Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự khởi công cầu Đại Ngãi
(ABO) Sáng 15-10, tại huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) phối hợp với UBND tỉnh Trà Vinh, UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức Lễ khởi công Dự án Đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60 thuộc địa phận các tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng (gọi tắt là Dự án). Tham dự Lễ khởi công có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Lễ khởi công cầu Đại Ngãi. |
Theo Bộ GTVT, Dự án do Ban Quản lý dự án 85 - Bộ GTVT làm chủ đầu tư, quản lý dự án. Công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) của Dự án được tách thành các tiểu dự án riêng và giao cho 2 tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng tổ chức triển khai thực hiện.
Dự án có tổng chiều dài khoảng 15,14 km. Điểm đầu của Dự án giao với Quốc lộ 54, thuộc địa phận xã Hùng Hòa, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh; điểm cuối giao với Quốc lộ Nam Sông Hậu, thuộc địa phận xã Long Đức, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng.
Quang cảnh Lễ khởi công. |
Trong đó, cầu Đại Ngãi 1 dài 2.560 m là công trình cấp đặc biệt được xây dựng với kết cấu cầu dây văng, có chiều dài nhịp chính là 450 m, lớn thứ 2 tại Việt Nam sau khi hoàn thành.
Cầu Đại Ngãi 2 tổng chiều dài 862 m, kết cấu cầu chính bằng bê tông cốt thép dự ứng lực đúc hẫng cân bằng.
Quy mô các cầu gồm 4 làn xe cơ giới; quy mô phần đường dẫn 2 đầu cầu theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80 km/h.
Tổng mức đầu tư Dự án là hơn 7.962 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước. Thời gian thi công từ tháng 10-2023, cơ bản hoàn thành vào năm 2026.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Lễ khởi công cầu Đại Ngãi. |
Để hoàn thành Dự án theo tiến độ được phê duyệt, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã quyết liệt chỉ đạo Ban Quản lý dự án 85, các đơn vị tư vấn đẩy nhanh tiến độ triển khai công tác lập dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật, nghiên cứu lựa chọn phương án tuyến tối ưu nhất, hạn chế tối đa công tác GPMB; xây dựng các công trình theo hướng đồng bộ, hiện đại.
Kết quả, thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư đã rút ngắn một nửa thời gian (rút ngắn 11 tháng) so thời gian thực hiện các dự án nhóm A như trước đây.
Lãnh đạo Bộ GTVT báo cáo tại Lễ khởi công. |
Đặc biệt, 2 tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng đã chủ động vào cuộc rất tích cực, hiệu quả, quyết liệt và đã cơ bản hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để bàn giao mặt bằng cho Dự án (tỉnh Trà Vinh đã bàn giao 97%, tỉnh Sóc Trăng đã bàn giao 100%).
Công trình dự kiến hoàn thành năm 2026. Đây là cầu dây văng thứ 3 bắc qua sông Hậu, sau cầu Cần Thơ và cầu Vàm Cống.
Khi cầu hoàn thành, cùng với cầu Rạch Miễu 1 và 2, Hàm Luông, Cổ Chiên, công trình sẽ giúp Quốc lộ 60 được thông suốt.
Dự án sẽ phá thế độc đạo của Quốc lộ 1, kết nối giao thông giữa các tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); rút ngắn cự ly từ tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng đến TP. Hồ Chí Minh khoảng 80 km, giảm 1,5 - 2 giờ so với đi phà vượt sông Hậu…
Nghi thức khởi công Dự án. |
Phát biểu tại Lễ khởi công, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đây là sự kiện quan trọng, thúc đẩy phát triển hạ tầng vùng ĐBSCL. ĐBSCL là vùng chiến lược về kinh tế - an ninh quốc phòng, an sinh xã hội, là khu vực giàu tiềm năng, phong phú về văn hóa bản sắc. Tuy nhiên, điểm yếu nhất là liên kết vùng trong nội vùng và các vùng trọng điểm khác.
Điểm yếu này cần phải tập trung giải quyết có trọng tâm, trọng điểm thì vùng ĐBSCL mới phát triển nhanh và bền vững được. Vì vậy, chúng ta phải phát triển vùng ĐBSCL bằng tất cả các phương tiện giao thông vận tải.
Trong đó, trước hết là chúng ta đang tập trung vào hệ thống đường cao tốc; trong đó có trục dọc cao tốc Bắc - Nam, trục ngang Đông - Tây (cao tốc Sóc Trăng - Cần Thơ - Hậu Giang - An Giang kết nối với Campuchia).
Song song với 2 trục chính này, chúng ta đang hoàn thành các tuyến đường có tính chất vành đai kết nối vùng bằng các cây cầu, quốc lộ, tỉnh lộ…
ANH THƯ