.

Vùng Dự án Phú Thạnh - Phú Đông: Hướng đến phát triển cây trồng bền vững

Cập nhật: 09:09, 11/04/2023 (GMT+7)

Từ khi thành lập huyện Tân Phú Đông, tỉnh TIền Giang đến nay, được sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, các ngành, nhất là ngành Nông nghiệp, nhiều nông dân vùng Dự án Phú Thạnh - Phú Đông đã mạnh dạn chuyển đổi từ sản xuất 1 vụ lúa, năng suất thấp sang trồng các giống cây khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn.

Đặc biệt, việc thực hiện Đề án “Cắt vụ, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ và cơ cấu cây trồng huyện đến năm 2025” gần như chỉ tập trung trong vùng Dự án Phú Thạnh - Phú Đông. Kết quả đến đầu năm 2023, toàn vùng đã chuyển đổi tổng cộng hơn 3.200 ha lúa sang trồng sả, rau màu và cây ăn trái các loại (trong vùng gần như không còn diện tích sản xuất lúa). Phấn khởi hơn, cây sả được xem là cây màu chủ lực trong vùng dự án, với hơn 2.800 ha, đang có giá ổn định ở mức bình quân 4.000 đồng/kg,nên nông dân có thu nhập khá. Bên cạnh cây sả, các loại rau màu thực phẩm cũng phát triển tốt trong vùng dự án. Ngành Nông nghiệp huyện vận động, hướng dẫn nông dân trong vùng mạnh dạn ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, với cơ cấu cây trồng và lịch thời vụ thích hợp, ứng phó với hạn, mặn vừa nâng cao hiệu quả kinh tế, vừa thay đổi tập quán sản xuất của nông dân.

 Thu hoạch sả trong vùng Dự án Phú Thạnh - Phú Đông.
Thu hoạch sả trong vùng Dự án Phú Thạnh - Phú Đông.

Thực hiện Đề án “Cắt vụ, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ và cơ cấu cây trồng huyện đến năm 2025” trong vùng Dự án Phú Thạnh - Phú Đông, diện tích cây sả trong vùng tiếp tục được mở rộng. Các ngành chức năng cũng đã hướng dẫn nông dân thực hiện quy trình sản xuất cây sả theo hướng nông sản sạch, đạt tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển giao khoa học - kỹ thuật thông qua các điểm trình diễn, tập huấn, hội thảo kỹ thuật canh tác sả đạt hiệu quả kinh tế cao… để giúp người trồng sả có điều kiện học tập, ứng dụng có hiệu quả, góp phần vào giải pháp phát triển bền vững cây sả trong thời gian tới. Các ngành chức năng ở huyện cũng đã tranh thủ sự quan tâm hỗ trợ của các doanh nghiệp, các nhà khoa học để nâng cao hiệu quả kinh tế thông qua việc xây dựng các cơ sở sản xuất nguyên liệu, chiết xuất tinh dầu sả, bảo đảm đầu ra cho sản phẩm.

Tuy nhiên, theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, tình hình sản xuất trong vùng Dự án Phú Thạnh - Phú Đông vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là khi thời tiết thay đổi, nắng nóng, khô hạn như hiện nay, phèn mặn dễ bộc phát, trong khi thiếu nước ngọt để bơm tưới, làm cho nhiều diện tích cây trồng có thể bị thiệt hại, năng suất giảm, kể cả cây sả. Hiện nay, hệ thống cống trong vùng dự án như các cống Bà Tài, Rạch Mương, Rạch Gốc... đều đã đóng ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ngành Nông nghiệp huyện khuyến cáo nông dân thường xuyên theo dõi diễn biến độ mặn trên các sông và mực nước nội đồng để có biện pháp chủ động nguồn nước tưới, bảo vệ cây trồng. Bên cạnh đó, để nâng cao hơn nữa hiệu quả sản xuất trong vùng dự án cũng như thực hiện Đề án “Cắt vụ, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ và cơ cấu cây trồng huyện đến năm 2025”, ngành Nông nghiệp huyện cần phối hợp với các ngành có liên quan và chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân trồng sả theo vùng quy hoạch và tìm đầu ra ổn định.  Bên cạnh cây sả, hiện nay nhiều nông dân trong vùng còn thực hiện mô hình đưa cây màu xuống chân ruộng như ớt, khoai lang, dưa, cà, bầu, bí… trồng chuyên canh hoặc xen canh các loại rau màu, góp phần đa dạng hóa cây trồng, nâng cao thu nhập của nông dân.

HỮU DƯ

.
.
.