.

Chuyện về cây xóa khó, giảm nghèo ở huyện Tân Phước

Cập nhật: 09:17, 14/10/2023 (GMT+7)

Trước đây, khi huyện Tân Phước, tỉnh  Tiền Giang mới thành lập, cây khóm chỉ xuất hiện rải rác ở các xã Mỹ Phước, Thạnh Mỹ, Hưng Thạnh… nhưng đến nay, hầu hết các xã, thị trấn trong huyện đều có mặt cây khóm. Khóm không chỉ là cây trồng chủ lực, góp phần phát triển kinh tế địa phương, mà còn là cây xóa khó, giảm nghèo của người dân Tân Phước - nơi từng được mệnh danh là “rốn phèn, rốn lũ”.

Ðến huyện Tân Phước hôm nay như lạc vào "vương quốc" của cây khóm. Ðâu đâu cũng là khóm, từ mênh mông, bạt ngàn những cánh đồng khóm ngút tầm mắt, cho đến ven những trục lộ giao thông liên xã, ấp, người nông dân cũng tận dụng trồng khóm.

Không ít người dân Tân Phước cho rằng, nếu không có cây khóm thì không thể giữ chân những người nông dân đi khai hoang gắn bó lâu dài với vùng đất trũng Ðồng Tháp Mười vốn được mệnh danh là “cái rốn” của phèn, của lũ. Cây khóm chính là “cứu tinh” cho bà con thoát khó, xóa nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện đến cuối năm 2022 còn 1,93% và phấn đấu đến cuối năm 2023, huyện giảm còn 1,8% hộ nghèo.

Thật vậy, nhìn vào số liệu thống kê việc sản xuất và phát triển cây khóm sẽ thấy rất rõ giá trị của cây khóm đối với người nông dân huyện Tân Phước. Năm 1995, sau khi thành lập huyện Tân Phước, diện tích cây khóm chỉ có 6.570 ha. Do khả năng sinh trưởng và phát triển tốt trên vùng đất phèn, người dân đã tiếp tục khai hoang, phục hóa để sản xuất cây khóm. Từ đó, diện tích tăng lên hằng năm, đến nay, toàn huyện đã có 15.400 ha, tăng 8.830 ha.

Từ khi thành lập huyện Tân Phước đến nay, cây khóm đã giúp nhiều hộ dân trên địa bàn huyện thoát nghèo, vươn lên  làm giàu. 									                                  Ảnh: T.V
Từ khi thành lập huyện Tân Phước đến nay, cây khóm đã giúp nhiều hộ dân trên địa bàn huyện thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Ảnh: T.V

Bên cạnh việc khai hoang, phục hóa mở rộng diện tích sản xuất, công tác chuyển giao, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào canh tác của ngành chuyên môn, cộng với kinh nghiệm tích lũy của bà con nông dân đã đưa năng suất của cây khóm từ 10 tấn/ha năm 1995, tăng lên hiện nay là 20 tấn/ha, nếu thu hoạch đúng thời điểm có giá cao, sau khi trừ chi phí, nông dân còn lãi 100 triệu đồng/ha nên ai cũng phấn khởi.

Ở huyện Tân Phước, cây khóm hiện vẫn là nguồn thu nhập chính của nhiều nông dân, rất nhiều nông dân thoát nghèo, không ít hộ vươn lên khá giàu và trở thành nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp từ cây khóm.

Trong đó, phải kể đến những gia đình làm giàu từ cây khóm như ông Trần Văn Cường (xã Hưng Thạnh), với hơn 15 ha chuyên canh cây khóm; ông Đỗ Văn Định hiện sở hữu hơn 7 ha khóm, mỗi năm thu nhập từ cây khóm gần 1 tỷ đồng; ông Cao Văn Sáng cũng nhờ cây khóm mà xóa khó, giảm nghèo, hiện đang có hơn 8 ha đất trồng khóm; ông Nguyễn Thanh Tùng, với hơn 4 ha đất trồng khóm chuyên canh…

Và câu chuyện thoát nghèo, giàu lên từ cây khóm sẽ không tròn trịa nếu không kể đến vùng quê Tân Thạnh - một trong những xã khó khăn nhất huyện Tân Phước, nay hầu hết người dân đều khá, giàu, nhà cửa khang trang. Toàn xã có hơn 1.700 ha đất nông nghiệp thì cây khóm chiếm đến gần 2/3. Bình quân một ha khóm cho năng suất gần 20 tấn, giá khóm những năm qua cơ bản ổn định, người dân thu lãi từ 40 đến 50 triệu đồng/ha.

