Huyện Gò Công Tây: Quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP
Xác định Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) là một trong những chương trình trọng tâm phát triển kinh tế địa phương, thời gian qua, lãnh đạo huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang tập trung chỉ đạo xây dựng, quảng bá sản phẩm OCOP. Theo đó, huyện Gò Công Tây tập trung mở rộng thị trường, nâng cao giá trị các sản phẩm OCOP thông qua các hoạt động kết nối giao thương, xúc tiến thương mại uy tín và quy mô.
31 SẢN PHẨM OCOP CẤP TỈNH
Huyện Gò Công Tây bắt đầu triển khai Chương trình OCOP từ năm 2019. Dù là huyện nông nghiệp, có các sản phẩm chủ lực là lúa, rau, dừa, trái cây các loại, nhưng cơ sở chế biến sản phẩm nông nghiệp ít, phần lớn sản phẩm sản xuất kiểu truyền thống, bán sản phẩm thô..., nên các chủ thể tiếp cận và tham gia Chương trình OCOP gặp nhiều khó khăn.
Đoàn giám sát HĐND tỉnh Tiền Giang khảo sát quy trình sản xuất các sản phẩm OCOP tại Công ty TNHH Đông trùng hạ thảo Thiên Ân. |
Thế nhưng, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của cấp ủy Đảng, sự tham gia tích cực của các cấp chính quyền, doanh nghiệp và sự đồng thuận trong nhân dân, đến nay huyện Gò Công Tây đã có 31 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh; trong đó, có 22 sản phẩm được công nhận đạt OCOP 4 sao và 9 sản phẩm OCOP hạng 3 sao.
Trong một lần về làm việc với huyện Gò Công Tây, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trần Thanh Nguyên đánh giá, qua quá trình theo dõi tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương cho thấy, lãnh đạo huyện Gò Công Tây chỉ đạo việc thực hiện Chương trình OCOP rất sát sao, có nhiều cách làm hay, sáng tạo, điển hình như việc quảng bá sản phẩm OCOP trên nhiều nền tảng, thông qua các hội nghị xúc tiến, tại các hội thảo, diễn đàn và nhân các dịp lễ, tết, giỏ quà của lãnh đạo huyện bao giờ cũng là các sản phẩm OCOP của địa phương. Đây là cách làm hay mà các địa phương khác nên nghiên cứu học tập, đẩy mạnh quảng bá tuyên truyền người Tiền Giang ưu tiên dùng sản phẩm Tiền Giang… |
Theo UBND huyện, thời gian qua, cùng với nguồn hỗ trợ của tỉnh, có nhiều chủ trương, chính sách đồng hành với các chủ thể phát triển sản phẩm OCOP. Các hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm OCOP được chú trọng thông qua các điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm trên địa bàn tỉnh; tổ chức hội chợ, triển lãm, ký kết các biên bản ghi nhớ hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, sàn giao dịch Postmart của tỉnh và sắp tới là giới thiệu sản phẩm thông qua chương trình kết nối OCOP… đã tạo động lực và điều kiện để các chủ thể đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, hoàn thiện sản phẩm, mở rộng thị trường.
Qua đánh giá sơ bộ, doanh số sản phẩm sau khi được công nhận OCOP tăng trưởng bình quân trên 5%. Chương trình OCOP góp phần phát triển sản phẩm sạch, cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà sản xuất, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
ĐẨY MẠNH QUẢNG BÁ
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện Chương trình OCOP, huyện Gò Công Tây cũng còn gặp không ít khó khăn. Theo UBND huyện, huyện có nguồn nguyên liệu dồi dào, nhưng các sản phẩm chế biến sâu lại rất ít, nên việc phát triển mỗi xã một sản phẩm có phần hạn chế. Một số sản phẩm đã đăng ký, nhưng còn bị vướng một số khâu.
Ngoài ra, do OCOP là chương trình mới, chưa có nhiều chính sách thu hút các chủ thể sản xuất tham gia chương trình, thực hiện nhiều thủ tục hồ sơ, nên nhiều cơ sở dù có sản phẩm đặc trưng riêng, chất lượng nhưng ngại hoặc chưa nhiệt tình tham gia xây dựng theo tiêu chuẩn sản phẩm OCOP.
Trưng bày sản phẩm OCOP địa phương tại các diễn đàn, hội nghị. |
Phó Chủ tịch UBND huyện Lê Văn Nê cho biết, để phát huy những lợi ích, tính hiệu quả từ OCOP đối với phát triển kinh tế nông thôn ở huyện Gò Công Tây phù hợp trong điều kiện kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng; đồng thời, thúc đẩy OCOP phát triển hiệu quả hơn gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác thông tin, truyền thông cho cán bộ, người dân và cộng đồng địa phương cũng như doanh nghiệp về mục đích, ý nghĩa của OCOP; tổ chức rà soát để kịp thời tháo gỡ các khó khăn cho cơ sở, tạo điều kiện để chủ thể tham gia chương trình.
Cùng với đó, huyện tổ chức lại sản xuất kinh tế nông nghiệp, phát triển sản phẩm theo hướng tiếp cận thị trường, chuỗi giá trị hàng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm thông qua việc gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ nông sản; trong đó, hợp tác xã nông nghiệp là cầu nối quan trọng gắn kết giữa các hộ gia đình và doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập cho người dân và cộng đồng địa phương.
Cụ thể, trong giai đoạn 2022 - 2025, huyện sẽ tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể sản xuất tham gia Chương trình OCOP cấp tỉnh với các sản phẩm đặt thù của huyện như mai nu kiểng cổ, các sản phẩm chế biến từ yến, chả lụa, mắm, cơm cháy chiên, gà tre, các sản phẩm rượu chế biến từ nấm linh chi, đông trùng hạ thảo... Phấn đấu đến cuối năm 2025, toàn huyện có ít nhất 40 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
HOÀI THU