.

Nâng tầm liên kết, hợp tác phát triển du lịch đồng bằng sông Cửu Long

Cập nhật: 20:27, 10/12/2023 (GMT+7)

Ngày 10/12, Hội nghị tổng kết Chương trình Liên kết hợp tác phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long, với chủ đề "Nâng tầm liên kết - phát triển du lịch" diễn ra tại Cà Mau.

a
Ông Nguyễn Minh Luân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau phát biểu tại hội nghị.

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Chương trình Festival Tôm Cà Mau và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP đồng bằng sông Cửu Long năm 2023.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Minh Luân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau nhấn mạnh, Chương trình Liên kết hợp tác phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long là một trong những chương trình trọng điểm liên kết vùng, được sự quan tâm đặc biệt của các các địa phương nhằm tạo ra không gian chung để quảng bá, đầu tư, phát triển du lịch, góp phần tạo ra động lực phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Hội nghị còn là dịp để giới thiệu, quảng bá sản phẩm du lịch của địa phương đến các tỉnh, thành phố trong vùng liên kết, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ cùng phát triển.

Trong bối cảnh hội nhập và phát triển hiện nay, vấn đề liên kết, cùng hợp tác, phát triển đã trở thành xu thế tất yếu và mang tính toàn cầu, hoạt động du lịch cũng nằm trong quỹ đạo đó. Với mục tiêu thay đổi diện mạo và kích cầu sự phát triển du lịch, Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long xác định trọng tâm liên kết hợp tác lĩnh vực du lịch và ký kết quy chế, thỏa thuận hợp tác liên vùng. Đây là cơ sở quan trọng để các địa phương đẩy mạnh triển khai các hoạt động khởi động du lịch thực chất, hiệu quả trong thời gian qua và những năm tiếp theo.

Cần Thơ mong muốn các tỉnh, thành phố trong khu vực, Hiệp hội Doanh nghiệp đồng bằng sông Cửu Long và các doanh nghiệp làm du lịch hiến kế, chia sẻ kinh nghiệm, mô hình hay hoặc có những ý kiến đề xuất về giải pháp liên kết, hợp tác phát triển du lịch trong thời gian tới.

Hội nghị dành nhiều thời gian tham luận, trao đổi và lắng nghe ý kiến góp ý, đánh giá từ các địa phương về tính hiệu quả của Chương trình liên kết hợp tác vùng và những giải pháp thực hiện trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

a
 Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại hội nghị.

Tại Hội nghị, đại diện nhiều tỉnh, thành phố chỉ rõ những khó khăn, hạn chế trong thực hiện hoạt động liên kết phát triển du lịch, nhất là việc đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, đầu tư phát triển hạ tầng, sây bay, bến cảng và xây dựng các sản phẩm du lịch, quảng bá hình ảnh, ứng dụng chuyển đổi số trong phát triển du lịch còn chưa được khai thác đúng mức, hiệu quả.

Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định công tác liên kết, hợp tác du lịch giữa tỉnh Cà Mau với Thành phố Hồ Chi Minh và 13 tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long có nhiều điểm khởi sắc. Tuy nhiên, vẫn còn một só lĩnh vực, hoạt động chưa có liên kết phối hợp chặt chẽ, đồng bộ nên không thể phát huy tối đa hiệu quả.

Do vậy, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các sở, ngành có liên quan cần làm rõ mối quan hệ khi du lịch phát triển sẽ kéo theo nhiều lĩnh vực khác cùng phát triển, từ đó tính được lợi ích của ngành du lịch mang lại; đồng thời xác định những biện pháp chiến lược để thực sự thu hút đầu tư, phát triển du lịch, khẳng định vai trò của ngành du lịch.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho rằng, liên kết, hợp tác là nội dung trọng tâm, quan trọng để phát triển du lịch của vùng. Việc hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển du lịch, bao gồm người quản lý du lịch, cá nhân làm du lịch và tổ chức làm du lịch. Nếu làm du lịch chỉ bám theo sự hỗ trợ hoặc trông chờ vào chính sách của Nhà nước thì khó thành công.

Bàn về vấn đề khai thác tài nguyên du lịch, ông Phan Khắc Phong, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long chia sẻ, tài nguyên du dịch trong vùng có nét tương đồng, tài nguyên nào thì sản phẩm du lịch đó. Do vậy, các địa phương cần nghiên cứu, xây dựng những sản phẩm du lịch độc đáo, có đặc thù riêng để tạo thương hiệu. Muốn phát triển sản phẩm du lịch, phải quy hoạch, đầu tư khai thác tài nguyên hợp lý, đồng thời quan tâm kêu gọi nhà đầu tư chiến lược phát triển hạ tầng, giao thông phục vụ du lịch...

Thời gian qua, đặc biệt là 2 năm sau đại dịch COVID-19, công tác phối hợp triển khai các nội dung hợp tác phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long được đẩy mạnh. Hoạt động sáng tạo, thúc đẩy du lịch vùng có nhiều chuyển biến, thu hút sự tham gia hưởng ứng tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, Hiệp hội Du lịch và tạo ra những giá trị khác biệt của thị trường du lịch nội địa và quốc tế.

a
Chú thích ảnh Đại biểu dự Hội nghị.

Thực hiện thỏa thuận hợp tác, tỉnh Cà Mau tập trung, tăng cường công tác quản lý nhà nước, quản lý quy hoạch và đầu tư vào lĩnh vực du lịch, đặc biệt quan tâm công tác quảng bá, phát triển sản phẩm du lịch, du lịch kết nối, mà điểm nhấn là Chương trình “Cà Mau - Điểm đến năm 2023”, cùng với chuỗi hoạt động phong phú, hấp dẫn từ sau Lễ hội Cua đến Festival Tôm Cà Mau - Tự hào thương hiệu Việt.

Theo TTXVN

 

.
.
.