Theo ngành Nông nghiệp huyện Tân Phước, đến tháng 8-2023, nông dân huyện Tân Phước đã thu hoạch được trên 7.800 ha, năng suất bình quân 20 tấn/ha và sản lượng trên 156.000 tấn khóm thương phẩm. Trong năm 2023, nông dân vùng trồng khóm chuyên canh huyện Tân Phước tiếp tục phấn khởi bởi trúng mùa, khóm lại có giá cao, thu nhập khá nên cuộc sống ổn định.

Từ đầu năm đến nay, giá khóm luôn đứng ở mức 7.500 đồng đến 9.500 đồng/kg tùy thời điểm, cao gần gấp đôi năm trước. Với giá này, mỗi ha cho nông dân lợi nhuận ròng hàng trăm triệu đồng. Nhờ thu nhập cao từ cây khóm, nông dân huyện Tân Phước vượt khó, thoát nghèo.

Nhằm phát huy tiềm năng và thế mạnh cây khóm ở huyện Tân Phước, địa phương chú trọng định hình vùng sản xuất chuyên canh, chuyển giao khoa học - kỹ thuật để tăng năng suất, sản lượng và chất lượng nông sản hàng hóa.

Với kỹ thuật xử lý cho trái theo ý muốn được ngành Nông nghiệp đúc kết, chuyển giao và nông dân đang áp dụng rộng rãi đã tạo nên cuộc cách mạng trên lĩnh vực thâm canh cây trồng đặc sản. Nhờ vậy, khóm Tân Phước cho thu hoạch gần như quanh năm. Từ đó, giảm được nguy cơ được mùa, mất giá do mất cân đối cung - cầu thị trường nông sản.

Ngoài ra, một số đơn vị đang triển khai nghiên cứu giống khóm mới để nâng cao hiệu quả sản xuất; đồng thời, xây dựng mô hình sản xuất khóm và nhà đóng gói đạt tiêu chuẩn VietGAP. Bên cạnh đó, nhiều người dân còn mở vựa khóm làm đầu mối thu mua và là điểm tập kết trung chuyển khóm đi các tỉnh, thành trong nước và xuất khẩu.

Toàn huyện hiện có mạng lưới 8 hợp tác xã liên kết thu mua, tiêu thụ khóm cho bà con nông dân. Đồng thời, có 19 vựa thu mua trái khóm cung ứng cho thị trường tiêu thụ trong nước hoặc doanh nghiệp chế biến xuất khẩu đảm bảo đầu ra cho trái khóm khi đến kỳ thu hoạch nên bà con rất an tâm sản xuất, góp phần cho sự phát triển bền vững của vùng chuyên canh.

Đặc biệt, hiện nay, việc sơ chế, chế biến nhằm đa dạng hóa sản phẩm từ trái khóm phục vụ nhu cầu thị trường đã giúp nâng giá trị và thương hiệu trái khóm Tân Phước. Từ trái khóm tươi, người dân địa phương chế biến ra nhiều sản phẩm như: kẹo, nước màu, nước giải khát… và đưa ra phục vụ thị trường.

Nghề làm kẹo khóm và chế biến các sản phẩm từ trái khóm phát triển mạnh tại thị trấn Mỹ Phước và các xã vùng chuyên canh vừa giải quyết việc làm cho lao động nông nhàn, cải thiện thu nhập người dân, vừa tạo ra giá trị gia tăng từ trái khóm chủ lực trên địa bàn huyện Tân Phước.

Sau gần 30 năm thành lập huyện Tân Phước (1994 - 2023), chính quyền địa phương và người dân từ nhiều nơi đến huyện Tân Phước đã chung sức xây dựng và phát triển vùng đất “rốn phèn, rốn lũ” này trở thành vùng đất trù phú, là một trong những vùng sản xuất nông sản hàng hóa lớn phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu quan trọng của tỉnh Tiền Giang với những loại cây trồng có giá trị kinh tế như khóm, thanh long, lúa năng suất cao…

Thực hiện mục tiêu đẩy mạnh khai hoang sản xuất vùng Đồng Tháp Mười, ổn định đời sống nhân dân miền đất mới, huyện Tân Phước định hình vùng trồng khóm chuyên canh trên 17.000 ha, mỗi năm đạt sản lượng trên 340.000 tấn trái, lớn nhất khu vực sông Tiền.

HỮU NGHỊ

.
.
.