảo được nước cho sản xuất, không gây thiệt hại lúa vùng phía Đông và vườn cây ăn trái phía Tây, không ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của nhân dân.

Ngoài việc đảm bảo nước sản xuất trong mùa khô, tỉnh còn triển khai các giải pháp đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân trong mùa khô, đặc biệt là khu vực phía Đông. Để đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt của người dân, Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang đã vận hành tăng công suất các trạm cấp nước của công ty quản lý tại khu vực các huyện, thị phía Đông.

Đồng thời, kết hợp với nguồn nước từ Nhà máy nước Đồng Tâm cấp cho các huyện, thị phía Đông để đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng nước cho người dân. Nhờ chủ động từ sớm nên tình hình nước sinh hoạt mùa khô năm nay không gay gắt như những năm trước.

Một trong những giải pháp quan trọng để cung cấp nước sinh hoạt cho người dân chưa tiếp cận được nguồn nước từ hệ thống cấp nước tập trung là mở các vòi nước công cộng. Theo đó, đến nay, các địa phương đã mở 52 vòi nước công cộng (43 vòi tại huyện Gò Công Đông và 9 vòi tại huyện Tân Phú Đông) để người dân đến lấy miễn phí về sử dụng, để đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân trong mùa khô.

 

T. ĐẠT

.
.
.