.

Giám đốc NHNN chi nhánh Tiền Giang Nguyễn Thị Đậm: Mặt bằng lãi suất cho vay giảm

Cập nhật: 22:32, 30/03/2024 (GMT+7)

Khi bàn về tình hình tín dụng cũng như các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành Ngân hàng Tiền Giang trong năm 2024, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Tiền Giang Nguyễn Thị Đậm cho biết:

Năm 2024 là năm bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Tuy nhiên, tình hình thế giới, khu vực được dự báo sẽ còn tiếp tục có những diễn biến phức tạp khó lường.

Trong nước, nền kinh tế có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Bối cảnh trên tiếp tục đặt ra nhiều thách thức đối với ngành Ngân hàng trong năm 2024.

Trong bối cảnh như thế, ngay từ đầu năm 2024, NHNN chi nhánh Tiền Giang đã triển khai các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, phục hồi sản xuất, kinh doanh (SXKD), tăng khả năng hấp thụ vốn cho nền kinh tế, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn tín dụng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, an toàn hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) như: Khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện Chỉ thị của NHNN Việt Nam về nhiệm vụ trọng tâm hoạt động ngành Ngân hàng, triển khai đến lãnh đạo hệ thống các TCTD trên địa bàn để thống nhất thực hiện.

* Phóng viên (PV): Kết quả đạt được cụ thể như thế nào, thưa đồng chí:

* Đồng chí Nguyễn Thị Đậm: Kết quả cụ thể, nhất là mặt bằng lãi suất cho vay giảm hơn 2,5% trong năm 2023 và tiếp tục giảm trong những tháng đầu năm 2024. Hiện lãi suất bình quân huy động và cho vay đối với các giao dịch phát sinh mới giảm khoảng 0,2%/năm và 0,7%/năm so với cuối năm 2023.

Đến cuối tháng 2-2024, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn đạt hơn 97 ngàn tỷ đồng, tăng 0,14% so với cuối năm 2023 và các TCTD đã đáp ứng nhu cầu vốn cho 246.285 lượt khách hàng vay vốn, với doanh số cho vay lũy kế đạt hơn 30 ngàn tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt hơn 95,2 ngàn tỷ đồng, giảm 2,13% so với cuối năm 2023. Với thanh khoản dồi dào và còn rất nhiều dư địa tăng trưởng tín dụng, các TCTD hiện có điều kiện thuận lợi để cung ứng vốn cho vay ra nền kinh tế.

* PV: Đâu là nguyên nhân ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng trên địa bàn tỉnh trong thời qua?

* Đồng chí Nguyễn Thị Đậm: Nguyên nhân tín dụng 2 tháng đầu năm tăng trưởng còn chưa cao do yếu tố thời vụ (nhu cầu tín dụng thường tăng cao vào dịp cuối năm và thời điểm trước Tết Nguyên đán từ 1 - 2 tháng để đáp ứng SXKD, tiêu dùng, nên vào những tháng đầu năm quy mô tín dụng khó tăng cao ngay) và sức hấp thụ vốn trong nền kinh tế còn yếu do nhiều yếu tố trong nước và quốc tế bất lợi đến cầu đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng cũng như một số nhóm khách hàng, nhất là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn; những vướng mắc trong triển khai một số chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, cũng có một số ngân hàng còn tâm lý thận trọng trong cho vay khi nợ xấu gia tăng do những khó khăn của nền kinh tế tác động tiêu cực tới hoạt động SXKD của doanh nghiệp, khả năng trả nợ gốc, lãi ngân hàng suy giảm; việc chia sẻ, hợp tác của khách hàng và ngân hàng trong việc trực tiếp trao đổi tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn về vốn còn cần phải tăng cường. 

