Tín dụng chính sách góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo
Từ nguồn vốn tín dụng chính sách, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã có điều kiện phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Xác định giảm nghèo là một trong những nội dung trọng tâm trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua qua, tỉnh Tiền Giang đã tập trung huy động các nguồn lực để kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo. Trong đó, nguồn vốn tín dụng chính sách là một trong những đòn bẩy quan trọng giúp các hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện phát triển sản xuất.
Nguồn vốn tín dụng chính sách được huyện Tân Phú Đông quan tâm triển khai và phát huy hiệu quả. |
Tại TX. Cai Lậy, thời gian qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã được địa phương quan tâm triển khai và phát huy hiệu quả. Theo Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) TX. Cai Lậy, hiện tổng nguồn vốn của phòng giao dịch đạt 276,058 tỷ đồng, tăng 24,798 tỷ đồng so với đầu năm, tỷ lệ tăng 9,87%; dư nợ cho vay đến ngày 30-9 là hơn 282,074 tỷ đồng.
Toàn thị xã có 16/16 xã có điểm giao dịch và được chính quyền địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi để hoạt động. Từ đó, hoạt động của các điểm giao dịch ngày càng ổn định và đi vào nền nếp, hiệu quả. Địa phương đã tập trung triển khai hiệu quả các chương trình cho vay. Trong đó, cho vay hộ nghèo là 7,032 tỷ đồng với 228 hộ; cho vay hộ cận nghèo là 22,811 tỷ đồng, với 701 hộ; cho vay hộ thoát nghèo hơn 46,727 tỷ đồng, với hơn 1.297 hộ.
Theo Tỉnh ủy Tiền Giang, thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH và Kết luận 06 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 40, thời gian qua, hiệu quả sử dụng vốn vay của các đối tượng trên địa bàn ngày càng được nâng lên. Giai đoạn 2014 - 2022, tỉnh đã hỗ trợ 310.911 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn và đã có 54.329 hộ vượt qua ngưỡng nghèo. Tín dụng chính sách ngày càng đi vào cuộc sống, góp phần đạt mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững; xây dựng nông thôn mới; đảm bảo an sinh xã hội; thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng trên địa bàn tỉnh. |
Gia đình ông Nguyễn Tấn Liền là hộ cận nghèo trên địa bàn phường Nhị Mỹ (TX. Cai Lậy). Thời gian qua, gia đình được tạo điều kiện để vay vốn từ Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH TX. Cai Lậy với số tiền 40 triệu đồng. Từ nguồn vốn này, gia đình đã đầu tư vào việc canh tác 2 công vườn trồng mít Thái, trung bình mỗi năm, gia đình ông Liền có thu nhập khoảng 30 triệu đồng. Từ đó, gia đình có điều kiện phát triển kinh tế, vượt qua khó khăn.
Theo Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH TX. Cai Lậy, thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của TX. Cai Lậy từ 1,24% (năm 2021) xuống 0,93% (năm 2022); hộ cận nghèo từ 4,0% (năm 2021) xuống 2,32% (năm 2022). Năm 2022 và 7 tháng đầu năm 2023 có 822 lượt lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo được vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh…
Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội TX. Cai Lậy Nguyễn Quốc Tỉnh cho biết, việc cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác những năm qua đạt hiệu quả. Điều này góp phần quan trọng thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới.
Là huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh, thời gian qua, huyện Tân Phú Đông đã tập trung thực hiện công tác giảm nghèo. Theo đó, huyện xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Trong đó, chính sách hỗ trợ vốn từ Ngân hàng CSXH và các dự án giảm nghèo được huyện đặc biệt quan tâm.
Theo Ngân hàng CSXH tỉnh Tiền Giang, đến ngày 27-9, cho vay hộ nghèo dư nợ 192,334 tỷ đồng với 5.232 khách hàng; doanh số cho vay 2023 là 26,855 tỷ đồng, 630 khách hàng vay. Cho vay hộ cận nghèo dư nợ là 341,843 tỷ đồng với 9.017 khách hàng, doanh số cho vay 2023 là 49,075 tỷ đồng, 1.094 khách hàng vay. Cho vay hộ mới thoát nghèo dư nợ là 684,699 tỷ đồng với 19.229 khách hàng; doanh số cho vay 2023 là 115,335 tỷ đồng, 2.394 khách hàng vay. |
Để củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Tân Phú Đông, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Gò Công Tây đã phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể huyện Tân Phú Đông nhận ủy thác và các cấp, các ngành nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng.
Đồng thời, thực hiện tốt công tác đôn đốc, thu hồi, quản lý nợ, phòng ngừa nợ quá hạn phát sinh trong quá trình hoạt động. Chất lượng tín dụng của 6/6 xã đều đạt loại tốt, khá, không có đơn vị trung bình hay yếu kém. Hoạt động tín dụng chính sách ủy thác qua các đoàn thể được triển khai thực hiện qua 6 điểm giao dịch xã, với 146 tổ tiết kiệm vay vốn, đảm bảo an toàn hiệu quả, kịp thời đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách.
Theo Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Gò Công Tây (phụ trách huyện Tân Phú Đông) Nguyễn Văn Quang, trong 9 tháng năm 2023, phòng giao dịch đã giải ngân số số tiền 22,5 tỷ đồng cho huyện Tân Phú Đông, với các chương trình tín dụng cụ thể như cho vay hộ nghèo 500 triệu đồng; hộ cận nghèo 700 triệu đồng, hộ mới thoát nghèo 700 triệu đồng; hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm 4,6 tỷ đồng...
Hằng năm, thực hiện tăng trưởng tín dụng đều đạt 100% kế hoạch đề ra, đáp ứng kịp thời nguồn vốn vay cho hộ nghèo và các đối tượng CSXH khác, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của huyện Tân Phú Đông. Thông qua hoạt động tín dụng chính sách, trong năm 2022, trên địa bàn huyện Tân Phú Đông có 350 hộ thoát nghèo, góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện xuống còn 3,3%.
Phát huy kết quả đạt được, UBND huyện và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Tân Phú Đông cùng các tổ chức thành viên sẽ tiếp tục thực hiện Nghị quyết liên tịch giảm nghèo bền vững, chú trọng nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách trong năm 2023. Trong đó, địa phương sẽ tập trung giám sát việc thực hiện quy trình xác định đối tượng hỗ trợ, bao gồm hộ nghèo, cận nghèo, hộ thoát nghèo trên địa bàn huyện. Qua đó, đề ra các phương án thoát nghèo phù hợp, giúp đỡ các hộ phấn đấu vươn lên thoát nghèo.
T. ĐẠT - H. DƯ