Đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng quý I (30/3), Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 78,3 - 80,82 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra), giảm 700.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 200.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên trước đó.
Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC ở mức 78,8 - 80,8 triệu đồng/lượng (mua vào -bán ra), không đổi so với chốt phiên trước đó.
Trước đó, giá vàng giảm về mức giao dịch dưới 80 triệu đồng/lượng trong phiên giao dịch đầu tuần 25/3, xong liên tục tăng từ ngày 26 - 28/3 theo đà của giá vàng thế giới và một lần nữa chinh phục mốc 81 triệu đồng/lượng. Đến ngày 29/3, giá vàng chững lại trước khi giảm về cuối tuần.
Với diễn biến này, giá vàng SJC khép lại quý I với mức tăng trưởng khoảng 8%; riêng tháng 3 tháng tăng hơn 1,25% với nhịp điều chỉnh mạnh nhất vào thời điểm 10-12/3, lên 82,5 triệu đồng/lượng.
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà đánh giá, trong nhiều thời điểm giá vàng biến động phức tạp nhưng hoạt động của thị trường vẫn tương đối ổn định so với giai đoạn trước, không gây áp lực sang thị trường ngoại tệ chính thức như trước đây; thói quen, nhận thức của người dân đối với vàng miếng có sự thay đổi; một phần nguồn lực vàng trong dân đã được chuyển hóa để phát triển kinh tế.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhấn mạnh, thị trường vàng miếng được sắp xếp lại căn bản, trật tự, kỷ cương; mạng lưới kinh doanh mua, bán vàng miếng được kiện toàn theo hướng thu hẹp dần; hoạt động huy động, cho vay vốn bằng vàng chấm dứt.
Cùng với đà tăng của giá vàng SJC, giá vàng thế giới đánh dấu mức tăng 9% trong tháng này và kết thúc quý I/2024 là quý tăng thứ 2 liên tiếp, nhờ triển vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất và nhu cầu mua vào tài sản an toàn lớn.
Trước đó, giá vàng tăng lên mức cao kỷ lục trong phiên 28/3, do thị trường kỳ vọng Mỹ cắt giảm lãi suất và nhu cầu mua vàng để bảo toàn tài sản gia tăng. Trong phiên này, giá vàng đạt mức cao kỷ lục 2.225,09 USD/ounce.
Lãi suất thấp hơn làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng, vốn là tài sản không sinh lời. Chuyên gia Daniel Ghali tại Ngân hàng Đầu tư TD Securities cho biết, giá vàng có thể tăng hơn nữa nếu thị trường kỳ vọng chu kỳ cắt giảm lãi suất của Fed sâu hơn.
Các nhà phân tích tại Tập đoàn Tài chính-Ngân hàng Citi Group cho rằng, có 25% xác suất vàng đạt mức kỷ lục 2.300 USD/ounce trong nửa cuối năm. Triển vọng cơ bản cho giá vàng vẫn là 2.150 USD/ounce, và khả năng vàng leo lên ngưỡng 3.000 USD/ounce trong 12-16 tháng tới.
Citi Group mô tả vàng như một "hàng rào chống suy thoái" tại thị trường phát triển và ngày càng nhận thấy những tác động tích cực từ sự bất ổn xung quanh cuộc bầu cử tại Mỹ vào tháng 11 tới.
Các nhà phân tích tại Ngân hàng Thương mại Berenberg cũng lưu ý kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ có thể sẽ mang lại sự hỗ trợ lớn cho vàng, đồng thời hỗ trợ thêm cho tài sản "trú ẩn an toàn" trước những biến động do các cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine và Dải Gaza.
Họ cho biết: "Điều này chủ yếu là do hiệu quả kinh tế tốt hơn mong đợi từ Mỹ, cũng như chính sách tiền tệ của Fed". Lãi suất cao hơn thường liên quan đến sự sụt giảm của vàng, bởi các tài sản có lợi suất cao hơn trở nên hấp dẫn hơn.
Mặt khác, vàng thường được coi là nơi "trú ẩn an toàn" trong thời điểm kinh tế căng thẳng. Tài sản không sinh lời này cũng được coi là một khoản đặt cược chắc chắn khi lợi suất đang bị kìm hãm bởi chính sách tiền tệ mạnh mẽ - như cắt giảm lãi suất và kích thích kinh tế.
Trong khi đó, Trưởng bộ phận Chiến lược hàng hóa Bart Melek tại TD Securities nhận định, vàng có thể dễ dàng chạm mức 2.300 USD/ounce hoặc cao hơn trong quý II/2024, trong bối cảnh sẽ có thêm các nhà giao dịch và nhà đầu tư tham gia vào thị trường sau khi Fed xác nhận lộ trình cắt giảm lãi suất. Tuy vậy, ông Melek lưu ý số liệu kinh tế mạnh mẽ hơn có thể khiến vàng giảm giá.
(Theo nhandan.vn)