Thứ Ba, 14/11/2023, 21:13 (GMT+7)
.

Tăng cường hỗ trợ quảng bá đầu ra cho nông sản

(ABO) Chiều 14-11, Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ quảng bá đầu ra cho nông sản, đặc biệt là sản phẩm OCOP của tỉnh.

Chủ trì hội thảo có đồng chí Phạm Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang; cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh và tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh tham dự.

a
Đồng chí Phạm Văn Toàn phát biểu tại hội thảo.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến và cùng chia sẻ kinh nghiệm về những điều kiện thuận lợi, khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ nông sản; kinh nghiệm trong xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh để phát triển, quảng bá thương hiệu sản phẩm OCOP trên thị trường.

a
Quang cảnh hội thảo.

Đồng thời, hội thảo đã đề xuất các giải pháp như hỗ trợ xây dựng và duy trì quản lý vùng trồng ổn định, bền vững, tuyên truyền vận động để dần thay đổi nhận thức và tập quán canh tác sang sản xuất hàng hóa chất lượng cao, tăng giá trị thương hiệu. Sản phẩm phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường bằng cách tăng cường sử dụng phân hữu cơ, thuốc sinh học nhằm đáp ứng thị trường trong thời gian tới.

Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, trao đổi cho nông dân về xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu; quản lý thương hiệu, nhãn mác hàng hóa nói chung và nông sản, thực phẩm nói riêng; nâng cao trình độ chuyên môn sản xuất, năng lực dự báo, tiếp nhận thông tin thị trường; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu thông qua các chiến dịch truyền thông, quảng bá hình ảnh; các chương trình đào tạo, hướng dẫn, nâng cao năng lực thiết kế, định dạng sản phẩm; cách thức tạo dựng cũng như quảng bá thương hiệu…

a
Các đại biểu tham gia đóng góp ý kiến tại hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Phạm Văn Toàn cho biết, mục tiêu chính của hội thảo là tìm ra các giải pháp nâng cao trình độ sản xuất, đời sống vật chất và tinh thần của nông dân; làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn một cách toàn diện, bền vững, hiệu quả, bảo đảm vững chắc quy mô sản xuất hàng hóa nông sản ngày càng lớn. Nhân rộng nhiều sản phẩm OCOP nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, góp phần tiếp tục tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn. Thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

LÊ MINH

.
.
.