Tuy nhiên, nhiều chương trình tín dụng theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thế mạnh của tỉnh được các ngân hàng quan tâm đầu tư và có tăng trưởng như: Cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ tăng 0,09%, trong đó cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/2015 và Nghị định 116/2018 của Chính phủ tăng 0,64%; cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 1,70%; tín dụng Ngân hàng Chính sách xã hội tăng 2,29%, đáp ứng nhu cầu vốn cho 3.564 lượt hộ vay; các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt trong đó đối với dịch vụ công và chi trả các chương trình an sinh xã hội tiếp tục tăng trưởng cả về số món và giá trị…

Bên cạnh đó, các TCTD trên địa bàn tỉnh còn thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ khách hàng phục hồi và phát triển SXKD như giảm lãi suất cho vay, thực hiện chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023 của NHNN Việt Nam, đã có 66 lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ với giá trị nợ gốc và lãi được cơ cấu lũy kế hơn 350 tỷ đồng; đẩy mạnh cho vay thu mua, kinh doanh lúa - gạo. 

Công tác phối hợp giữa ngành Ngân hàng với cấp ủy, chính quyền, các sở, ngành tiếp tục được quan tâm chú trọng, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tăng khả năng tiếp cận vốn và đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn như phối hợp với UBND huyện Chợ Gạo tổ chức Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp dự kiến tổ chức vào cuối tháng 3-2024, với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị nhằm đẩy mạnh chi trả an sinh xã hội qua tài khoản ngân hàng vào ngày 24-1-2024, phối hợp với UBND TP. Mỹ Tho thực hiện thí điểm tuyến đường thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn TP. Mỹ Tho.

* PV: Ngành Ngân hàng đề ra giải pháp trọng tâm gì trong năm 2024?

* Đồng chí Nguyễn Thị Đậm: Trên cơ sở bám sát các định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các chỉ đạo của NHNN Việt Nam về những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2024, ngành Ngân hàng Tiền Giang tập trung thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 01 ngày 15-1-2024 của Thống đốc NHNN về các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2024; đảm bảo cung ứng vốn tín dụng đầy đủ và kịp thời cho các nhu cầu SXKD và tiêu dùng của nền kinh tế thông qua việc thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, nâng cao chất lượng tín dụng, hướng tín dụng vào các lĩnh vực SXKD, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tiếp tục tiết giảm chi phí, tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và các giải pháp khác để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với cả khoản vay mới và dư nợ hiện hữu, thực hiện nghiêm túc việc công bố lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NHNN để doanh nghiệp, người dân thuận lợi trong việc lựa chọn ngân hàng vay vốn.

Lãi suất cho vay tại các ngân hàng thương mại đang giảm.
Lãi suất cho vay tại các ngân hàng thương mại đang giảm.

Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ tín dụng ngân hàng phù hợp từng phân khúc khách hàng và thị trường, loại hình, nhu cầu SXKD của người dân, doanh nghiệp, nhất là các nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp phục vụ đời sống, tiêu dùng của người dân.

Đồng thời, chủ động và tích cực truyền thông kịp thời, rõ ràng, đầy đủ về các chính sách, sản phẩm, dịch vụ của TCTD để giúp người dân, doanh nghiệp hiểu rõ và dễ dàng tiếp cận; tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình, chính sách tín dụng ngành, lĩnh vực đặc thù như cho vay theo Nghị định 55/2015 và Nghị định 116/2018 của Chính phủ và chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; đẩy mạnh cho vay thu mua, kinh doanh lúa - gạo; cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30 của Chính phủ; cho vay tiêu dùng hạn chế tín dụng đen; tiếp tục thực hiện chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo Thông tư 02/2023 ngày 23-4-2023 của NHNN Việt Nam...

Ngành Ngân hàng cũng sẽ tập trung thực hiện có hiệu quả công tác xử lý, thu hồi nợ xấu; đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng, các nhiệm vụ, giải pháp về thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, đẩy mạnh cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực công, hành chính công, nhất là các lĩnh vực y tế, giáo dục, chi trả an sinh xã hội, thanh toán qua Cổng Dịch vụ công quốc gia; đảm bảo hoạt động tại các phòng giao dịch, các máy ATM, POS được thông suốt.

Song song đó, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục tăng cường phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng, góp phần ổn định tiền tệ, tài chính; thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn hoạt động hệ thống quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn. Ngoài ra, ngành Ngân hàng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; đồng thời, tích cực thực hiện tốt công tác an sinh xã hội tại địa phương và có kế hoạch hỗ trợ các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu được phân công…

* PV: Xin cảm ơn đồng chí!

THẾ ANH

(thực hiện)

.
.
.